Thủ khoa ngành Truyền thông số RMIT Việt Nam đạt điểm trung bình 3,9/4,0
Mảnh đất thành công đầy sắc màu của Lý Dũ Khánh Hân được hoạt họa không chỉ bởi sự sáng tạo nổi trội mà quan trọng hơn là khả năng lãnh đạo giỏi giang mà cô gái trẻ đã thể hiện trên hành trình của mình tại RMIT. Cô đạt điểm trung bình gần như tuyệt đối 3,9/4,0.
“Ngay từ đầu, Hân đã cho thấy rõ rằng em ấy là một người giỏi quan sát và cực kỳ sáng tạo”, chia sẻ của ông Ricardo Arce-López, thầy giáo của Hân và là Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông số kiêm giảng viên môn Thiết kế hoạt họa tại RMIT.
“Tôi may mắn được dạy Hân ở hai môn học khác nhau và những gì em ấy thể hiện thì thật sự không tì vết”, thầy nói.
Cô gái trẻ với tình yêu vô bờ bến cho hoạt hình và thiết kế game độc lập từ thuở ấu thơ đã tốt nghiệp thủ khoa ngành Cử nhân Thiết kế (Truyền thông số) Đại học RMIT Việt Nam với điểm trung bình gần như tuyệt đối 3,9/4,0.
“Tôi thích sáng tác truyện và tạo ra các nhân vật có thể truyền cảm hứng và giúp mọi người giải trí”, Hân nhớ lại.
Dù RMIT Việt Nam không phải là lựa chọn đầu tiên của Hân, cô gái trẻ luôn thầm biết ơn lựa chọn của mình vì nhờ đó mà đam mê cũng như hoài bão của cô được chắp cánh dựa trên kiến thức và kỹ năng cô tích lũy được từ RMIT.
Hân cho biết: “Tôi học được cách dùng các công cụ và kỹ thuật khác nhau để tạo ra sản phẩm dưới nhiều định dạng truyền thông và quan trọng hơn là có cơ hội thể hiện kỹ năng lãnh đạo khi tham gia thực hiện những dự án thú vị với đối tác trong ngành”.
Một trong số dự án mà Hân cảm thấy tự hào nhất là “Giai thoại của nhân chứng”, phim hoạt hình ngắn kể về bốn nhân chứng, những người chứng kiến một vụ giết người từ các vị thế khác nhau.
“Tôi giữ vai trò đồng đạo diễn, họa sĩ ý tưởng và thiết kế hoạt họa cho dự án”, Hân nói.
“Phim được chiếu tại ‘The Ticket’, một sự kiện của trường vào năm 2022 và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả và các vị giám khảo. Mọi người đều khen ngợi tính nguyên bản, sáng tạo và hiệu ứng cảm xúc của bộ phim”.
Hai dự án khác của Hân – “Tồn tại vĩnh cửu”, một trò chơi theo dạng tiểu thuyết tương tác khám phá khái niệm bất tử và hậu quả của nó, và “10 trường phái Triết học”, một chùm poster minh họa các ý tưởng chính và các triết gia của những trường phái triết học khác nhau. Cả hai dự án cũng được trưng bày tại các buổi triển lãm của trường vào năm 2020 và 2019.
Gần đây nhất, Hân và một nhóm gồm năm thành viên đã thắng giải Bút chì Gỗ với dự án “Oopsie!” tại cuộc thi D&AD New Blood Awards, một trong những cuộc thi uy tín và tầm cỡ nhất về quảng cáo và thiết kế trên thế giới. “Oopsie!” là một tuyển tập truyện tranh ngắn được trò chơi hóa trên thiết bị di động nhằm khắc họa những khoảnh khắc thăng trầm và không kém phần hài hước khi nuôi dạy con cái. Dự án nhằm trấn an các ông bố bà mẹ hay tự trách cứ bản thân, giúp họ hiểu rằng nếu họ có phạm lỗi cũng không sao, bằng cách khuyến khích người chơi có cái nhìn tích cực và kết nối với nhau thông qua những trải nghiệm tương đồng. Trải nghiệm chơi trò chơi được thiết kế phù hợp với nhịp sống bận rộn của các bậc làm cha mẹ - theo từng chương nhỏ, có thể chơi bằng một tay và tiện dừng bất cứ lúc nào.
Song lớp học không phải là nơi duy nhất tư chất lãnh đạo của Hân được tỏa sáng.
Cô gái trẻ còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch CLB Nghệ thuật thị giác tại cơ sở Nam Sài Gòn, RMIT Việt Nam, từ năm 2019 đến 2021. Suốt thời gian đương nhiệm, Hân đã hợp tác với các phòng ban và CLB khác trong trường, cũng như các thương hiệu ngoài trường, tổ chức thành công hơn 20 sự kiện cho CLB.
Hân cũng tham gia sản xuất tài liệu đa phương tiện suốt ba mùa từ 2020 đến 2022 cho Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) uy tín do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), và COLAB Việt Nam. Trong liên hoan gần đây nhất, Hân đã giữ vai trò trưởng nhóm, lãnh đạo nhóm của mình đưa thiết kế thị giác chủ đạo của liên hoan vào các tài liệu, ấn phẩm và thiết kế của sự kiện.
Cam kết mạnh mẽ, khả năng lãnh đạo ấn tượng và tính chủ động của Hân cũng được các thầy cô hết lời khen ngợi.
Thầy Arce-López chia sẻ: “Suốt một trong những môn học của tôi về hoạt hình đồ họa khá phức tạp và đầy thách thức, Hân đã chủ động dành thời gian hỗ trợ, giúp các bạn khác thông thạo những kỹ năng cần thiết”.
Nhờ tích cực chủ động hỗ trợ cho các sáng kiến Học tập từ thực tiễn (WIL) của Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam, Hân đã được tuyển dụng vào một vị trí thí điểm hiện tại ở khoa – Lãnh đạo sinh viên cấp cao.
Thầy Arce-López hiện là quản lý trực tiếp của Hân và chịu trách nhiệm giám sát cô hỗ trợ sinh viên ngành Truyền thông số phối hợp với tổ chức phi chính phủ Liên minh Chống buôn người (AAT) sản xuất các bộ phim hoạt hình nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về các chủ đề như phòng chống bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục, phòng ngừa và chống bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản và giáo dục. Ông nhận định: “Hân thậm chí còn đóng góp vào việc xây dựng bản mô tả công việc cho mình để giúp khóa học đạt hiệu quả cao nhất”.
“Mọi người hay nói tôi rất hợp với con đường học thuật và giảng dạy, và khi bắt tay vào làm, tôi mới tự mình trải nghiệm và hiểu công việc ấy đáng làm như thế nào”, Hân tự hào chia sẻ.
“Là sinh viên tốt nghiệp ngành Truyền thông số, tôi thật sự hiểu các bạn sinh viên cần gì và làm thế nào để lên ý tưởng có lợi cho các bạn nhất. Đồng thời, khi làm việc tôi còn có cơ hội tự học lại, cũng như thực hành kỹ năng kèm cặp và cố vấn cho người khác. Và quan trọng hơn, công việc này mở ra cánh cổng cho tôi làm nghiên cứu trong các ngành công nghiệp sáng tạo mà tôi tin vẫn còn đất để tôi khám phá cả về mặt sáng tạo lẫn xã hội”.
“Cả hành trình này dạy tôi một điều rằng cứ đi để lối thành đường và mở ra lối đi riêng sẽ đưa tôi đến với kết quả xứng đáng”, nhà thiết kế hoạt họa trẻ tuổi hào hứng kết lời.