Thu hút vốn FDI từ EU: Do đâu mà thiếu hấp dẫn?

Hiện Liên minh châu Âu (EU) là đối tác đầu tư quan trọng, với 27 quốc gia thành viên đã có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án của đối tác này tại Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng, đặc biệt, nhiều nhà đầu tư EU cho biết đang có ý định mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Trên 2.240 dự án còn hiệu lực

EU hiện là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ tư tại Việt Nam với trên 2.240 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điểm nhấn của các dự án FDI từ EU tại Việt Nam là đa số có chất lượng cao, có sức lan tỏa lớn, tiêu biểu trong đó là những dự án đầu tư vào công nghệ cao từ các: Tập đoàn Ericsson, ABB, Bosch.

Các nhà đầu tư EU cũng được đánh giá có thế mạnh về dịch vụ hơn sản xuất hàng hóa, nên trong bối cảnh các chuỗi giá trị sản xuất đang thay đổi như hiện nay, việc đón nhận vốn đầu tư từ EU càng trở nên quan trọng cho cả Việt Nam lẫn các nước EU.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Hà Lan luôn dẫn đầu về số vốn đăng ký. Cụ thể, hết năm 2019, Hà Lan có 344 dự án với số vốn đăng ký khoảng 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. Hà Lan cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Việt Nam, với thương mại song phương năm 2018 đạt 7,8 tỷ USD (sau Đức).

Theo ông Joost Vrancken Peeters - Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan - Việt Nam: Hà Lan coi trọng thị trường Việt Nam, thể hiện qua số vốn mà DN nước này đầu tư tại đây trong những năm qua. Để khai thác tốt nhất EVFTA, Hà Lan đã nghiên cứu về các nhu cầu chuyển dịch đầu tư và đa dạng hóa nguồn cung ứng; nhận định về các động lực và trở ngại chính của DN Hà Lan khi đầu tư vào Việt Nam để tìm cách khắc phục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Hà Lan và khơi thông hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Đức tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Doanh nghiệp Đức tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Giảm chi phí logistics, cải thiện hạ tầng

Khẳng định các nhà đầu tư EU đang mong muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên, Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN EU tại Việt Nam (EuroCham) - cho biết, trong số các quốc gia mà nhà đầu tư EU đang tìm hiểu như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia… thì Việt Nam vẫn đang được đánh giá chậm trong thu hút đầu tư.

Các chuyên gia nhận định, nguồn vốn FDI từ EU vẫn chưa được khai thác như mong đợi. Trên thực tế, các DN EU thường khó đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, do gặp không ít hạn chế về sự minh bạch và thuận lợi trong thủ tục nói riêng và quản lý nhà nước nói chung về FDI. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện đồng bộ, chi phí logistics quá cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của DN… cũng là rào cản khiến FDI từ EU bị hạn chế.

Nhằm thu hút các dự án FDI có chất lượng nói chung và FDI từ EU nói riêng, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước nước ngoài đến năm 2030. Trong đó xác định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với mục tiêu đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp thu hút các dự án FDI từ EU.

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hấp dẫn nhà đầu tư EU thì cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn là những giải pháp cần được triển khai sớm trong thời gian tới.

Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA)được thực thi sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút những dự án FDI chất lượng từ EU.

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hut-von-fdi-tu-eu-do-dau-ma-thieu-hap-dan-144730.html