Thu hút nguồn lao động chất lượng cao cho phát triển ở vùng Đồng bằng sông Hồng

Ngày 30/7, tại Trường đại học Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề 'Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - Đột phá chiến lược phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng'.

Quang cảnh Hội thảo khoa học.

Quang cảnh Hội thảo khoa học.

Hội thảo có khoảng 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các chuyên gia, các giảng viên đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học, trường chính trị và doanh nghiệp lớn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu đề dẫn, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là một trong ba đột phá chiến lược bảo đảm cho thành công của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững, ổn định.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài là yếu tố quan trọng để phát triển bứt phá tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài là yếu tố quan trọng để phát triển bứt phá tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Đồng chí nêu rõ, Hội thảo khoa học là hoạt động quan trọng để nhìn nhận, đánh giá thực trạng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Hồng, qua đó đề xuất giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để Đồng bằng sông Hồng thật sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Chuyên gia cao cấp của Trường đại học Thái Bình đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo khoa học được tổ chức hôm nay. Ông nhấn mạnh đến việc cần xác định rõ mục tiêu, định hướng hết sức cụ thể để đào tạo hay thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở từng địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Chuyên gia cao cấp của Trường đại học Thái Bình đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo khoa học đã hướng đến những khát vọng phát triển của các địa phương Đồng bằng sông Hồng.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Chuyên gia cao cấp của Trường đại học Thái Bình đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo khoa học đã hướng đến những khát vọng phát triển của các địa phương Đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, phải đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực trong vùng. Trên cơ sở đánh giá hạn chế và nguyên nhân để đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tới.

Trong đó, cần quan tâm đến các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao trong phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng.

Một số tham luận trình bày tại hội thảo khoa học đã tập trung khái quát những vấn đề lý luận chung của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng phát triển nguồn nhân lực; những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, khái quát những yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng ở bối cảnh hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Kết luận hội thảo khoa học cấp bộ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình nhấn mạnh: Đồng bằng sông Hồng được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, Đồng bằng sông Hồng cần nhận diện rõ các yêu cầu đối với nguồn nhân lực để có thể nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế đáp ứng yêu cầu phát triển của cả vùng trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đó là yêu cầu về cơ cấu lao động, trình độ, tay nghề, năng suất lao động, tác phong chuyên nghiệp… Đặc biệt là yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong các trường chính trị và nguồn nhân lực khoa học-công nghệ tại các trường đại học cho các ngành công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp điện tử, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình khẳng định, Hội thảo khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, mang tính thực tiễn cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình khẳng định, Hội thảo khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, mang tính thực tiễn cao.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành, Hội thảo đã đề xuất được các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với ứng dụng khoa học, công nghệ.

Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực để các địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các trường chính trị, trường đại học trao đổi, thảo luận, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và từng tỉnh trong vùng nói riêng.

MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thu-hut-nguon-lao-dong-chat-luong-cao-cho-phat-trien-o-vung-dong-bang-song-hong-post821825.html