Thu hút FDI: Tín hiệu vui từ dự án tỷ đô

Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Đặc biệt, có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù con số này đạt thấp hơn so với năm ngoái, song theo nhận định của ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, mức giảm này tương đối ít. Bởi dòng vốn đầu tư của thế giới dự báo năm 2020 có thể suy giảm 40%. Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn vốn đăng ký mới tăng thêm khoảng 20 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ.

Tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Số dự án đăng ký mới tăng 6%, số dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Đây được xem là cơ hội "vàng" để Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, biện pháp chống đại dịch Covid-19 hiệu quả và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) - đón làn sóng đầu tư mới.

Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt thu hút FDI, cơ quan này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, qua quá trình làm việc, có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam.

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, song vấn đề đặt ra là Việt Nam vẫn cần có đột phá để thu hút FDI chất lượng cao, chứ không phải đại trà. Thực tế, hiện nay, đầu tư nước ngoài phần lớn từ các nước châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, gần đây là Trung Quốc, rất ít vốn FDI từ Hoa Kỳ, châu Âu. "Những nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu là những nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, phù hợp với chúng ta trong chuyển đổi tái cơ cấu. Vậy tại sao lại không có?"- ông Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - trăn trở.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư khác nhau, gọi đó là "chính sách may đo". Đó là cuộc chơi cùng thắng cho cả hai và chúng ta phải hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư.

Bên cạnh chính sách đột phá thu hút FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp quan trọng để thu hút FDI chính là nâng trình độ doanh nghiệp lên một tầm cao mới và có sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, phát huy thế mạnh và tiềm năng của các tập đoàn lớn, đây chính là những cánh chim đầu đàn, là các đầu tàu kéo nền kinh tế tăng trưởng.

"Muốn đón được làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài, điều quan trọng là phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao; do đó, cần triển khai các chương trình liên kết đào tạo để đáp ứng được yêu cầu này"- ông Đỗ Nhất Hoàng khuyến nghị.

Để tận dụng được làn sóng đầu tư mới, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước cũng nên chủ động hơn nữa.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hut-fdi-tin-hieu-vui-tu-du-an-ty-do-143347.html