Thủ khoa đại học từ nghị lực tự lập

Tự lập sớm, học hệ giáo dục thường xuyên nhưng Phạm Nguyễn Thục Quyên - tân sinh viên, thủ khoa Trường Đại học Đà Lạt tuyển sinh đợt 1 qua xét tuyển học bạ với 29,95 điểm.

Tân sinh viên thủ khoa Phạm Nguyễn Thục Quyên

Tân sinh viên thủ khoa Phạm Nguyễn Thục Quyên

BA NĂM ĐỀU LÀ HỌC SINH GIỎI

Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Thảo gọi điện cho tôi và không giấu niềm vui của nghề nghiệp: “Tuyển sinh đại học năm nay Trung tâm lại có thêm một học sinh nữa trúng tuyển với số điểm thủ khoa anh ạ”. Và thầy giáo Trần Văn Thảo sắp xếp để tôi tiếp xúc với “nữ tân vương”. Đó là Phạm Nguyễn Thục Quyên, thâm trầm, rất kiệm lời. Thục Quyên sinh ngày 14/4/2001, một mình xa gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh lên thành phố Đà Lạt theo học phổ thông từ năm học lớp 9, năm 2017. Là học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng và cư dân của Ký túc xá Đà Lạt. Ý chí theo đuổi sự học ấy được gia đình ủng hộ, vài tháng mẹ là nhân viên kế toán Trường Đại học Kinh tế từ Thành phố Hồ Chí Minh lên thăm và động viên. Ở nhà, ngoài ba còn có chị gái là sinh viên Đại học Kiến trúc năm cuối và em út học sinh lớp 11.

Cô giáo Cao Thị Hòa, người dạy môn Toán suốt 4 năm học của trò Quyên đưa cho tôi cuốn học bạ THPT. Quả ngạc nhiên trước thành tích học tập của Thục Quyên. Em học đều ở tất cả các môn nên điểm trung bình cuối năm rất cao: lớp 10 đạt 9,50; lớp 11 đạt 9,40 và lớp 12 đạt 9,10. Riêng ba môn khoa học tự nhiên mà thí sinh Phạm Nguyễn Thục Quyên làm hồ sơ đăng ký xét tuyển sinh vào đại học, điểm trung bình năm cả 3 năm học đều cao chót vót: Môn Toán, lớp 10 đạt 9,7, lớp 11 đạt 10 điểm và lớp 12 đạt 9,9 điểm; môn Vật lý lớp 10 đạt 9,7, lớp 11 đạt 9,6 và lớp 12 đạt 9,3; môn Hóa học lớp 10 đạt 9,8, lớp 11 đạt 9,8 và lớp 12 đạt 9,7. Tất cả các môn học học trò Quyên đều đạt điểm trung bình năm từ trên 8 đến 10. Nền tảng học lực ấy đã giúp thí sinh Phạm Nguyễn Thục Quyên đạt kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 40 điểm Ngữ văn 7,25; Toán 9; Vật lý 8; Hóa học 7,75 và Sinh học 8). Tổng điểm xét tuyển vào đại học của Thục Quyên bằng học bạ là 29,95; trong đó môn Toán 10; môn Vật lý 9,4; môn Hóa học 9,8 và điểm ưu tiên khu vực 0,75.

Chiều ngày 26/8, lãnh đạo phòng chuyên môn Trường Đại học Đà Lạt xác nhận với tôi, thí sinh Phạm Nguyễn Thục Quyên đã hoàn tất thủ tục nhập học ngành Quản trị kinh doanh khóa 45, năm học 2021 - 2022, và đang giữ vị trí thủ khoa của Trường (đợt 1, tuyển sinh theo phương thức xét điểm học bạ).

ĐẶT MỤC ĐÍCH ĐỂ VƯỢT KHÓ KHĂN

Góp vào thành tích của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lâm Đồng ở cô học sinh lớp phó phụ trách học tập là suốt 4 năm học, Phạm Nguyễn Thục Quyên xếp loại hạnh kiểm Tốt, học lực Giỏi và còn 2 năm đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán lớp 11, lớp 12. Học sinh Thục Quyên trở thành tấm gương và đầu tàu phong trào học tốt. Đặc biệt, em chỉ học thêm và học bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán, không học thêm môn học nào nữa. Phương pháp, kinh nghiệm tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực làm bài Thục Quyên chia sẻ là nỗ lực tự học. Vốn từ nhỏ phát triển tố chất thông minh về tư duy hình ảnh, Thục Quyên biết phát huy sở trường này trong học tập. Đó là tư duy logic và trí tưởng tượng phong phú. Vì vậy, hàng ngày, tự đi xe đến lớp học, ở nhà tự đi chợ, nấu các món ăn chay trường và học. Một mình sắm hai vai, là học trò và là người thầy, tự đối thoại, tìm phương pháp và giải pháp để lĩnh hội, kiến giải tri thức. Mỗi môn học em có những giải pháp phù hợp cụ thể. Quá trình tích lũy, tiêu hóa kiến thức là bằng tư duy hình ảnh, năng lực quan sát, học qua internet và thể nghiệm… Vì vậy, em không mất quá nhiều thời gian tự học, trường hợp gặp bài toán quá khó mới hỏi giáo viên. Nhưng không ỉ lại, trò Quyên chỉ nhờ giáo viên hướng dẫn từng bước và tự mình tiếp tục giải các bước còn lại. Với cách học của Quyên, tôi nhớ đến câu nói của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: không “tự giới hạn bản thân” và hạnh phúc không phải là đích đến mà chính là cuộc hành trình.

Cô giáo Cao Thị Hòa nhận xét về trò Quyên: Là một trong những học sinh ưu tú của Trung tâm. Em rất chuyên tâm và có động cơ rõ ràng trong học tập, ít bị tác động ngoại cảnh và cùng đó là nghị lực rèn luyện, phấn đấu, học đều mọi môn; cũng không chỉ học tập mà các hoạt động của tập thể đều tốt. Kết quả học tập cao nhưng trò Quyên là người khiêm tốn, ngoan hiền và lễ phép, thầy cô, bạn bè đều cảm mến. Có những lúc kết quả bài làm tuy đã đạt cao nhưng chưa được như mong muốn, Thục Quyên vẫn khóc... “Em Phạm Nguyễn Thục Quyên phấn đấu học tập và rèn luyện như là để tri ân đến công lao dạy học của người thầy. Thành tích của trò Quyên không chỉ là hạnh phúc cá nhân, gia đình mà còn là niềm vui, niềm tự hào và cả sự động viên, khích lệ đến đội ngũ nhà giáo của Trung tâm Giáo dục thường xuyên chúng tôi”, cô giáo Cao Thị Hòa chia sẻ.

Như con chim đã ra ràng, phía trước là khoảng trời xanh và mới - giảng đường đại học. Liệu có áp lực khi mình là thủ khoa? Tân sinh viên Phạm Nguyễn Thục Quyên trả lời thật ngắn với tôi: “Cũng có phần áp lực ạ. Nhưng con xác định mục đích để vượt qua những khó khăn”.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202108/thu-khoa-dai-hoc-tu-nghi-luc-tu-lap-3076080/