Thủ khoa Sư phạm Âm nhạc cùng hành trình chinh phục chứng chỉ ABRSM và lan tỏa tình yêu Piano đến người trẻ
Phạm Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1991) hiện là giáo viên dạy Piano. Cô đã ghi dấu ấn với loạt thành tích ấn tượng: Huy chương Vàng tại 'Liên hoan Casio Festival' năm 2004 và 2007, thủ khoa đầu vào chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc Đại học Sài Gòn năm 2009 với hai điểm 10 tròn, và chứng chỉ ABRSM xuất sắc loại Distinction. Với trái tim yêu nghề và khát khao cống hiến, Thảo không ngừng chinh phục những cột mốc mới, lan tỏa tình yêu Piano đến thế hệ trẻ.
Từ cô bé yêu Piano đến giáo viên nhiệt huyết với nghề
Phương Thảo gắn bó với Piano từ khi mới 6 tuổi, cô chia sẻ rằng niềm đam mê âm nhạc của mình được nuôi dưỡng nhờ sự tận tâm của bố mẹ và những người thầy, người cô đầy tâm huyết. Chính họ đã giúp cô bước đi vững vàng trên hành trình âm nhạc, từ những buổi học đầu đời đến những thành tích rực rỡ tại các cuộc thi Piano toàn quốc.
Trong suốt quá trình học tập và rèn luyện, Phương Thảo đã không ngừng tham gia các cuộc thi Piano toàn quốc như "Liên hoan Casio Festival" do công ty Việt Thương tổ chức. Cô đã gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng: Huy chương Vàng bảng B vào năm 2004, Huy chương Vàng bảng C năm 2007, và các giải thưởng trước đó như Huy chương Bạc năm 2002 và Huy chương Đồng năm 2003. Những giải thưởng này không chỉ là sự công nhận tài năng cá nhân mà còn là minh chứng cho sự tận tâm của các thầy cô và sự hy sinh của ba mẹ, những người luôn sát cánh cùng cô trên hành trình học tập, dù mưa hay nắng.
Năm 2009, Thảo xuất sắc đỗ thủ khoa đầu vào chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc của Đại học Sài Gòn, với điểm chuyên môn ấn tượng – hai điểm 10 tròn. Cô nhớ mãi khoảnh khắc nhận được tin vui khi đang đi biểu diễn, điều này đã khiến cô nhận ra câu nói “nghề chọn người” thật đúng với mình. Ban đầu, Thảo từng mơ ước trở thành biên tập viên truyền hình, nhưng cuối cùng, niềm đam mê và cơ duyên đã dẫn lối cô đến với nghề giáo và tình yêu sâu đậm dành cho cây đàn Piano.
Thời sinh viên, Phương Thảo cũng được vinh danh là Sinh viên xuất sắc trong khóa thực tập tại trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3, TP.HCM) vào năm 2012. Sau khi tốt nghiệp năm 2013, Phương Thảo bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, cô tiếp tục khẳng định tài năng của mình bằng việc giành giải Nhất trong cuộc thi Piano Kỹ thuật số do quận 10, TP.HCM tổ chức.
Phương Thảo luôn tâm niệm rằng quá trình học tập và thi cử là hành trình không có điểm dừng, chỉ khi có ý chí và sự nỗ lực không ngừng, bạn mới có thể phát triển và đạt được thành công bền vững. Cô không chỉ dạy đàn mà còn mang đến nguồn cảm hứng, khuyến khích học trò chinh phục những cấp độ mới trong âm nhạc, từ các bạn nhỏ mầm non đến sinh viên và cả những người trưởng thành.
Hành trình chinh phục chứng chỉ ABRSM: Khi nỗ lực trở thành trái ngọt
Phương Thảo cũng đặc biệt tâm huyết với việc giúp học trò tiếp cận chứng chỉ ABRSM – chứng chỉ âm nhạc quốc tế của Nhạc viện Hoàng gia Anh được công nhận tại hơn 90 quốc gia. Với cô, đây là cánh cửa để học viên nâng cao trình độ và mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Chứng chỉ ABRSM (Associated Board of the Royal Schools of Music) là một trong những hệ thống giáo dục âm nhạc uy tín nhất thế giới, được thành lập từ năm 1889 bởi 4 nhạc viện hàng đầu của Anh Quốc. Với hơn 600.000 thí sinh từ 90 quốc gia tham gia mỗi năm, ABRSM không chỉ là thước đo trình độ âm nhạc mà còn là cánh cửa giúp nhiều nghệ sĩ trẻ vươn xa hơn trên con đường nghệ thuật.
Đối với Phương Thảo, việc chinh phục chứng chỉ ABRSM không chỉ là hành trình nâng cao chuyên môn mà còn là thử thách lớn trong cuộc sống cá nhân. Sau khi lập gia đình và trở thành mẹ của hai bé nhỏ, Thảo vẫn quyết tâm tiếp tục học tập và thử sức với các kỳ thi ABRSM. Kết quả, cô đã xuất sắc đạt Diploma ABRSM loại Giỏi (Merit) với 44/50 điểm và Grade 8 ABRSM loại Xuất sắc (Distinction).
Tuy nhiên, thành quả ấy không đến dễ dàng. Giai đoạn học và thi chứng chỉ là một thử thách lớn với Thảo khi cô phải cân đối giữa việc giảng dạy, chăm sóc con nhỏ, và tập đàn mỗi ngày. Những ngày gần sát kỳ thi, để đảm bảo việc ôn luyện đạt hiệu quả cao nhất, Thảo đã tạm gác bớt công việc giảng dạy để tập trung toàn bộ vào việc học. Cô nhớ lại những buổi tập đàn kéo dài nhiều giờ liên tục, đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm. Dẫu vậy, nhờ niềm tin vào bản thân và sự nỗ lực không ngừng, cô đã vượt qua tất cả để đạt được kết quả đáng tự hào.
Thảo tâm đắc với câu nói trong quyển sách Nhà Giả Kim: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”. Cô tin rằng, chỉ cần bạn dám mơ ước và tích cực cố gắng, thành quả đạt được sẽ luôn xứng đáng.
Hiện tại, với tấm bằng ABRSM trong tay, Phương Thảo không chỉ truyền cảm hứng học tập cho chính mình mà còn lan tỏa đến các học trò. Cô hy vọng rằng, những nỗ lực của mình sẽ là nguồn động lực để các học viên mạnh dạn hơn trên hành trình chinh phục âm nhạc và khám phá tiềm năng bản thân.
Những trăn trở với nghề dạy Piano: Lan tỏa đam mê âm nhạc đến mọi người
Phương Thảo không ngừng học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn để mang đến cho học trò những buổi học chất lượng, tràn đầy cảm hứng. Với cô, mỗi bài học không chỉ là kỹ thuật mà còn là cách gieo mầm tình yêu âm nhạc vào tâm hồn học sinh.
Hơn tất cả, Phương Thảo luôn tâm niệm rằng một người giáo viên giỏi không chỉ cần kiến thức mà còn phải hiểu được tâm lý từng học sinh. “Với trẻ em, bạn không thể áp đặt mà phải nắm bắt được ưu – nhược điểm để truyền đạt hiệu quả nhất”, cô chia sẻ.
Hiện nay, ngoài Nhạc viện TP.HCM, nhiều trường đại học khác như Đại học Văn Hiến, Đại học Văn Lang, hay Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đào tạo ngành cử nhân Piano. Điều này mở ra nhiều cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận và theo đuổi giấc mơ âm nhạc. Đặc biệt, đối với những bạn học Sư phạm Âm nhạc, Phương Thảo gợi ý rằng việc trau dồi kỹ năng Piano qua các chương trình như ABRSM hay Trinity là rất cần thiết. Các chứng chỉ này không chỉ đánh giá năng lực qua các bài thi thực hành và lý thuyết mà còn giúp người học phát triển toàn diện các kỹ năng như luyện ngón (Scales), thị tấu (Sight Reading), hay thẩm âm, ký xướng âm và cảm nhận âm nhạc qua các thời kỳ lịch sử.
Theo Phương Thảo, Piano là một bộ môn khó, đòi hỏi không chỉ năng khiếu mà còn cả sự kiên nhẫn, chăm chỉ và tình yêu mãnh liệt. Việc học Piano không dừng lại ở 4 năm đại học, mà là cả một hành trình dài đằng sau với nhiều năm học tập, luyện tập không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy đều xứng đáng, bởi học Piano không chỉ rèn luyện sự tập trung, tính kiên trì mà còn kích thích não bộ phát triển.
Cô cho biết thêm, việc chơi Piano đòi hỏi người học vận động toàn bộ cơ thể: mắt đọc hai khóa nhạc khác nhau, hai tay chơi giai điệu và hợp âm riêng biệt, chân giữ nhịp qua pedal… Tất cả những yếu tố đó không chỉ giúp người học phát triển khả năng âm nhạc mà còn rèn luyện tính cẩn thận và tập trung cao độ.
Nhiều phụ huynh từng chia sẻ với Thảo rằng, sau một thời gian học Piano, con cái họ trở nên cẩn thận và điềm tĩnh hơn rất nhiều. Thảo cho rằng, việc học Piano không nhất thiết phải hướng đến chuyên nghiệp. Đôi khi, chỉ cần các bé có thể đàn để thư giãn, lan tỏa âm nhạc đến gia đình hay bạn bè, hoặc chơi một vài bản nhạc tại những không gian như khách sạn, sân bay, nhà hàng… cũng đủ mang lại niềm vui cho bản thân và những người xung quanh.
“Việt Nam ngày càng yêu thích và phổ biến môn Piano. Các trung tâm và trường âm nhạc dần xây dựng và phát triển khắp nơi, mở ra cơ hội để các bạn nhỏ chạm đến ước mơ âm nhạc. Mình hy vọng rằng, sẽ có nhiều bạn trẻ giữ được lửa đam mê, trở thành những người nghệ sĩ Piano tài năng và cống hiến nhiều hơn cho nền âm nhạc nước nhà”, Phương Thảo chia sẻ.
Với tất cả niềm yêu nghề và sự tận tâm, Phương Thảo mong rằng, âm nhạc sẽ là cầu nối đưa mọi người đến gần nhau hơn và trở thành món quà tinh thần ý nghĩa trong cuộc sống. “Hãy nhớ rằng, trái tim của bạn ở đâu, thì tại nơi đó bạn sẽ tìm thấy kho báu của đời mình”, cô gửi lời nhắn nhủ đầy cảm xúc đến những người yêu âm nhạc.