Thu hút FDI: Từ hành trình đổi mới, hội nhập đến kỷ nguyên vươn mình của Đất nước

Hành trình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã khởi đầu từ thành quả thống nhất Tổ quốc, Đổi mới và đi cùng Đất nước trong chặng đường mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Dòng vốn FDI đã hiện diện và và đi cùng đất nước trong hành trình đổi mới và phát triển.

Dòng vốn FDI đã hiện diện và và đi cùng đất nước trong hành trình đổi mới và phát triển.

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng miền Nam làm nên Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khép lại chặng đường 30 năm (1945–1975) trường kỳ chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Mốc son chói lọi ấy cũng đã ghi dấu một thời đại mới phục hồi, tái thiết và phát triển kinh tế đất nước, tạo tiền đề nền tảng cho chủ trương đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập trong các giai đoạn sau này, đưa đất nước bước sang những trang sử mới.

Trong bối cảnh đó, hành trình thu hút FDI của Việt Nam đã khởi đầu từ công cuộc Đổi mới vào giữa tháng 12/1986 và đi cùng đất nước trong gần 4 thập kỷ mở cửa hội nhập và phát triển kinh tế, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Gần 4 thập kỷ thu hút FDI gắn với đổi mới và hội nhập của Đất nước

Nhìn lại chặng đường thu hút FDI, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn đầu, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đóng vai trò như một “cú hích”, tạo sự đột phá, vừa bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, vừa khơi dậy các nguồn lực trong nước để khai thác, tận dụng các tiềm năng, lợi thế, đưa Đất nước vượt qua các giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, đặc biệt là giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận.

Chỉ 10 năm sau Đổi mới, với sự hỗ trợ của nguồn lực ĐTNN, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam đã đạt 8,2%, tạo nền tảng để kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng và phát triển cho giai đoạn tiếp theo. ĐTNN là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tỷ trọng ĐTNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng dần, từ gần 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017; riêng năm 2008 tỷ trọng này lên tới 30,8%, và luôn duy trì ở mức cao trong giai đoạn trở lại đây.

Bên cạnh đó, ĐTNN cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng vững vàng cho tăng trưởng dài hạn, đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa - công nghiệp hóa của đất nước, góp phần phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao, mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thu hút và sử dụng vốn ĐTNN cũng tích cực thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Có cùng nhận định, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) cho rằng dòng vốn FDI hiện diện và đồng hành cùng các giai đoạn phát triển của Đất nước đã góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về kinh tế, hội nhập và tăng trưởng bền vững.

Tính đến nay, sau gần 4 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, khu vực ĐTNN đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế. Tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, cả nước có 42.760 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 510,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Intel, Foxxcon, Amkor...

Riêng năm 2024, FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách nhà nước. Các dự án ĐTNN đi vào hoạt động đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

TP. Hồ Chí Minh: Điểm sáng tiên phong thu hút đầu tư nước ngoài

Trong bức tranh chung 40 năm thu hút FDI, TP. Hồ Chí Minh luôn nổi lên như một điểm sáng đi tiên phong về năng lực thu hút và khả năng hấp thụ vốn ĐTNN. Tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với hơn 59,5 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Nguồn vốn FDI đóng vai trò như một trong những nguồn động lực chính thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của Thành phố trong nhiều năm qua, thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp nguồn vốn quan trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đóng góp của khối FDI đã giúp cơ cấu kinh tế Thành phố chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ với tỷ trọng của công nghiệp và xây dựng ngày càng gia tăng.

TP. Hồ Chí Minh là điểm sáng dẫn đầu cả nước về năng lực thu hút và khả năng hấp thụ vốn ĐTNN.

TP. Hồ Chí Minh là điểm sáng dẫn đầu cả nước về năng lực thu hút và khả năng hấp thụ vốn ĐTNN.

Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, làn sóng FDI vào TP. Hồ Chí Minh có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, công nghiệp dược phẩm; cơ khí chính xác, điện và điện tử, công nghệ phần mềm, bưu chính viễn thông…

Trong đó, nổi bật là dự án đầu tư của Tập đoàn Intel vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào ngành công nghệ bán dẫn, mở đầu cho sự xuất hiện của hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới, như Samsung, Toshiba, Mercedes, Isuzu, Nidec, Sonion, Jabil, Datalogic…, góp phần giúp Thành phố phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn mang lại giá trị gia tăng cao, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong hành trình thu hút FDI thế hệ mới.

Bối cảnh mới, cách tiếp cận mới trong kỷ nguyên vươn mình

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng tăng tốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% vào năm 2025 và phấn đấu đạt mức hai con số ở giai đoạn tiếp theo, vượt qua nguy cơ tụt hậu, tránh bẫy thu nhập trung bình.

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình, các chuyên gia cho rằng Việt Nam, cũng như TP. Hồ Chí Minh nói riêng với vai trò là đầu tàu tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI của đất nước, cần có cách tiếp cận mới một cách có chọn lọc và hiệu quả hơn trong thu hút FDI để đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Việt Nam đang chuyển sang chiến lược chọn lọc, tập trung thu hút dòng vốn FDI xanh trong kỷ nguyên mới.

Việt Nam đang chuyển sang chiến lược chọn lọc, tập trung thu hút dòng vốn FDI xanh trong kỷ nguyên mới.

Bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, khó lường đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc định hình lại chính sách thu hút, quản lý và sử dụng vốn ĐTNN. Thay vì thu hút đại trà, Việt Nam đang chuyển sang chiến lược chọn lọc, tập trung thu hút dòng vốn FDI xanh, các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tính kết nối chuỗi với công nghiệp nền tảng.

Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung khi cho rằng chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. “Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Mai Phương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thu-hut-fdi-tu-hanh-trinh-doi-moi-hoi-nhap-den-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dat-nuoc.html