Thu hút sinh viên ngành Sư phạm: Cần chính sách đồng bộ và lâu dài

Sau khi “siết” chất lượng đầu vào đối với tuyển sinh ngành Sư phạm, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách mới nhằm thu hút học sinh có học lực giỏi đăng ký xét tuyển vào ngành này. Theo đó, sinh viên ngành Sư phạm không chỉ được miễn học phí mà còn được hỗ trợ chi phí học tập hằng tháng trong suốt quá trình học.

Sinh viên ngành Sư phạm hệ chính quy của Trường đại học Đồng Nai và niềm vui ngày tốt nghiệp, ra trường. Ảnh: Công Nghĩa

Sinh viên ngành Sư phạm hệ chính quy của Trường đại học Đồng Nai và niềm vui ngày tốt nghiệp, ra trường. Ảnh: Công Nghĩa

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Với việc có thêm chính sách thu hút mới theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên ngành Sư phạm, ngoài miễn học phí, mỗi tháng sinh viên được hỗ trợ 3,63 triệu đồng chi phí học tập, Trường đại học Đồng Nai kỳ vọng năm 2022 này sẽ thu hút được nhiều học sinh có học lực khá, giỏi vào các ngành Sư phạm, trong đó có cả những ngành từ trước đến nay khó thu hút người học”.

* Có thêm ưu đãi vẫn… băn khoăn

Trong một chương trình hướng nghiệp tổ chức tại Trường đại học Đồng Nai mới đây, em Võ Thị Trúc Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), nêu băn khoăn: “Em muốn học ngành Sư phạm để cha mẹ bớt áp lực tài chính kéo dài 4 năm học. Nhưng điều làm em băn khoăn nhất là cơ hội việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp đại học liệu có được đảm bảo? Chẳng hạn như em có được bố trí việc làm theo nguyện vọng, có được mức thu nhập phù hợp với năng lực và không quá khác biệt với nhiều ngành nghề “hot” hiện nay?”.

Theo Sở GD-ĐT, hiện nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu giáo viên các môn học, nhất là Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Thể dục. Những môn học này các trường đại học sư phạm tuyển sinh và đào tạo không đủ cung cấp, thậm chí không tuyển sinh đủ để mở lớp đào tạo. Việc thiếu nhiều giáo viên ở các môn học trên dẫn tới năm học 2022-2023 khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở các bậc học gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, em Nguyễn Ngọc Nam, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa), chia sẻ cha mẹ đều định hướng cho em theo học ngành Sư phạm để có tương lai ổn định. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ ngành này, điều kiện việc làm và thu nhập của giáo viên, nhất là với giáo viên công tác ở các trường công lập, em lại quyết định “ngả” sang ngành kinh tế, bởi thu nhập của sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp ra trường rất thấp. Thậm chí, có những giáo viên dạy lâu năm nhưng mức lương chưa đầy 10 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể đến giáo viên dạy những môn học như: Giáo dục công dân, Thể dục, giáo viên phụ trách Đội… không thể có thêm thu nhập nào khác.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Biên Hòa cho biết, học sinh có học lực khá, giỏi thường ít chọn ngành Sư phạm, dù nhà trường có định hướng giới thiệu ngành nghề này. Những em có học lực khá, giỏi thường ưu tiên số một là nhóm ngành: Y dược, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Kiến trúc hay những ngành mới và rất “hot” như thương mại điện tử, logistics.

Với những ngành này, nếu tốt nghiệp loại giỏi ra trường thì các em sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm kèm theo thu nhập cao mà ngành Sư phạm khó “sánh” được.

* Cần đồng bộ chính sách

Tại buổi tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh khối 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng tổ chức tại Trường đại học Đồng Nai, TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, chia sẻ Trường đại học Đồng Nai là một trong số các trường được tỉnh ưu tiên tuyển dụng sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp cùng với Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Sinh viên sư phạm của trường được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, đặc biệt ngành Sư phạm Hóa là một trong số các ngành được UBND tỉnh đặt hàng đào tạo và sinh viên được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Học sinh khối 12 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) đặt “điều kiện” việc làm và thu nhập khi chọn ngành Sư phạm. Ảnh: C.Nghĩa

Học sinh khối 12 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) đặt “điều kiện” việc làm và thu nhập khi chọn ngành Sư phạm. Ảnh: C.Nghĩa

Tuy nhiên, nhiều học sinh lớp 12 chưa thực sự mặn mà với chính sách thu hút sinh viên sư phạm. Em Nguyễn Thanh Tuấn, học sinh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), cho rằng điều em quan tâm là không chỉ là các chính sách hỗ trợ 4 năm đại học mà quan trọng hơn là cơ hội việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp. Bởi, quá trình học tập chỉ kéo dài 4 năm nhưng ra trường đi làm nếu sống mãi với điều kiện lương thấp thì sẽ rất khó khăn.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, để thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP hiệu quả, thu hút học sinh giỏi vào ngành Sư phạm thì vai trò của các địa phương trong khảo sát, đánh giá nhu cầu của từng cơ sở giáo dục là rất quan trọng.

Ông Sơn cho rằng, địa phương còn dè dặt trong đặt hàng với các trường đại học đào tạo sinh viên sư phạm vì lo ngại các em ra trường không được bố trí việc làm phù hợp do thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Vì vậy, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật để việc thực thi hiệu quả việc thu hút học sinh giỏi vào ngành Sư phạm.

Cần gần 5,7 ngàn giáo viên từ nay đến năm 2025

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT về rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo nhân lực ngành Sư phạm giai đoạn 2022-2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025 tỉnh cần gần 5,7 ngàn giáo viên, bình quân mỗi năm tỉnh cần trung bình trên 1,4 ngàn giáo viên. Trong đó, năm 2022 cần 2.441 giáo viên, năm 2023 cần 1.136 giáo viên, năm 2004 là 1.075 giáo viên và năm 2025 là 1.044 giáo viên.

Công Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Cần đội ngũ giáo viên có chất lượng

Đồng Nai là tỉnh có dân số đông, hệ thống trường lớp lên tới trên 800 trường, số lượng giáo viên trên 32 ngàn người, số lượng học sinh trên 700 ngàn em. Với quy mô ngành Giáo dục lớn như vậy nên nhu cầu tuyển dụng giáo viên hằng năm là rất lớn để thay thế cho giáo viên đến tuổi về hưu, số trường lớp được thành lập mới. Đặc biệt, khi tỉnh đang từng bước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhu cầu giáo viên sẽ ngày một tăng. Ngoài số lượng thì yêu cầu chất lượng giáo viên là rất quan trọng để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, nhất là thu hút giáo viên có chất lượng về vùng sâu, vùng xa.

Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) NGUYỄN HẢI ANH: Cần thu hút bằng chính sách tiền lương

Muốn thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm và “giữ chân” được giáo viên với ngành thì phải cải cách chính sách tiền lương, bởi tốt nghiệp đại học sư phạm mà lương khởi điểm chỉ hơn 3 triệu đồng sẽ rất khó thu hút. Chẳng hạn, Trường THCS Trảng Dài dù vẫn còn thiếu 7 giáo viên ở nhiều môn học, đặc biệt có những môn học thuộc loại rất khó tuyển giáo viên, chẳng hạn như: Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Âm nhạc. Có nhiều nguyên nhân khó tuyển dụng, trong đó có các trường đại học không tuyển được sinh viên để đào tạo, hay một số ngành Sư phạm như: Âm nhạc, Mỹ thuật sau khi sinh viên tốt nghiệp đi làm ở ngoài thu nhập cao hơn nhiều so với đi dạy.

Thành Nam(ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202206/thu-hut-sinh-vien-nganh-su-pham-can-chinh-sach-dong-bo-va-lau-dai-3120080/