Thủ khoa khối B chia sẻ cẩm nang chinh phục ngành Khoa học sức khỏe và Ngôn ngữ
Trong buổi livestream 'Cùng thủ khoa mở khóa chọn trường' do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 24/7, Thủ khoa khối B Trần Đức Tài và các chuyên gia đã 'khai phá' nhiều cơ hội mở ra từ khối ngành Khoa học sức khỏe và Ngôn ngữ trong bối cảnh gắn liền với AI.
“Bàn ăn” đầy ắp cơ hội cho teen chọn nguyện vọng
Với sự thay đổi từ chương trình giáo dục mới 2018, nhiều tổ hợp môn mới cũng được “ra mắt” ở trường Đại học, các chuyên gia nhận xét teen 2K7 sẽ có phong phú cơ hội chọn nguyện vọng hơn.

TS Đặng Thị Ngọc Lan (trái) và ThS Phạm Minh Tú (phải).
TS. Đặng Thị Ngọc Lan (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long) cho biết, số lượng thí sinh đăng ký tổ hợp B00 2025 giảm mạnh đến 67%. “Con số đó có thể làm chúng ta lo lắng, nhưng ngược lại là tín hiệu tích cực vì các bạn đã chọn thêm những tổ hợp mới khác xét tuyển, giúp tăng cơ hội “bách phát bách trúng” vào ngành mơ ước của các bạn hơn”.
Cô Ngọc Lan cũng chia sẻ cách đong đếm chọn hình thức xét tuyển phù hợp đối với xét học bạ hoặc xét theo điểm thi THPT Quốc gia. Teen nên ưu tiên hình thức xét tuyển nào có tổ hợp điểm cao nhất. Nếu điểm tổ hợp xét theo học bạ cao hơn cả điểm thi, đừng ngại mạnh tay “chốt đơn” xét tuyển bằng học bạ nhé!
Đừng ngại chọn ngành gần để theo đuổi ước mơ
ThS Trần Thúy Trâm Quyên (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) nhận xét, không ít teen 2K7 sau khi biết điểm thi có tâm lý buồn bã vì không đủ điểm vào đúng ngành mình đã “thả tim”. Cô Trâm Quyên chia sẻ: "Thực tế các trường Đại học có rất nhiều ngành gần, tiệm cận với tính chất ngành mà các em theo đuổi, vì vậy các em đừng lo lắng rằng mình sẽ bỏ lỡ giấc mơ mà hãy cho bản thân những cơ hội mới phù hợp với mình”.

Ths Trần Thúy Trâm Quyên (trái).
Ví dụ đối với những bạn chọn ngành học Bác sĩ, bên cạnh ngành chính, cô Quyên mách teen có thể “phòng thủ” những nguyện vọng 2, 3 là nhóm ngành gần như: Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế công cộng,... Bởi bản chất phần lớn các môn học những ngành này cũng học những môn gần với Bác sĩ. Teen có thể chọn theo đuổi để tăng cơ hội vào nhóm ngành Sức khỏe, hoặc học thêm để chuyển ngành khi đã học đến năm 2, năm 3.
Thứ tự chọn nguyện vọng được cô Quyên bật mí:
Ngành mình yêu thích, vừa sức.
Ngành gần, tiệm cận ngành mình thích (đảm bảo vẫn học được các môn chung với ngành thích). Có thể học thêm để tăng cơ hội chuyển ngành mình yêu thích.
Ngành an toàn, nắm chắc “kèo” sẽ đậu.
Bổ sung sức mạnh cho ngành bằng thế mạnh ngoại ngữ

Thủ khoa khối B Trần Đức Tài (trái).
Không đứng ngoài bất kể ngành nào, ngoại ngữ là yếu tố “điểm cộng” khi bước vào đại học. Theo Trần Đức Tài (Thủ khoa khối B 3 điểm 10 môn Toán - Hóa - Sinh, trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) chia sẻ, dù không nằm trong tổ hợp xét tuyển, Tài vẫn học tiếng Anh như sở thích và nhất là để ứng dụng vào ngành của mình.
Với bản chất là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, ngành Y có nhiều tài liệu nghiên cứu phức tạp, với phần lớn bằng tiếng Anh.

ThS Đỗ Thị Ngọc Anh (trái).
ThS Đỗ Thị Ngọc Anh (IELTS 8.5, giáo viên IELTS tại DOL English) nêu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ trong nhóm ngành Sức khỏe: “Khi có những thông tin công bố mới về thuốc, các loại bệnh, các thông tin đa phần sẽ được đưa tin theo quốc tế và tiếng Anh 100%. Nên những bạn càng có lợi thế tiếng Anh sẽ càng dễ theo đuổi ngành Y”.
ThS Phạm Minh Tú (Phó trưởng bộ môn Ngôn ngữ Nhật - Trường ĐH Mở TP.HCM) cũng đồng tình và cho rằng có ngoại ngữ, teen sẽ tự tăng thêm các cơ hội đi trao đổi, thực tập quốc tế.
Đứng trước bối cảnh AI và các công cụ dịch thuật tự động, cả cô Minh Tú và cô Ngọc Anh đều đồng tình rằng học ngoại ngữ không chỉ thuần mục đích “dịch word by word” máy móc.

“Giao tiếp người với người, đặc biệt trong hội nghị dịch thuật, đàm phán, để thành công thì ngoài kiến thức ngôn ngữ mà còn có ngôn ngữ hình thể, cảm xúc, hiểu được ý tứ của người nói để chọn biểu cảm, từ ngữ, diễn đạt để cuộc giao tiếp thành công”, cô Minh Tú phân tích.
Cuối chương trình, các chuyên gia đều gửi gắm teen thông điệp: kiên định, kiên trì và kiên nhẫn với mục tiêu học tập, nhất là cơ hội gia nhập thị trường việc làm toàn cầu qua ngoại ngữ!
Tiếp sức mùa điều chỉnh nguyện vọng, Báo Tiền Phong tổ chức chuỗi livestream “Cùng thủ khoa mở khóa chọn trường”. Chương trình được phát sóng trực tuyến trên Báo điện tử Tiền Phong (tienphong.vn), Fanpage và YouTube Báo Tiền Phong cũng như trên nền tảng số ở các trường đại học.
Ở những số trước tư vấn các nhóm ngành nghề, số cuối của chuỗi livestream sẽ tổng hợp và đưa ra lời khuyên hữu ích cho teen 2K7 khi điều chỉnh nguyện vọng. Bạn hãy đón xem trên mạng xã hội Báo Tiền Phong theo lịch:
* Cách điều chỉnh nguyện vọng thông minh: 15h00, ngày 25/7/2025.
