Thu hút FDI trước bước ngoặt lịch sử: Những bài học quý

Trong dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, điểm rất tích cực là vốn thực hiện của các dự án đã tăng lên trong những năm gần đây, qua đó cho thấy những cam kết của nhà đầu tư vào Việt Nam là thực chất.

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. (Ảnh: Thành Cường)

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. (Ảnh: Thành Cường)

10 năm trước, FDI vào các ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng 30-35% tổng vốn đầu tư thì giai đoạn 2019-2022 đã tăng lên 40-50%. Đặc biệt tính lũy kế đến năm 2023, tỷ lệ vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng lên gần 50%. Đáng lưu ý, điểm yếu của Việt Nam trước đây là tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của doanh nghiệp FDI thấp thì đến nay, tình hình đã được cải thiện.

Thị trường chiến lược

Nhìn từ trường hợp của Honda và Samsung, ông Lê Anh Dũng, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ICS) cho biết sau hơn 20 năm đầu tư vào Việt Nam, Honda đã nội địa hóa gần như hoàn toàn đối với sản phẩm xe máy. Còn đối với Samsung cũng đã xây dựng được mạng lưới nhà cung cấp thuần Việt và đang thực hiện cam kết đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu.

Tháng 10/2023, kỹ sư Trần Tuấn Minh và các đồng nghiệp người Việt Nam thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung Việt Nam (SRV) bất ngờ được giao nhiệm vụ nghiên cứu phát triển ngôn ngữ tiếng Việt trên sản phẩm Galaxy AI. Trước đó, kế hoạch cho Galaxy AI là cài đặt 12 ngôn ngữ dựa trên số lượng người dùng và độ phổ biến trên thế giới, không bao gồm tiếng Việt. Việc đưa công nghệ lõi bằng tiếng Việt chạy trong sản phẩm điện thoại AI đầu tiên trên thế giới rất đỗi tự hào nhưng cũng là một thử thách lớn khiến những kỹ sư của SRV phải nỗ lực rất nhiều so với những dự án toàn cầu từng được tham gia.

Bên cạnh việc sang Hàn Quốc, Ấn Độ nhận chuyển giao công nghệ AI từ kiến trúc mô hình, thuật toán, đào tạo, dữ liệu, SRV phải huy động hàng trăm kỹ sư tham gia vào quá trình đào tạo AI vì tiếng Việt có sự đa dạng về phương ngữ, từ đồng nghĩa, từ mới của thế hệ GenZ. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ trong vòng bốn tháng, các kỹ sư của SRV đã tự mình làm chủ công nghệ và hoàn thiện AI cho tiếng Việt trên dòng sản phẩm S24 hiện đại nhất của Samsung.

Tương tự, các kỹ sư của bộ phận kiểm thử SRV cũng tạo được dấu mốc sau khi tham gia dự án vì giờ đây, họ đã có thể đảm nhận toàn bộ quá trình kiểm thử cho tất cả các tính năng AI. Từ vị trí nhận hướng dẫn và đào tạo từ Tập đoàn, đội ngũ kỹ sư người Việt Nam của SRV đã làm chủ công nghệ, trở thành những người đi chuyển giao quy trình và kinh nghiệm về kiểm thử tại các trung tâm nghiên cứu và phát triển khác trong khu vực Đông Nam Á.

Những bước tiến của Samsung ở thị trường chiến lược Việt Nam gợi nhớ về câu chuyện của 12 năm trước được Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ kể lại: Năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo kết nối tìm nhà cung cấp linh phụ kiện cho Samsung Việt Nam nhưng chỉ có ba doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm đủ điều kiện cung cấp gồm thùng carton, vật liệu chèn xốp đóng gói hàng hóa và dây quấn cáp sạc điện thoại. Như vậy, thời gian cho hành trình chuyển đổi của Samsung tại Việt Nam được tính bằng cả thập kỷ, chủ yếu do những yếu tố hạn chế về năng lực của doanh nghiệp trong nước.

Thế nhưng, trong thời kỳ bùng nổ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, thời gian cho mỗi giai đoạn phát triển đã ngắn lại và cơ hội sẽ không chờ đợi ai. Hoạt động xúc tiến đầu tư đã bùng nổ từ năm 2023 kéo theo hiệu ứng hình thành một làn sóng FDI mới, song Việt Nam vẫn chưa thật sự trở thành nơi xây tổ của “đại bàng” công nghệ mới.

Trong khi đó, một số quốc gia cạnh tranh đã liên tục thu hút được các dự án lớn, như Malaysia đón nhận dự án 4,3 tỷ USD của Nvidia vào năm 2023 và Indonesia đầu năm 2024 nhận được khoản đầu tư 200 triệu USD từ Nvidia cho việc xây dựng trung tâm dữ liệu AI.

Đáng lưu ý, truyền thông nước ngoài mới đây đưa tin Intel vừa “gác” kế hoạch chi thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy ở Việt Nam vì những yếu tố chưa thuận lợi về môi trường đầu tư và những hạn chế trong khả năng cung cấp điện. Các bên liên quan chưa xác nhận tính xác thực của thông tin này, song đó cũng là điều đáng lưu ý cho Việt Nam trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang tăng tốc thu hút dòng vốn đổ vào các ngành có giá trị cao.

Rõ ràng, cuộc đua thu hút vốn FDI của các quốc gia nhận đầu tư tại châu Á như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ chưa hề giảm nhiệt, trong khi các quốc gia đầu tư như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn tiếp tục xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay về nước.

Chính sách hiện tại sẽ quyết định tương lai

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong nhiều sự kiện về hợp tác đầu tư nước ngoài đều nhấn mạnh rằng, đang xuất hiện cơ hội “nghìn năm có một” để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp này phải được triển khai rất nhanh trong thời gian không quá 24 tháng với ba nội dung cốt lõi: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

“Cuộc đua chíp bán dẫn đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Thời gian là vấn đề cốt yếu, Chính phủ cần hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thúc giục.

Từ góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư Mỹ sẽ nhìn vào tín hiệu thị trường để hiện thực hóa dự án, và họ quyết định rất nhanh. Nếu chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục hành chính, mặt bằng sạch…, họ sẽ không rót vốn ngay cả khi đã cam kết.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, sức thu hút đặc biệt của Việt Nam trong khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn đã được khẳng định nhưng ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cũng lưu ý rằng, đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu để thu hút dòng đầu tư mới này. Vì vậy, các quốc gia cần hiểu rằng cánh cửa cơ hội sẽ không mở mãi.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn về hợp tác đầu tư nước ngoài. Lý do vì kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, thế giới vướng vào đại dịch Covid-19 nên dòng đầu tư toàn cầu sụt giảm.

Về phía Việt Nam cũng phải tập trung mọi nguồn lực chống dịch và sau đó là phục hồi kinh tế-xã hội, chưa có điều kiện thực thi đầy đủ. Cơ hội đó được chuyển tiếp sang năm 2024, cùng với vị thế quan trọng của Việt Nam trong mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Khách đã vào đến cửa, muốn cùng hợp tác phát triển, chủ nhà cần có sự chuẩn bị thật tốt về năng lực.

Cụ thể là cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo sẵn sàng nguồn nhân lực để tiếp thu dự án. Đồng thời tập trung nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

“Có như vậy mới tiếp nhận được dự án công nghệ nguồn. Vì nhà đầu tư vào để xây dựng nhà máy sản xuất, họ cần nguồn nhân lực, cần doanh nghiệp phụ trợ tại chỗ chứ không chỉ mượn địa điểm và tranh thủ ưu đãi thuế”, ông Toàn nhận định.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý đến các giải pháp nâng tầm cho doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm những giải pháp hỗ trợ từ nguồn lực đầu tư công cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, như chuyển đổi số; giáo dục- đào tạo tay nghề cho người lao động. Đây chính là tác động lan tỏa từ đầu tư công cho hạ tầng mềm. Bên cạnh đó, cần cơ chế hỗ trợ phù hợp sau khi Việt Nam thực hiện áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 để bù đắp phần ưu đãi thuế nhà đầu tư không còn được hưởng.

Dẫn lại bài học trong quá khứ, ông Toàn cho biết, sau thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng vọt nhưng giá trị giải ngân rất thấp, cho thấy lúc đó chúng ta chưa đủ năng lực tiếp nhận đầu tư và nhiều cơ hội bị vuột mất. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị cho bước ngoặt hợp tác đầu tư nước ngoài ở thời điểm hiện tại.

Tháng 6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng năm 2050 với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư công nghiệp bán dẫn đáp ứng cho nhu cầu thị trường tại thời điểm năm 2030. Kế hoạch này dự kiến cần 1 tỷ USD vốn đầu tư, bao gồm một phần vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa là chủ yếu. Đề án càng sớm triển khai thực hiện sẽ càng tăng cơ hội cho Việt Nam phát huy được lợi thế nguồn nhân lực để phát triển. Do đó, đã có nhiều giải pháp được Chính phủ cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động triển khai trước để sớm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong đề án, tinh thần là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sửa đổi bổ sung theo yêu cầu của thực tiễn trong nước và thế giới.

Triển khai thực hiện, NIC đã hợp tác với Trường đại học bang Arizona (Mỹ); các tập đoàn Cadence, Synopsys, Google, Meta, Samsung và một số trường đại học hàng đầu trong nước triển khai các chương trình đào tạo bán dẫn, AI cho giảng viên, sinh viên và xây dựng phát triển các trung tâm đào tạo thiết kế chíp, chủ động tìm kiếm giải pháp phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp mới này.

Trong nỗ lực cấp bách chuẩn bị các điều kiện thu hút dự án công nghệ cao, dự án ngành công nghiệp bán dẫn, chưa đầy hai năm, trụ sở làm việc mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội) đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 10/2023, là hạt nhân kết nối các bên liên quan để dần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tòa nhà có kiến trúc hiện đại theo biểu tượng chim đại bàng tung cánh trong không gian khoáng đạt, thể hiện khát vọng của Việt Nam mượn sức mạnh thời đại để trỗi dậy, cất cánh cùng với các cường quốc công nghệ trên thế giới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thu-hut-fdi-truoc-buoc-ngoat-lich-su-nhung-bai-hoc-quy-post816720.html