Thu hút xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và cơ hội xuất khẩu của Việt Nam

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong những năm tới được dự báo sẽ có bước chuyển mình khi ngày càng thu hút được nhiều hãng ô tô nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng đã có những bước ngoặt để xuất khẩu ngược ra thị trường nước ngoài.

Môi trường kinh doanh ngành ô tô trong khu vực đang có nhiều thay đổi. Việt Nam hiện đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%.

Môi trường kinh doanh ngành ô tô trong khu vực đang có nhiều thay đổi. Việt Nam hiện đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%.

Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, dành cho các khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mexico… Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng tràn vào nhiều.

Trong năm 2024, Việt Nam đã chứng kiến làn sóng xe nhập khẩu ồ ạt, gây sức ép không nhỏ cho ngành công nghiệp lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, những chính sách mới của Chính phủ đã bước đầu vực dậy xe lắp ráp trong nước. Doanh nghiệp Việt cũng đã từng bước khẳng định vị thế khi “ngược dòng” xuất khẩu ngược lại tới các nước trong khu vực.

Mới đây, Hyundai Thành Công Việt Nam (HTMV), đã xuất khẩu lô xe Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan. Đây là một trong những thị trường lớn thường xuyên có số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam khá lớn. Đáng chú ý, đây là lô xe thứ 4 xuất khẩu trong tháng 10/2024, nâng tổng số xe Hyundai Palisade xuất khẩu sang Thái Lan lên 110 chiếc. Hoạt động này nằm trong kế hoạch dự kiến xuất khẩu hơn 4.000 xe Hyundai của HTMV sang các nước trong khu vực giai đoạn 2024 - 2025.

Hyundai Palisade là một trong những mẫu SUV cao cấp nhất của Hyundai, được sản xuất và phân phối tại Việt Nam từ tháng 9/2023. Hyundai Palisade đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe và đủ điều kiện hưởng các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), tạo lợi thế cạnh tranh lớn khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Sau Hyundai Palisade, HTMV còn đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu các dòng xe khác trong phân khúc B, B-SUV, D-SUV, D-MPV sang các thị trường khác như Myanmar, Philippines, Indonesia và các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Hyundai Thành Công cũng từng xuất khẩu dòng xe thương mại Solati và xe tải hạng nhẹ Mighty sang một số thị trường Đông Nam Á và Nam Mỹ. Trong đó, Hyundai Solati (mini bus 16 chỗ) và Mighty N250 (xe tải nhẹ), được xuất khẩu với số lượng 62 chiếc cho lô đầu tiên. Thị trường đón nhận xe là Peru.

Trước đó, vào tháng 11/2022, VinFast tổ chức lễ xuất khẩu lô gồm 999 chiếc VinFast đi Mỹ, đánh dấu việc ô tô điện của Việt Nam lần đầu được bước ra biển lớn. Sự kiện một hãng xe Việt như VinFast xuất khẩu ra nước ngoài đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của truyền thông khi sản phẩm "Made in Việt Nam" lần đầu tiên có thể lăn bánh tại các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ.

Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam và nhiều doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu xe về bán trong nước, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam và nhiều doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu xe về bán trong nước, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Ngoài việc xuất khẩu sơmi rơmoóc sang Mỹ và xuất khẩu linh kiện ô tô, công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) hiện cũng đã xuất khẩu ô tô con sang các nước ASEAN. Theo báo cáo, năm 2023, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 10 triệu USD khi xuất khẩu hơn 2.500 xe ra nước ngoài.

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu ngành cho thấy ngành công nghiệp ô tô Việt ngày một hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bằng chứng cho thấy điều đó là các hãng xe ô tô trên thế giới cũng đang dần chọn Việt Nam là “cứ điểm” để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô chứ không chỉ nhập khẩu về bán như trước đây. Đơn cử như “ông lớn” trong ngành phân phối xe tại Việt Nam là công ty cổ phần Tasco và Geely Auto Group đã chính thức ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam, cũng như ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược 3 bên với BQL Khu Kinh tế và các khu CN tỉnh Thái Bình.

Liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô giữa Tasco và Geely là một dự án CKD (Completely Knocked Down: lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha, phục vụ cho nhu cầu trong nước và đặc biệt là xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%.

Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.

Cái bắt tay với Tasco tại Việt Nam cho thấy tham vọng muốn hiện thực hóa kế hoạch mở rộng thị trường Đông Nam Á của Geely. Từ phía doanh nghiệp trong nước như Tasco, đây là một bước đi cần thiết với Tasco để hiện thực hóa mục tiêu tiến lên thượng nguồn ngành ô tô thay vì chỉ là nhà phân phối.

Vừa qua, tại Hội nghị Người dùng Toàn cầu tại An Huy, Trung Quốc, đại diện đoàn lãnh đạo Việt Nam gồm đại diện Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp cho liên doanh Geleximco - Chery.

 Nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo dự kiến được xây dựng tại KCN Hưng Phú, tỉnh Thái Bình vào năm 2025.

Nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo dự kiến được xây dựng tại KCN Hưng Phú, tỉnh Thái Bình vào năm 2025.

Đây là dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phân phối các dòng xe Omoda & Jaecoo tại Việt Nam và tới đây sẽ đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 800 triệu USD.

Dự án này dự kiến sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Nhờ đó, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ và mở rộng tiềm năng xuất khẩu.

TC Motor và Skoda Auto cũng đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược. Hai hãng này có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe Skoda tại tỉnh Quảng Ninh - nơi đặt nhà máy của TC Motor ở mảng công nghiệp phụ trợ. Skoda chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đặt nhà máy lắp ráp ô tô.

Theo kế hoạch, toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Skoda Auto, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao. Đây sẽ là nơi tập trung nguồn nhân sự chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Hiện tổ hợp đã quy hoạch và thi công các khu vực như các nhà máy sản xuất - lắp ráp ô tô, khu vực nhà kho, khu vực cảng, khu vực IT, các nhà máy phụ trợ, khu vực dịch vụ,... Hệ thống hạ tầng khu công nghiệp như trạm xử lý nước thải, trạm biến áp, trạm bơm cấp nước sạch,... cũng đều được đầu tư đồng bộ và nhiều hạng mục đã hoàn thành.

TMT Motors của Việt Nam và Liên doanh GM - SAIC - WULING cũng đã ký thỏa hợp tác chiến lược vào tháng 2/2203. Liên doanh GM và SAIC - WULING cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ôtô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Mẫu xe nói trên sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai, khi TMT Motors giới thiệu thêm các mẫu ôtô điện khác.

Ngoài ra, vào tháng 2/2022, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính (TF Group) đã tổ chức lễ khởi công Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỉ đồng tại xã Đại Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô bình quân 14% - 16% /năm, sức mua lên đến 1 - 1,1 triệu chiếc/năm. Giai đoạn 2031 - 2045, tăng trưởng 11% - 12%/năm, đến năm 2045, lượng xe tiêu thụ đạt 5 - 5,7 triệu chiếc/năm.

Dự thảo của Bộ Công Thương cũng đưa ra định hướng, tập trung vào dòng xe xanh. Đến năm 2030 tổng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 600.000 - 700.000 chiếc, trong đó các dòng xe xanh chiếm khoảng 18% - 22%, tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng đạt 55% - 60%. Đến 2045 tổng sản lượng xe nội địa đạt từ 4 - 4,6 triệu chiếc/năm, trong đó xe xanh chiếm 80% - 85%, tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng đạt 80% - 85%.

Các chiến lược này đều đặt ra mục tiêu lớn đó là: xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu; trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác

Thực tế, trong những năm qua, những mục tiêu đặt ra của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể đã không thành công, nhưng điều này có lẽ sẽ thay đổi thời gian tới khi Việt Nam hiện cũng đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do nên việc lắp ráp ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, các hãng xe ô tô cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi xuất khẩu ô tô sang các nước có Hiệp định thương mại tự do và “né” được thuế nhập khẩu khi phân phối tại các thị trường quốc tế.

Trước những bước tiến mới của ngành ô tô Việt với những đầu tàu “nội địa” của ngành như THACO Trường Hải, TC Motors, VinFast và nhiều doanh nghiệp nước ngoài có kế hoạch đầu tư nghiêm túc vào Việt Nam, có thể thấy Việt Nam đang khẳng định được vị thế và tiềm lực với các nhà sản xuất không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, Việt Nam đang cho thấy sự hấp dẫn với các nhà đầu tư với nhiều tiềm năng chờ được khai phá và cơ hội nâng tầm ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” khi có nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra các nước trong khu vực Đông Nam Á hay các thị trường khó tính khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/thu-hut-xay-dung-nha-may-san-xuat-lap-rap-o-to-trong-nuoc-va-co-hoi-xuat-khau-cua-viet-nam.htm