Thu hút nhà đầu tư ngoại đã khó, giữ chân càng khó hơn

Thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đã khó thì việc giữ chân càng khó hơn. Trong đại dịch, Việt Nam đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế và để nền kinh tế tăng trưởng tốt vào thời kỳ 'hậu Covid-19', Việt Nam cần có những giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình hơn nữa.

Dịch chuyển dòng vốn đầu tư đang là xu hướng

Theo phân tích của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV (nhóm nghiên cứu), kể từ năm 2018, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước… khiến dòng vốn đầu tư trên thế giới sụt giảm, đồng thời có sự dịch chuyển mạnh giữa các khu vực và quốc gia. Trong xu thế đó, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, là điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc.

Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang nổi lên như điểm đến tiềm năng cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư

Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang nổi lên như điểm đến tiềm năng cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư

Theo Nomura Group, kể từ đầu năm 2018 đến tháng 8/2019, đã có 56 doanh nghiệp quốc tế rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước khác; trong đó, có 26 doanh nghiệp chọn Việt Nam, 11 sang Đài Loan, 11 sang Thái Lan, 3 sang Ấn Độ...

Còn theo Công ty tư vấn đầu tư A.T Kearney, Trung Quốc đã xuống hạng, từ thứ 3 (năm 2017) xuống thứ 7 (2019) trong số các địa điểm đầu tư FDI tốt nhất thế giới (là mức thấp nhất từ trước đến nay); phản ánh sự suy giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư, do chi phí nhân công tăng nhanh, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và năm nay là đại dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, theo nhóm nghiên cứu, kể từ tháng 8/2019 đến nay, Ấn Độ và Indonesia đã đẩy mạnh việc thu hút các tập đoàn quốc tế đang có kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Đến nay, đã có nhiều thông tin về việc các nhà đầu tư có kế hoạch dịch chuyển đầu tư tới Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển sẽ không ngay lập tức mà thường có lộ trình khoảng 2-5 năm, do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện nên không thể nhanh chóng chuyển dịch. Ngoài ra, sự dịch chuyển này mang tính đa dạng hóa thị trường, chỉ chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng, không phải là di dời toàn bộ khỏi Trung Quốc. Bởi Trung Quốc vẫn là thị trường có quy mô rất lớn, vẫn là một điểm đến quan trọng do quốc gia này có cơ sở hạ tầng, logistics, công nghiệp phụ trợ tốt, đội ngũ công nhân lành nghề, cũng như hệ sinh thái cung ứng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ, châu Âu… và quy mô sản xuất lớn.

Còn tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu chỉ rõ, trong năm 2019, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng 17% so với năm trước, cao hơn so với mức tăng chung là 7,2%, và là mức tăng cao nhất trong số các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam (Hồng Kông tăng 9,1%, Singapore tăng 6,4%, Hàn Quốc tăng 3,7%, Nhật Bản tăng 2,12%). Trong 5 tháng đầu năm 2020, một số tập đoàn đã lên kế hoạch dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam.

Như vậy, từ những số liệu phân tích trên, có thể thấy xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI đã và đang diễn ra, từ trước khi có đại dịch Covid-19. Và từ đầu năm đến nay, xu thế này được đánh giá đang mạnh mẽ hơn, một phần là do những tác động từ dịch bệnh làm ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển của hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới.

Cần nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài

Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang dịch chuyển đầu tư, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, thiết bị điện tử và phụ kiện, logistics, thương mại điện tử, hàng tiêu dùng, bán lẻ… Việc dịch chuyển đầu tư đã và đang diễn ra và Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia hấp dẫn thu hút sự dịch chuyển.

Dù quy mô dự án FDI tăng nhưng làn sóng dịch chuyển vẫn chưa thực sự thấy rõ

Dù quy mô dự án FDI tăng nhưng làn sóng dịch chuyển vẫn chưa thực sự thấy rõ

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) đã công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này được Chính phủ hỗ trợ chi phí để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào. Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký dịch chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Phần lớn số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang Việt Nam và Lào…

Bên cạnh đó, có nhiều thông tin, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam, như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.

Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy, dù quy mô dự án FDI tăng nhưng làn sóng dịch chuyển vẫn chưa thực sự thấy rõ. Cơ hội để thu hút vốn FDI đã hiện hữu, tuy nhiên, làm sao để các doanh nghiệp Việt đón “làn sóng” này một cách hiệu quả thì không hề dễ, nhất là từ các ông lớn như Mỹ, châu Âu.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, thành công trong phòng chống dịch Covid-19 cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ trong lúc khó khăn đối với các doanh nghiệp cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Khi lòng tin vào Việt Nam đã tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn nhất.

Thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đã khó thì việc giữ chân các nhà đầu tư càng khó hơn. Trong đại dịch, Việt Nam đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế và để nền kinh tế tăng trưởng tốt vào thời kỳ “hậu Covid-19”, Việt Nam cần có những giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình. Đó là phải duy trì sự ổn định môi trường vĩ mô, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài. Cùng với đó, đảm bảo tính nhất quán, tính ổn định và tính phù hợp của các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô (tỷ giá, lãi suất)... sẽ là những “điểm cộng” trong quá trình thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Minh Lê

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thu-hut-nha-dau-tu-ngoai-da-kho-giu-chan-cang-kho-hon-578417.html