Thủ khoa ngành Quốc tế học: 'Đi xa, trải nghiệm nhiều để biết mình đang ở đâu'

'Ba mẹ em chưa bao giờ cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, nhưng ba mẹ đã dưỡng dục nên một thủ khoa kép, một sinh viên 5 tốt cấp Trung ương'.

Đó là lời tâm sự của chàng trai Võ Lập Phúc (sinh năm 2003), chàng sinh viên trẻ với “cú đúp thủ khoa”. Năm 2020, Phúc là thủ khoa toàn quốc tổ hợp D14 tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời là thủ khoa đầu vào Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2024, Phúc trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành Quốc tế học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Không những vậy, năm thứ 3 đại học, nam sinh còn gặt hái thêm một loạt thành tích đáng nể như Sinh viên 5 tốt cấp thành phố, Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương, giải thưởng Sao tháng Giêng của Hội Sinh viên Việt Nam.

Biến những khó khăn thành động lực vươn lên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lập Phúc chia sẻ: “Ba mẹ em là những người lao động bình thường, vất vả chứ không phải viên chức, không phải học giả và... cũng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhưng chính người đàn ông và người phụ nữ đó đã đầu tư mọi điều kiện để em được học tập đầy đủ. Ba mẹ luôn nói với em giá trị của việc học, đã dạy và kể em nghe về đạo đức, về bản lĩnh, về sự tôn trọng”.

 Lễ tốt nghiệp của Võ Lập Phúc tại Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Lễ tốt nghiệp của Võ Lập Phúc tại Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Lập Phúc thấu hiểu rằng ba mẹ đã bán đi ước mơ, tuổi trẻ, hoài bão, bán sức khỏe và tất cả những gì bản thân có để con cái được học tập trong điều kiện tốt nhất. Phúc trân trọng những giá trị ấy và lấy đó làm động lực để phấn đấu mỗi ngày.

Trên hành trình theo đuổi tri thức, nam sinh thầm hứa với bản thân không ngừng cố gắng, trau dồi tri thức và định vị bản thân, làm chủ cuộc đời.

Lập Phúc chia sẻ, danh hiệu thủ khoa không phải là đích đến, mà đó chỉ là sự khởi đầu, là lời nhắc nhở bản thân rằng nỗ lực sẽ luôn được ghi nhận. Chia sẻ bí quyết để đạt được “cú đúp” thủ khoa, Lập Phúc nhấn mạnh 2 từ “chủ động”.

“Chủ động hỏi thầy cô để đào sâu kiến thức, hiểu sâu vấn đề. Chủ động để xây dựng kế hoạch tích lũy tri thức của bản thân mình. Chủ động để rèn luyện tác phong và cung cách hành xử, coi trọng sự khiêm nhường, hài hòa cá tính, bản sắc độc lập cá nhân với môi trường chung của tập thể. Chủ động để đặt câu hỏi, phản biện, cạnh tranh lành mạnh để tiếp thu tri thức tốt hơn.

Suy cho cùng, với bản thân em, hành trình học đại học không không phải là để tiếp thu kiến thức hàn lâm thuần túy, mà là hành trình giáo dục tư duy, để chủ động hiểu, chủ động học tập, chủ động rèn luyện, chủ động phấn đấu”, Lập Phúc chia sẻ.

Nam sinh cũng không quên dành lời cảm ơn tới sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô ở Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất để Phúc cũng như các sinh viên khác hiện thực hóa ý tưởng của bản thân.

Để đạt được “cú đúp” thủ khoa, Lập Phúc không chỉ có “bí quyết vàng” là tinh thần chủ động mà còn được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình và một “người bạn đặc biệt”. Họ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc, cho Phúc những lời khuyên sáng suốt, động viên cậu không ngừng tiến bộ, gặt hái thành công.

 Võ Lập Phúc cùng ba mẹ - những người đã luôn đồng hành và khích lệ nam sinh trên hành trình chinh phục tri thức. (Ảnh: NVCC)

Võ Lập Phúc cùng ba mẹ - những người đã luôn đồng hành và khích lệ nam sinh trên hành trình chinh phục tri thức. (Ảnh: NVCC)

Đi lên từ hoạt động đoàn và phong trào thanh niên

Ngay từ khi học tiểu học, Võ Lập Phúc đã tham gia rèn luyện trong Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Ở bậc trung học phổ thông, nam sinh được giao nhiệm vụ bí thư đoàn trường. Năm 2020, khi trở thành thủ khoa toàn quốc tổ hợp D14, Lập Phúc đại diện tỉnh An Giang tham dự Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi là sinh viên năm nhất cũng như trong suốt 4 năm đại học của mình, Phúc được bầu vào các vị trí chủ chốt trong công tác đoàn và phong trào sinh viên. Nam sinh là Ủy viên Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm câu lạc bộ Tiếng Anh giao tiếp; Ủy viên Ban Thư ký Hội sinh viên Việt Nam Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, phân công chỉ đạo và phụ trách công tác hội nhập quốc tế dành cho sinh viên tại đơn vị - mảng công tác gắn với chuyên ngành Quốc tế học mà Lập Phúc theo học.

Với Lập Phúc, công tác đoàn đã giúp nam sinh hình thành “hệ sinh thái” năng động để học về trí thức và học về cách rèn luyện đạo đức, trau dồi chuyên môn và rèn giũa bản lĩnh. Từ đó, mang những kiến thức bản thân có để cống hiến cho cộng đồng.

Trong những dịp được gặp và giao lưu với các lãnh đạo, các thầy cô đáng kính và bạn bè trong khắp cộng đồng ASEAN, Phúc nhận ra rằng: Đi xa, trải nghiệm nhiều, "leo" lên cao không phải để thấy bản thân mình ưu việt ra sao, xuất sắc thế nào, mà là để thấy mình đang đứng ở đâu trong một thế giới đa dạng và không ngừng chuyển động, để thấy quê hương, đất nước mình như thế nào và nhắc bản thân tiếp tục phấn đấu, không ngừng nỗ lực vươn lên.

“Điều ý nghĩa nhất của tuổi trẻ với em là lựa chọn để hành động vì sự phát triển tiến bộ của bản thân và tập thể. Đó không chỉ là hành động đơn lẻ, mà phải là hành động cùng với tập thể.

Tham gia tiếp kiến lãnh đạo các nước ASEAN, được đại diện thanh niên Việt Nam cất lên tiếng nói tại nhiều diễn đàn quốc tế thanh niên trong cộng đồng ASEAN và thế giới càng thúc đẩy em đi tới nhận thức về giá trị của ngôn từ mà người trẻ chúng ta có thể tạo ra để thôi thúc hành động, sự chung tay của tập thể hướng tới việc kiến tạo nên những giá trị tích cực, những thay đổi ý nghĩa”, nam sinh bày tỏ.

Lập Phúc khẳng định bản thân không hề né tránh hay e ngại những thử thách. Thay vào đó, Phúc luôn chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng đối mặt, chấp nhận và tìm cách vượt qua những “cửa ải” ấy.

“Thứ chúng ta nên sợ hãi không phải là thách thức và khó khăn, mà là khi chúng ta không thể tự mình tìm thấy động lực tích cực để phát triển và vượt qua những thách thức, khó khăn ấy”, Lập Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nam sinh xác định rõ mối quan tâm chủ đạo là trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ và sự tích lũy tri thức dài hạn để phục vụ cho những khát vọng lớn hơn sau này. Chính vì thế, Phúc không đặt nặng vấn đề kiếm tiền khi còn là sinh viên. Thay vào đó, nam sinh dành nhiều thời gian để tích lũy kiến thức.

Có những khoảng thời gian, Phúc phải xoay sở tương đối khó khăn về tài chính. Tuy nhiên nam sinh vẫn tự lập chi phí học tập và chi phí sinh hoạt bằng việc dạy học và tham gia thực tập bán thời gian ở các tổ chức, cơ quan liên quan đến chuyên ngành mà bản thân theo học.

Lập Phúc cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tỉnh An Giang - quê hương của nam sinh. Cậu biết ơn vì được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ đây. Quỹ khuyến học của tỉnh An Giang đã giúp nam sinh viết lên ước mơ của mình và không ngừng vươn lên để có được những thành tích như ngày hôm nay.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Lập Phúc cho hay, bản thân sẽ cố gắng bám sát vào định hướng công việc, duy trì hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị cho hành trình tiếp tục học tập sau đại học với chuyên ngành liên quan.

 Nam sinh dự định tiếp tục con đường học tập và nghiên cứu sau khi tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Nam sinh dự định tiếp tục con đường học tập và nghiên cứu sau khi tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Nam thủ khoa cũng dành lời khuyên cho các bạn tân sinh viên: “Em muốn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các bạn tân sinh viên khóa 2024 với một hành trình hứa hẹn sẽ đầy màu sắc và ý nghĩa. Thật dễ để chúng ta thỏa hiệp với bản thân về một thời sinh viên thụ hưởng nhiều nhưng tuổi trẻ chỉ có một lần, nếu cứ hưởng thụ mà không cố gắng thì tuổi trẻ sẽ trôi qua một cách vô nghĩa. Thay vào đó, chúng ta nên chủ động rèn luyện tác phong, bồi đắp tri thức gắn với tích lũy kinh nghiệm ngay từ trên giảng đường đại học.

Hi vọng các bạn sẽ học cách tự vấn thẳng thắn với những câu hỏi này từ sớm và rồi lựa chọn để dấn thân hơn, cố gắng hơn, kiến tạo nhiều giá trị hơn cho chính mình lẫn cộng đồng: Sau khi tốt nghiệp, tôi có được những gì để thuyết phục nhà tuyển dụng về vị trí công tác của tôi? Sau khi tốt nghiệp, tôi đã có được những gì để giúp mình định hướng con đường trong xã hội đa dạng ngoài kia? Sau khi tốt nghiệp, tôi để lại dấu ấn gì của bản thân tại sân trường, tại lớp học, và trong tâm trí của thầy cô và bạn bè tôi?”

Thái Vân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thu-khoa-nganh-quoc-te-hoc-di-xa-trai-nghiem-nhieu-de-biet-minh-dang-o-dau-post244261.gd