Thu hút FDI năm 2019 đạt trên 38 tỷ USD, giải ngân cao nhất từ trước tới nay
Vượt mọi dự báo, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 đã đạt con số 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giải ngân vốn FDI cũng đạt cao nhất từ trước tới nay - hơn 20,38 tỷ USD.
Góp vốn, mua cổ phần tăng cao, vốn nước ngoài vào Việt Nam đạt 38 tỷ USD
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, vốn đăng ký của 3.883 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 16,75 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh là 5,8 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt dự án đăng ký đầu tư mới tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tổng vốn đăng ký mới lại giảm là do quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án đã giảm từ mức 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019.
Năm nay, ít có dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư mới. Dự án điều chỉnh vốn cũng tương tự. Tuy số lượt dự án xin điều chỉnh vốn tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tổng vốn điều chỉnh lại giảm.
Trong năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án khá nhỏ, bình quân chỉ 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh. Cùng lúc đó, lại không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.
Số vốn giải ngân 20,38 tỷ USD lại là mức cao nhất kể từ trước tới nay.
Ngược lại, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký, năm 2019 chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.
Số liệu thống kê cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản, với 17,8% tổng giá trị.
Giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục
Mặc dù vốn đăng ký đạt trên 38 tỷ USD là vượt mọi dự báo, và là mức cao nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Tuy nhiên, do năm 2007, Việt Nam thu hút được tới 72 tỷ USD vốn FDI, nên khó có thể coi con số 38 tỷ USD là kỷ lục.
Trong khi đó, số vốn giải ngân 20,38 tỷ USD lại là mức cao nhất kể từ trước tới nay. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.
Mặc dù vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài năm 2019 tăng so với cùng kỳ nhưng có thể thấy rằng mức tăng đã có chiều hướng giảm tốc so với năm 2017 và 2018 (năm 2017 vốn thực hiện tăng 10,7% so với năm 2016, năm 2018 vốn thực hiện tăng 9,1% so với năm 2017).
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ…
Nếu theo đối tác đầu tư, thì Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông).
Singpore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc...
Trong khi đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.