Thủ lĩnh Hamas vừa bị ám sát khi ở Iran là ai?
Thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh, học trò của người sáng lập Hamas Sheikh Ahmad Yassin, là nhân vật quan trọng tham gia các hoạt động ngoại giao quốc tế.
Phong trào Hồi giáo Hamas ngày 31/7 thông báo thủ lĩnh nhóm này - ông Ismail Haniyeh - đã thiệt mạng tại thủ đô Tehran (Iran), mô tả vụ ám sát là hành động leo thang nghiêm trọng và tuyên bố sẽ không để yên. Vụ ám sát được coi là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, khi Mỹ, Qatar và Ai Cập đang làm trung gian thúc đẩy đàm phán giữa các bên.
Suốt hai thập kỷ qua, ông Haniyeh là một trong những lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Hamas và được coi là một nhân vật ôn hòa trong phong trào này. Ông đảm nhận vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao bền vững để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, theo Guardian.
Ông Haniyeh được bầu làm thủ lĩnh chính trị vào năm 2017, trước khi rời Gaza và sống lưu vong tại Qatar hai năm sau đó. Từ Qatar, ông trở thành gương mặt đại diện của Hamas trong các sự kiện ngoại giao quốc tế, cùng một nhóm lãnh đạo Hamas trú ẩn ở Doha, di chuyển giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar và không thể trở lại Gaza.
Ông Haniyeh cũng được coi là một đường dây liên lạc quan trọng với những nhân vật cứng rắn như thủ lĩnh Yahya Sinwar ở Gaza.
Học trò của giáo sĩ Yassin
Theo các nhà ngoại giao và quan chức Ả Rập, ông Haniyeh là người thực tế hơn so với những tiếng nói cực đoan khác ở Gaza. Thủ lĩnh này cũng được một số chuyên gia mô tả là người dẫn đầu cuộc chiến chính trị của Hamas với các chính phủ ở khu vực Trung Đông.
Các đồng minh và thậm chí cả đối thủ cũ của ông Haniyeh đã lên án vụ ám sát ngày 31/7, trong bối cảnh lo ngại rằng cái chết của ông trong chuyến thăm Tehran có thể dẫn đến tình trạng bạo lực trên diện rộng. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi vụ ám sát là “một hành động hèn nhát và một sự leo thang nghiêm trọng”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích vụ ám sát là hành động “tàn ác”.
Ông Haniyeh (61 tuổi) sinh ra trong trại tị nạn Shati ở Gaza. Khi học đại học tại Gaza, ông đã tham gia vào nhóm chính trị tiền thân của Hamas, sau đó hoạt động tích cực tại địa phương và tham gia nhiều cuộc biểu tình.
Ông gia nhập Hamas khi nhóm này được thành lập vào năm 1987 bởi giáo sĩ Hamas Sheikh Ahmed Yassin cùng phụ tá Abdul Aziz al-Rantissi ngay sau khi nổ ra Intifada đầu tiên (Intifada là phong trào nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestine).
Ông Haniyeh từng bị Israel bắt giữ và cầm tù nhiều lần. Ông bị trục xuất vào năm 1992 cùng với các lãnh đạo Hamas khác rồi trở lại Gaza một năm sau đó.
Ông Haniyeh là học trò của giáo sĩ Ahmad Yassin và trở thành một cố vấn đáng tin cậy vào năm 2003. Ông từng xuất hiện tại nhà của ông Yassin ở Gaza, cầm điện thoại để giúp cựu thủ lĩnh - khi đó gần như đã nằm liệt giường - có thể tham gia một cuộc họp. Ông Yassin bị Israel ám sát vào năm 2004.
Ông Haniyeh là một trong những người đầu tiên thúc đẩy chương trình nghị sự của Hamas. Năm 2006, ông trở thành thủ tướng Palestine sau khi Hamas giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử quốc hội nước này. Ông bị Tổng thống Abbas phế truất vào năm 2007 sau khi Israel rút khỏi Gaza và Hamas nắm quyền kiểm soát.
Trong thập kỷ ông Haniyeh là lãnh đạo hàng đầu của Hamas tại Gaza, Israel cáo buộc đội ngũ lãnh đạo của ông đã chuyển viện trợ nhân đạo cho lực lượng quân sự của nhóm. Hamas phủ nhận cáo buộc.
Năm 2007, ông Haniyeh đóng vai trò quan trọng trong việc giải thoát phóng viên BBC Alan Johnston, khi phóng viên này bị một nhóm Hồi giáo địa phương bắt cóc ở Gaza và bị giam giữ trong 16 tuần.
Ông nắm quyền ở Gaza cho đến năm 2017 khi được bầu làm lãnh đạo chính trị. Thủ lĩnh Haniyeh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng chiến đấu của Hamas, một phần bằng cách duy trì quan hệ với Iran. Năm 2022, ông Haniyeh tiết lộ với Al Jazeera rằng Hamas đã nhận được 70 triệu USD viện trợ quân sự từ Iran.
Khi rời Gaza năm 2017, ông Haniyeh đã trao lại quyền lực cho người kế nhiệm Sinwar, một thủ lĩnh cứng rắn đã trải qua hơn hai thập kỷ trong các nhà tù Israel, trở lại Gaza vào năm 2011 sau một cuộc trao đổi tù nhân.
Theo các chuyên gia, ông Sinwar là người đưa ra quyết định cuối cùng trong các hoạt động lớn của Hamas. Trong các cuộc đàm phán gần đây, thủ lĩnh này đã quyết định cắt đứt liên lạc khiến các cuộc đàm phán đã bị đình trệ. “Điều này cho thấy khá rõ ai là người ra quyết định”, một nguồn tin nói với Guardian.
Kể từ năm 2017, ông Haniyeh được biết đến là gương mặt đại diện của Hamas trên mặt trận chính trị và ngoại giao. Ông đã tham gia xây dựng quan hệ ngoại giao với các cường quốc trên khắp Trung Đông.
"60 thành viên gia đình thiệt mạng"
Trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera hồi tháng 4, ông Haniyeh từng xác nhận 3 người con trai - Hazem, Amir và Mohammad - và các cháu của ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công. Hamas cũng xác nhận 4 đứa cháu của ông Haniyeh, gồm 3 cháu gái và một cháu trai, đã thiệt mạng.
Vị thủ lĩnh cho biết họ bị giết hại khi đang thăm người thân trong dịp lễ Eid tại trại tị nạn Shati.
“Từ máu của những người đã mất và nỗi đau của những người bị thương, chúng tôi tạo ra hy vọng, tương lai, độc lập và tự do cho nhân dân và quốc gia của chúng tôi”, ông nói, đồng thời cho biết khoảng 60 thành viên gia đình ông đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Thủ lĩnh chính trị của Hamas khi đó lên án những hành động của Israel ở Gaza và nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo Palestine sẽ không lùi bước nếu gia đình và nhà cửa của họ bị tấn công.
Quân đội Israel sau đó cũng xác nhận nhắm mục tiêu vào 3 người con trai của ông Haniyeh, mô tả họ là những người hoạt động quân sự của Hamas đang trên đường “thực hiện các hoạt động khủng bố ở khu vực trung tâm Dải Gaza”. Tuyên bố của Israel không đề cập đến những người cháu của ông Haniyeh đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Israel coi toàn bộ lãnh đạo Hamas là khủng bố, cáo buộc ông Haniyeh cùng các lãnh đạo đang trú ẩn ngoài Gaza là “giật dây tổ chức khủng bố Hamas”.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đưa ông Haniyeh vào diện khủng bố, nói rằng ông là “người ủng hộ đấu tranh vũ trang, bao gồm cả (hành động) nhắm vào dân thường”, và các hoạt động của Hamas ước tính đã khiến “17 người Mỹ thiệt mạng”.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo Hamas nói rằng cuộc tấn công sẽ không thay đổi yêu cầu của nhóm đối với một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và sự trở lại của những người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa của họ.
“Tất cả người dân của chúng tôi và các gia đình ở Gaza đã trả giá đắt bằng máu, và tôi cũng là một trong số đó”, ông Haniyeh nói.
Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-linh-hamas-vua-bi-am-sat-khi-o-iran-la-ai-post1489286.html