Thủ khoa đầu ra toàn khóa Học viện Ngân hàng: 'Tự học là 'vua' của mọi kỹ năng'

Rẽ hướng sang lĩnh vực Tài chính là một quyết định đầy mạo hiểm và rủi ro đối với Nguyễn Nhật Đức Minh - thủ khoa đầu ra Học viện Ngân hàng năm 2024.

Nguyễn Nhật Đức Minh - một cái tên không còn quá xa lạ đối với khoa Tài Chính, Học viện Ngân hàng khi liên tiếp nhận được học bổng xuất sắc trong tất cả các kỳ học, đặc biệt là học bổng từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 2 lần nhận học bổng ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó, nam sinh còn được biết đến với danh hiệu thủ khoa đầu ra toàn khóa cùng nhiều đề tài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí quốc tế.

Cứ nỗ lực ắt sẽ thành công

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đức Minh cho biết bản thân cảm thấy vô cùng bất ngờ khi tiếp nhận thông tin mình là thủ khoa đầu ra toàn khóa của Học viện Ngân hàng năm 2024.

Theo đó, Minh cho hay để có được thành tựu như ngày hôm nay, em đã nỗ lực và cố gắng, thậm chí là đấu tranh tư tưởng trong một thời gian dài.

Ở bậc trung học phổ thông, nam sinh đã nhận thức được sở trường, thế mạnh của bản thân thiên về cảm xúc, văn học và ngôn ngữ, em rất mong muốn được học và làm việc trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, về phía gia đình lại hy vọng em sẽ lựa chọn ngành Tài chính vì nhu cầu và xu thế của xã hội đang cao.

Đứng giữa mong muốn của bản thân và sự tư vấn của gia đình, đã có một khoảng thời gian Đức Minh phải đấu tranh để đưa ra quyết định phù hợp và đúng đắn.

Với xuất phát điểm là học sinh giỏi môn Ngữ Văn, Minh nhận thức được rằng việc tiếp thu những kiến thức thiên hướng về logic như dữ liệu toán học, tài chính ngân hàng đối với em sẽ không tránh khỏi nhiều rào cản.

Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành học, nam sinh nhận thấy ngành Tài chính rất thú vị khi vừa có thể mở ra nhiều triển vọng nghề nghiệp, thu nhập hấp dẫn lại còn cung cấp cho người học kiến thức về tài chính cũng như hiểu biết rõ về xã hội, có nhiều cơ hội đóng góp cho các quỹ về sức khỏe cộng đồng một cách tối ưu hơn. Điều này rất phù hợp với định hướng mà em đã đặt ra ban đầu.

“Lựa chọn ngành học hay công việc tương lai là một quyết định vô cùng quan trọng với mỗi người, do đó em tự nhủ phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Dựa trên sự tư vấn của gia đình cũng như thông tin mà em chủ động tìm hiểu, em cảm thấy ngành Tài chính cũng rất phù hợp với mong muốn và định hướng của bản thân.

Dù việc chuyển hướng này sẽ có nhiều thử thách và khó khăn nhưng em tin vào bản thân mình rằng nếu quyết tâm thì sẽ làm được, do đó em vẫn quyết định “quay xe” ở phút chót”, Đức Minh dí dỏm chia sẻ.

Tự học là "vua" của mọi kỹ năng

Với số điểm học tập ấn tượng là 3.98/4.0, thủ khoa đầu ra toàn khóa của Học viện Ngân hàng cho biết đã xây dựng một kế hoạch rèn luyện và học tập khoa học, áp dụng cả trên trường và ở nhà mà bản thân vẫn cảm thấy thoải mái, không quá áp lực hay căng thẳng.

Nam sinh cho biết, một trong những khó khăn đầu tiên khi em bước vào môi trường đại học chính là việc tiếp cận với lượng kiến thức hàn lâm và phương pháp học tập mới.

So với môi trường Trung học phổ thông có sự giám sát và đồng hành từ giáo viên chủ nhiệm thì ở môi trường đại học buộc người học phải có sự chủ động và tự giác cao. Đây chính là con dao 2 lưỡi thử thách sinh viên trong những năm đầu bước vào một môi trường mới.

Nhận thức được điều đó, Đức Minh đã có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ năm học đầu tiên. Với xuất phát điểm không mấy nổi trội khi thế mạnh của mình thiên về những môn xã hội nên việc học tập các học phần về tài chính đối với em có rất nhiều hạn chế.

Do đó, trong suốt 4 năm học tập tại trường đại học, nam thủ khoa đã tạo lập và duy trì thói quen chuẩn bị giáo trình, câu hỏi và bài tập trước khi đến lớp. Mục đích của việc này chính là qua sự chuẩn bị sẽ giúp bản thân nắm bắt được những kiến thức liên quan đến bài giảng trên lớp. Từ đó giúp người học nắm bắt và tiếp thu dễ dàng hơn khi phải lắng nghe một lượng lớn kiến thức hàn lâm.

Mặt khác, việc lên trước các câu hỏi còn giúp cho buổi học thêm sôi động khi có sự tương tác, trao đổi. Việc người học đặt những câu hỏi liên quan cho giảng viên chính là một lần sinh viên được lĩnh hội, tiếp thu lượng kiến thức mới.

Đối với phương pháp học tập, Đức Minh chú trọng vào 3 nhóm vấn đề chính là học trên lớp, học nhóm và tự học.

Tại các giờ học trên lớp, nam sinh chú trọng đến việc rèn luyện tính kỷ luật như đi học đúng giờ, hoàn thành bài tập và chuẩn bị giáo trình trước mỗi tiết học.

Bên cạnh đó, Minh còn nhất quán tư tưởng là “không giấu dốt”, ngại khó. Với bất kỳ một nội dung kiến thức nào mới lạ và chưa hiểu sâu, em đều thẳng thắn trực tiếp hỏi giảng viên để có thể được thầy cô giải đáp đầy đủ, tức thời.

“Đây là một trong những điều rất cần đối với sinh viên nhưng lại ít ai dám áp dụng và thực hiện”, nam sinh bày tỏ.

Đối với hoạt động học nhóm, nam thủ khoa Học viện Ngân hàng cho rằng đây là hình thức học tập rất hiệu quả và cần thiết trong môi trường giáo dục đại học.

Trên thực tế, mỗi một cá nhân đều có thế mạnh và sở trường riêng biệt nên việc học nhóm sẽ giúp sinh viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ quan điểm của bản thân và từ đó học hỏi thêm những kỹ năng , điểm mạnh của mọi người.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, Đức Minh khẳng định để có thể thành công thì nhân tố chủ yếu vẫn đến năng lực bản thân. Theo đó, em nhấn mạnh rằng: “Tự học là "vua" của mọi loại kỹ năng, sẽ không có ai dẫn dắt hỗ trợ chúng ta đi đến thành công nếu như bản thân thiếu sự tự giác và chủ động.

Từ chính câu chuyện của bản thân em, trong 4 năm học đại học với mỗi giáo trình hay tài liệu chuyên khảo thì số lượng thông tin cung cấp đến người học rất lớn và hầu hết đều mang tính hàn lâm. Do đó, thời gian học tập trên giảng đường sẽ không đủ để sinh viên tiếp nhận khối kiến thức khổng lồ như thế.

Vậy nên, để có thể học tập tốt, sinh viên bắt buộc phải chủ động và tự giác củng cố kiến thức của mình. Bên cạnh việc học kiến thức thì cần rèn luyện thêm các kỹ năng mềm để phát triển toàn diện.

Ngay từ những ngày đầu bước vào trường đại học, em đã đăng ký tham gia Câu lạc bộ thuyết trình và Câu lạc bộ truyền thông tại trường. Tại đây em đã được học hỏi và bồi dưỡng thêm nhiều kỹ năng cần thiết phục vụ cho cả việc học tập cũng như nghề nghiệp sau này.

Ngoài ra, em còn tích cực tham dự các hội thảo do Khoa, Học viện tổ chức để mở rộng cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp hay lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm từ những chuyên gia trong lĩnh vực.

Việc học hỏi kiến thức đa dạng đã giúp em ứng dụng được vào nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau. Từ đó cũng xây dựng thêm vốn hiểu biết và sự tự tin cho chính bản thân mình”.

Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Ngô Minh Thu Trang - giảng viên Học viện Ngân hàng không giấu nổi sự tự hào về cậu học trò chăm chỉ, cần cù và có phần "đặc biệt" khiến cô vô cùng ấn tượng.

Cô Trang cho biết trong các tiết học của học phần Phân tích tài chính doanh nghiệp, Đức Minh luôn ngồi bàn đầu và thường xuyên phát biểu ý kiến trong mỗi tiết học. Đối với bất kỳ một vấn đề nào mới, Minh luôn đặt câu hỏi để đào sâu và tìm hiểu vấn đề một cách tỉ mỉ, chi tiết.

Bên cạnh đó, cô Trang đánh giá rất cao khả năng thuyết trình của Đức Minh. So với nhiều sinh viên khác, phần trình bày của Đức Minh luôn luôn thu hút và gây chú ý với người lắng nghe. Phần thuyết trình của em rất mạch lạc, rõ ràng và tự tin truyền tải nhiều thông tin cụ thể để dẫn chứng cho nội dung trong slide.

"Đôi khi mình cảm giác Đức Minh không phải là một sinh viên mà là một nhà phân tích chuyên nghiệp. Mọi vấn đề em chia sẻ, trình bày đều rất cụ thể và tỉ mỉ, cách truyền đạt thông tin cũng rất lôi cuốn và dễ hiểu.

Ở Đức Minh, mình thấy em nhiều tố chất mà sinh viên hiện nay cần phải học hỏi, đó là sự chủ động, tự giác và tinh thần học hỏi, tìm hiểu vấn đề.

Ở trung học phổ thông các em sẽ có sự giám sát từ thầy cô, giáo viên chủ nhiệm, tuy nhiên khi đã là sinh viên đại học thì tất cả đều phải tự lập trong mọi công việc, nhất là việc học tập.

Đối với những sinh viên thiếu sự chủ động trong việc học, hầu hết các em lên lớp và hoàn thành kỳ thi kết thúc học phần với tâm thế chống đối. Khi đó lượng kiến thức các em tiếp thu từ những bài giảng trên lớp sẽ không nhiều và sẽ không tồn tại trong trí nhớ của các em đủ lâu.

Tuy nhiên, đối với những sinh viên cần cù, tự giác, chủ động học tập và có đam mê làm rõ mọi vấn đề như Đức Minh thì cô tự tin lượng kiến thức em có được sẽ tồn tại trong não bộ rất lâu. Bởi mỗi lần em hỏi vấn đề là một lần não bộ ghi nhớ và dung nạp thêm kiến thức mới.

Các thói quen và kỹ năng này không chỉ giúp em đạt thành tích cao tại môi trường đại học mà sẽ còn phục vụ, giúp đỡ rất nhiều cho công việc em làm sau này", cô Trang tự hào bày tỏ.

Đa dạng hóa các kênh học tập là điều cần thiết

Không theo đuổi lĩnh vực đúng với sở trường và thế mạnh bản thân nhưng vẫn đạt được kết quả xuất sắc, Nguyễn Nhật Đức Minh chính là một tấm gương về sự quyết tâm và ý chí nỗ lực để đạt được những điều mình mong muốn.

Khác với tưởng tượng, suy nghĩ của nhiều người về hình ảnh của một thủ khoa “mọt sách”, Đức Minh đã có một phương pháp học tập khoa học, hiệu quả, luôn giữ bản thân trong trạng thái cân bằng không quá tải.

Theo Đức Minh chia sẻ, bất kỳ một lĩnh vực, ngành học nào cũng đều có chiều sâu và nếu chỉ học tập trên lớp với giáo trình thì chắc chắn sẽ không đủ. Hơn hết, nếu giữ một hình thức học tập như vậy thì người học sẽ cảm thấy nhàm chán và không có hứng thú đối với việc học tập.

Do đó, Đức Minh đã tự đa dạng hóa các kênh học tập của bản thân để nâng cấp kiến thức cũng như trau dồi thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm mới.

Bên cạnh những tiết học cố định trên trường, Minh chủ động tìm hiểu và học hỏi qua các công trình nghiên cứu khoa học uy tín bằng nước ngoài. Việc tham khảo, tìm hiểu từ các dữ liệu bên ngoài sẽ giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều hơn, từ đó có sự so sánh giữa môi trường, điều kiện của nhiều quốc gia khác nhau.

Bên cạnh đó, em còn chủ động tham dự các hội thảo bên ngoài để tiếp nhận nhiều nguồn kiến thức đa dạng.

“Không phải cứ học ngành nào thì chỉ tiếp nhận kiến thức cũng những ngành đó. Trên thực tế, mọi ngành đều có sự tương tác và liên quan đến nhau, xã hội luôn luôn thay đổi và các cá nhân nếu không đa dạng vốn hiểu biết cũng như nâng cao trình độ, kỹ năng thì rất khó để sinh tồn”, nam thủ khoa nêu quan điểm.

Ngay từ năm học đầu tiên, dù chưa có nhận thức rõ ràng về ngành học, Đức Minh đã đặt ra lộ trình cho bản thân phải phấn đấu hoàn thành chương trình cao học, sau đó sẽ cống hiến nhiều giá trị to lớn cho xã hội và cộng đồng.

Nhắc đến ngành Tài chính, Minh cho biết bản thân rất may mắn vì quyết định "quay xe" năm đó của em không hề sai lầm. Trong suốt 4 năm học tại Học viện Ngân hàng, với sự tìm hiểu và va chạm của em với ngành học, Đức Minh nhận thấy đây là một ngành học tiềm năng và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, là xu thế mới của xã hội.

Ngay từ đầu năm hai, em đã có cơ hội thực tập tại Ngân hàng Quân đội MB và dần hoàn thiện kỹ năng cơ bản của sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng. Do đó, sau 4 năm đại học, nam sinh hoàn toàn tự tin với hành trang của bản thân.

Minh chia sẻ, trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp, em đã tích lũy thêm một số kỹ năng như kỹ năng tư vấn, giải quyết vấn đề, thương lượng với khách hàng, xử lý thủ tục hành chính, phân tích báo cáo tài chính.

Ngoài ra, em còn thường xuyên xem bản tin tài chính, chủ động phân tích thương vụ mua bán sáp nhập giữa các doanh nghiệp.

Em cũng hy vọng rằng thời gian sắp tới, với sự hiểu biết và tinh thần học hỏi, em sẽ có cơ hội đóng góp cho nền tài chính nước nhà, đặc biệt là các quỹ tài chính cho xã hội và cộng đồng.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thu-khoa-dau-ra-toan-khoa-hoc-vien-ngan-hang-tu-hoc-la-vua-cua-moi-ky-nang-post246135.gd