Thu hút FDI: Kỳ vọng tầm nhìn dài hạn

Vắng bóng dự án tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2019 đã chững lại khá mạnh. Trong khi đó, dòng góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài lại tăng mạnh tới 98,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Cơ sở hạ tầng là lĩnh vực triển vọng để thu hút vốn ngoại

Cơ sở hạ tầng là lĩnh vực triển vọng để thu hút vốn ngoại

Vốn FDI đang chững lại

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Sở dĩ vốn nước ngoài vào Việt Nam giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái là bởi tổng vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt 7,41 tỷ USD, bằng 62,8% so với cùng kỳ năm 2018. Cục Đầu tư nước ngoài lý giải, vốn đăng ký mới giảm do trong 6 tháng đầu năm 2018 có nhiều dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội, do Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất poplypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng do Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn trong 6 tháng năm nay dự án lớn nhất có quy mô chỉ 280 triệu USD, do NĐT Trung Quốc đăng ký tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.

Tương tự như vậy, tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm trong 6 tháng đầu năm nay cũng chỉ bằng 66,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư điều chỉnh giảm do trong 6 tháng 2018 có dự án Công ty TNHH Laguna của NĐT Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD; trong khi dự án điều chỉnh tăng vốn lớn nhất của năm nay chỉ có giá trị 200 triệu USD.

Tuy nhiên hoạt động góp vốn, mua cổ phần lại tăng rất mạnh với 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài, tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký. Nếu không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của NĐT Hồng Kông thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. Một điểm sáng khác là ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.

NĐT “nhăm nhe” nhiều lĩnh vực triển vọng

Mặc dù vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm khá mạnh so với năm 2018, song các NĐT nước ngoài đều cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn đang cải thiện tích cực. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI trên thị trường thế giới vẫn còn rất dồi dào, vì vậy Việt Nam cần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục các vấn đề mà NĐT nước ngoài lo ngại để có thể đón được dòng vốn này.

Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, năm ngoái 76% vốn FDI vào Việt Nam tập trung ở 3 lĩnh vực chế tạo, bất động sản và bán lẻ. Mặc dù đó là những lĩnh vực tăng trưởng quan trọng nhưng DN Hoa Kỳ mong muốn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ nhiều hơn vào công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Bà cho biết, theo báo cáo Triển vọng hạ tầng toàn cầu, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong khi đó, trên toàn cầu hàng nghìn tỷ USD vẫn đang tìm điểm đến cho các khoản đầu tư dài hạn và ổn định. Vì vậy Việt Nam cần kết nối nguồn vốn đó với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước. Đồng thời, khi đã đẩy mạnh được cơ sở hạ tầng, sẽ giúp tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa và hành khách, nâng cao năng suất, uy tín, từ đó sẽ tạo cơ sở thu hút thêm nhiều vốn đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm.

Đại diện của Amcham nhận định, hiện nay nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam phần lớn đến từ các ngân hàng phát triển, trong khi NĐT tư nhân đang rất muốn tham gia vào lĩnh vực này. Bà chia sẻ, mặc dù các điều khoản đầu tư của NĐT tư nhân có thể không hấp dẫn như nguồn vốn của ngân hàng phát triển, nhưng trong dài hạn, đây mới là nguồn phong phú và bền vững hơn cả. Vì vậy các thành viên Amcham hy vọng Chính phủ đẩy mạnh thiết lập cơ chế đầu tư hấp dẫn theo hình thức PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, không nên quá lo ngại khi vốn đăng ký mới sụt giảm. Thay vào đó, cần nhìn vào khía cạnh tích cực là vốn giải ngân vẫn tăng trưởng tốt. Năm ngoái, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam tăng 9,1% so với năm 2017 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Năm nay con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên.

Các DN Nhật Bản cho rằng vốn FDI nhằm xây dựng các cơ sở sản xuất trong ngành may mặc, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, các công đoạn đang được tăng cường bởi FDI là sản xuất và lắp ráp thành phẩm, còn ngành công nghiệp hỗ trợ để sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu, phụ tùng và bán thành phẩm lại chưa được đẩy mạnh. Vì vậy, thời gian tới các DN Nhật Bản sẽ xúc tiến các hoạt động kết nối giữa DN Nhật Bản và Việt Nam để hỗ trợ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, cũng như phát triển kênh bán hàng.

Cùng chung những dự báo lạc quan, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn của các DN CHLB Đức, với kỳ vọng cao về sự phát triển kinh tế tích cực trong trung hạn. Vị này dẫn chứng, số DN Đức tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong năm 2019 và 2020 tăng cao hơn hẳn so với năm 2018 trở về trước.

Các DN Đức vẫn tiếp tục nhìn nhận tích cực về sự phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như triển vọng tới năm 2020. Có 77% số DN Đức tại Việt Nam tham gia khảo sát, đánh giá tình hình kinh doanh của mình tốt lên trong năm nay. Con số này tăng so với 56% của năm 2018 và cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình tại Đông Nam Á là 61%.

Các DN Đức kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được ký kết sớm, Việt Nam sẽ hoàn thiện khung cơ sở pháp lý và chính sách kinh tế, khi đó các DN nước này sẽ còn đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.

Ngọc Khanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thu-hut-fdi-ky-vong-tam-nhin-dai-han-89381.html