Thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nên đưa vào luật?

Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú mới hướng tới người biểu diễn, trình bày tác phẩm, chưa áp dụng với đối tượng sáng tác. Đây có thể là thiếu sót của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.

Sáng 27-5, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình thêm về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: HOÀNG HẢI

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình thêm về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: HOÀNG HẢI

“Thư khen của lãnh đạo hết sức cao quý, động viên rất lớn”

Tranh luận với Ban soạn thảo, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho hay tại phiên thảo luận tổ, ông đã đề xuất bổ sung hình thức thư khen của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời.

“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam chúng ta rất cần hình thức này” - ông Ngân nói và cho hay nếu bản thân ông hay là con cháu nhận được thư khen của Chủ tịch nước, của Thủ tướng thì “quả thật rất tuyệt vời”...

“Nếu như trong kỳ họp này, tôi được Chủ tịch QH tặng một thư khen thì rất tuyệt vời” - ông Ngân nói.

Theo ĐB TP.HCM, trong một kỳ họp, những ĐBQH tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc đưa ra những sáng kiến, nếu QH, Thường vụ QH gửi ngay một thư khen thì ĐB sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn và dành thời gian, công sức nhiều hơn cho công việc của ĐB.

“Chỉ cần một thư khen thôi, không cần thưởng” - ông Ngân nhấn mạnh.

Nghệ sĩ hầu như đều mang trong mình sự đa cảm, đa đoan, ngại nói về đãi ngộ, về tưởng thưởng. Nhưng nếu được quan tâm, đãi ngộ xứng đáng, kịp thời thì đó sẽ là “động lực tinh thần vô giá, để cho những thân tằm rút ruột, nhả tơ”.

ĐB TP.HCM dẫn Điều 9 dự thảo quy định các hình thức khen thưởng, gồm huân chương, huy chương danh hiệu vinh dự nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen. “Nếu thêm một dòng nữa số 8 là thư khen thì rất tuyệt vời” - ĐB TP.HCM nói.

“Tôi nghĩ tại sao hôm nay chúng ta không làm luôn? Rất phù hợp và rất động viên, không tốn kém gì cả. Một chữ ký của Chủ tịch QH thôi, tuyệt vời lắm. Ở đây có Chủ tịch nước, Thủ tướng, tôi rất mong lãnh đạo nhà nước tặng nhiều thư khen, như vậy sẽ có tác dụng động viên các phong trào thi đua, khen thưởng rất lớn” - vẫn lời ông Ngân.

Đồng tình với đề xuất của ĐB Ngân, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng thư khen của các đồng chí lãnh đạo là “hết sức cao quý, động viên rất lớn”.

Điều 9 dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) liệt kê bảy hình thức khức khen thưởng sau: 1. huân chương; 2. huy chương; 3. danh hiệu vinh dự nhà nước; 4. “giải thưởng Hồ Chí Minh”, “giải thưởng Nhà nước”; 5. kỷ niệm chương; 6. bằng khen; 7. giấy khen.

Luật Thi đua, khen thưởng lần này được sửa đổi, bổ sung toàn diện, với 88 điều làm mới và được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý; chỉ giữ nguyên bảy điều.

Dự thảo cũng được xử lý kỹ thuật lập pháp khoa học hơn, còn 96 điều, so với 103 của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.

Sẽ thêm danh hiệu kiến trúc sư nhân dân, nhà văn ưu tú…?

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”.

Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH trình QH hai phương án. Theo đó, phương án 1 có bổ sung, phương án 2 giữ nguyên như luật hiện hành. Bà Thúy Anh cho hay Ủy ban Thường vụ QH nghiêng về phương án 1 và xin QH cho ý kiến.

Ủng hộ phương án 1, ĐB Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cho rằng dù hoạt động ở chuyên ngành văn học nghệ thuật khác nhau, có tên gọi khác nhau như họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhiếp ảnh, kiến trúc sư, diễn viên, nhà văn... nhưng tất cả họ đều có chung tên gọi là văn nghệ sĩ.

ĐB Bạc Liêu cho rằng các nghệ sĩ nhiếp ảnh xứng đáng là đối tượng để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

ĐB Trần Thị Thu Đông cũng đề nghị bổ sung kiến trúc sư vào nhóm đối tượng xét tặng danh hiệu kiến trúc sư nhân dân, kiến trúc sư ưu tú hoặc nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú... Trong chuyên ngành văn học, ĐB cũng có kiến nghị tương tự.

Cũng đến từ Bạc Liêu, ĐB Nguyễn Huy Thái nói phương án 1 sẽ “hóa giải nỗi buồn ở một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ”. Từng có thời gian làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật, ông cho rằng nghệ sĩ hầu như đều mang trong mình sự đa cảm, đa đoan, ngại nói về đãi ngộ, về tưởng thưởng. Nhưng nếu được quan tâm, đãi ngộ xứng đáng, kịp thời thì đó sẽ là “động lực tinh thần vô giá, để cho những thân tằm rút ruột, nhả tơ”.

Quan điểm của ĐB Bạc Liêu nhận được sự ủng hộ của các ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)... Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc đưa “kiến trúc sư” vào nhóm đối tượng xét tặng các danh hiệu nói trên.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận đây là vấn đề “mới xuất hiện”. Theo bà Trà, với quy định hiện hành, danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú” mới hướng tới người biểu diễn, trình bày tác phẩm, chưa áp dụng với đối tượng sáng tác.

“Trong quá trình soạn thảo, cũng phải thú thực cơ quan chủ trì soạn thảo không nhận được thông tin này của các bên có liên quan” - bà Trà nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ QH nghiên cứu cho lấy phiếu để ĐBQH lựa chọn, quyết định phương án cụ thể. •

Góc nhìn

Đừng luật hóa cái sự khen

Hầu như ai cũng thích khen hơn là bị chê và lời khen đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo động lực cho người được khen vui, tự tin và sâu xa hơn thì lời khen đúng, thực lòng sẽ là sự công nhận, thừa nhận thành tích, nỗ lực, cố gắng... mà người được khen đạt được.

Và việc muốn được thừa nhận, công nhận ấy được các đại biểu khi thảo luận về dự Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đề nghị đưa vào luật hình thức thư khen của lãnh đạo cấp cao.

Chính vì sự muốn được khen, được công nhận nên có nơi, có lúc chúng ta lạm dụng việc khen và phản ứng thái quá với cái sự chê. Nhưng từ nhiều năm nay, tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, xuất phát từ thực tiễn” luôn được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề cao. Bao nhiêu yếu kém, bao nhiêu hạn chế, bao nhiêu điều còn chưa hoàn thiện đều được chỉ rõ.

Điều đó nhiều khi cũng xuất phát từ thực tế mà nhiều người đã cảnh báo: Tránh tình trạng “hôm trước được tặng thưởng huân chương hôm sau bị bắt” hoặc “hôm trước được phong anh hùng hôm sau thành tội phạm”. Mà chả đâu xa, mới đây thôi, có đại biểu ngành y tế còn nói trên Quốc hội rằng nhiều cán bộ ngành y tế mới đây được ca ngợi là người hùng trong chống dịch thì bây giờ lại được mô tả như những người vì lợi ích riêng sẵn sàng vi phạm.

Còn có những hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói thẳng: “Phải khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp phê bình, tự phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau”. Còn ở chỗ khác, Tổng bí thư yêu cầu thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội phải trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng”.

Thực ra, lâu nay chúng ta vẫn dùng hình thức thư khen để công nhận, tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích trong công việc, vì cộng đồng, vì cái chung nhưng chưa đến mức khen thưởng theo quy định. Và hình thức thư khen này rất kịp thời, đúng lúc, tạo động lực cho người được khen vui, tự tin mà cơ quan, người ra thư khen không bị ràng buộc với những quy định, trình tự, thủ tục khắt khe như hình thức khen thưởng đang áp dụng.

Chúng ta thật ra thích được khen nhưng đừng luật hóa cái… sự khen!

CHÂN LUẬN

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-khen-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-co-nen-dua-vao-luat-post682048.html