'Thủ lĩnh' mặt trận tận tụy, uy tín với dân bản Rào Tre
'Thủ lĩnh' mặt trận tận tụy, uy tín với dân bản Rào Tre
Bằng sự năng nổ, tâm huyết, tận tụy, hết lòng với công việc, gương mẫu trong các phong trào của địa phương, anh Hồ Xuân Nam - Trưởng ban Công tác mặt trận bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) luôn được dân bản mến phục, tin yêu.
Giữa cái nắng hè gay gắt, từ phố núi Hương Khê, vượt hàng chục cây số đường rừng ngoằn ngoèo, uốn lượn, chúng tôi cũng đặt chân đến bản Rào Tre (xã Hương Liên). Anh Hồ Xuân Nam (SN 1987) - Trưởng ban Công tác mặt trận bản Rào Tre đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu rồi dẫn vào thăm bản.
“Tôi là người dân tộc Chứt, sinh ra và lớn lên tại bản Rào Tre. Năm 2019, được Ủy ban MTTQ xã Hương Liên tín nhiệm, tôi nhận trọng trách làm công tác mặt trận thôn. Lúc ấy, tôi vừa tròn 32 tuổi và cũng là Trưởng ban Công tác mặt trận đầu tiên của người Chứt. Tuổi đời non trẻ nên nhiều người bất ngờ và hoài nghi về năng lực của tôi. Bởi, trước đây, việc chọn “thủ lĩnh” phải là những lớn tuổi, có uy tín trong làng…", anh Nam mở đầu câu chuyện.
Thời gian đầu nhận nhiệm vụ, anh gặp không ít khó khăn, áp lực, nhất là khi người Chứt vẫn còn giữ nhiều hủ tục, việc tuyên truyền những cái mới cần rất nhiều thời gian và công sức.
“Trước kia, trung bình cứ 3 người phụ nữ sinh con thì có một trường hợp đẻ tại nhà, hầu hết do người thân trong gia đình thực hiện. Đây là tục lệ có từ lâu đời của bà con đồng bào dân tộc Chứt. Tôi còn nhớ mãi, gia đình chị Hồ Thị Nga sinh 2 người con đầu đều tự sinh tại nhà. Lần sinh thứ 3, chị mong muốn sinh tại nhà nhưng ngôi thai ngược nên rất nguy hiểm.
Gia đình bảo “con ma rừng bắt” nên mời thầy mo đến nhưng cúng mãi không được. Trước tình hình đó, tôi cố gắng trấn an tinh thần của gia đình, giải thích hậu quả có thể xảy ra đối với mẹ và em bé, từ đó vận động, thuyết phục người thân đưa chị Nga đến cơ sở y tế. Rất may sau đó, cán bộ Tổ công tác Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) đã đến kịp thời, cứu được cả hai mẹ con", anh Nam chia sẻ.
Luôn tâm niệm câu nói của Bác Hồ: “Phải thông suốt và thực hiện đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng thời phải giải thích cho mọi người hiểu thật thấu đáo và làm cho đúng”, anh Nam đã dành thời gian tập trung nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan đến chủ trương, đường lối; chức năng, nhiệm vụ của MTTQ; tham vấn ý kiến, học hỏi kinh nghiệm của các tiền bối. Đây chính là tiền đề để anh xây dựng kế hoạch làm việc cho bản thân và chương trình hành động.
Chị Hồ Thị Tương, người dân bản Rào Tre bày tỏ: "Anh Nam là Trưởng ban Công tác mặt trận tận tâm, tận tụy với công việc. Anh không ngại vất vả, sớm tối đến từng nhà hỏi han, lắng nghe, chia sẻ với bà con trong bản. Vì vậy, chúng tôi luôn tin tưởng và thực hiện tốt mọi phần việc, phong trào của bản khi được phổ biến, tuyên truyền”.
Bản Rào Tre có 46 hộ/157 khẩu. Nhìn chung, đời sống của bà con đồng bào dân tộc Chứt còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bà con còn là hộ nghèo, trình độ nhận thức chưa đồng đều. Do đó, trong suốt thời gian làm công tác mặt trận, anh Nam luôn giữ tinh thần “miệng nói tay làm” để các phong trào nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của bà con.
Anh Nam luôn nhắc mình: “Làm công tác mặt trận là làm công tác vận động quần chúng. Muốn vận động tốt thì phải sâu sát cơ sở, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của người dân. Điều quan trọng là cán bộ làm công tác mặt trận phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, có như vậy thì việc tuyên truyền, vận động mới hiệu quả, người dân mới tin tưởng, làm theo ”.
Nhớ lại chuyện “vượt rào” hôn nhân cận huyết, anh Nam chia sẻ, trước đây, nhiều đám cưới trong họ hàng cứ thế diễn ra, mối quan hệ huyết thống ngày càng chằng chịt. Anh luôn đau đáu nhắc mình phải vượt qua định kiến, xóa bỏ hủ tục. Năm 2003, anh Nam đã quyết tâm vượt ngọn núi Ka Đay, tiên phong lấy vợ dân tộc Chứt ở Quảng Bình. Hiện nay, gia đình anh có 4 người con: 2 trai, 2 gái.
Từ kinh nghiệm của bản thân, sau này, khi đảm nhiệm Trưởng ban Công tác mặt trận, anh Nam thường xuyên phối hợp với ban, ngành các cấp, chính quyền địa phương và Tổ công tác Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Anh động viên các bạn trẻ tìm hiểu, yêu thương và lấy vợ, lấy chồng với người ở vùng khác.
Anh Hồ Viết Đức, người dân bản Rào Tre chia sẻ: “Trước kia, bà con dân tộc Chứt sống khép kín, hôn nhân quẩn quanh trong bản. Được anh Nam giải thích, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tôi cũng như các thanh niên dần hiểu ra và bắt đầu có nhận thức không lấy vợ cùng huyết thống trong bản nữa. Bây giờ, tôi tìm kiếm cơ hội việc làm ở ngoài bản; chủ động kết nối, giao lưu với thanh niên người Kinh, với thanh niên các nhóm dân tộc Chứt ở Quảng Bình để có những mối quan hệ rộng hơn, có cơ hội tìm hiểu và tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình”.
Video: Chị Hồ Thị Khuyên - người dân bản Rào Tre nói về anh Hồ Xuân Nam
Cũng như mọi người dân trong bản, anh Nam được cán bộ đội biên phòng cầm tay chỉ việc, từ trồng lúa nước cho đến chăn nuôi. Dần dà, anh tự chủ động, tự mình chăn nuôi và sản xuất. Anh cải tạo vườn tược để trồng cây ăn quả, nuôi gà; lúc nông nhàn thì đi làm thuê, đi rừng cắt lá cọ, dây mây về bán… Nhờ thế, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn, có của ăn của để. Sự nêu gương của anh Nam đã tạo động lực cho bà con vươn mình phát triển kinh tế.
Gần 4 năm công tác, anh Nam luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. “Bao năm nay, người Chứt ở Rào Tre vẫn quen sử dụng “song ngữ”. Họ chỉ nói tiếng Việt khi có người Kinh đến bản, còn lại, trong giao tiếp hằng ngày thì sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Nhờ vậy, tôi có những thuận lợi trong cách giao tiếp, tuyên truyền, phản hồi, tương tác với người dân trong bản”, anh Nam chia sẻ.
Theo anh Nam, việc tuyên truyền là thường xuyên, không chỉ ở trong từng hội nghị, cuộc họp mà cán bộ phải luôn gần gũi, nắm bắt, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân trong thôn. Công tác mặt trận phải “mưa dầm thấm lâu”, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Chỉ có như vậy, việc tuyên truyền mới đạt kết quả như mong muốn.
Khi đi vận động, anh kết hợp thuyết phục già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng để cùng tuyên truyền, đồng hành thực hiện các nội dung cuộc vận động. “Có những điều mình nói, đồng bào không hiểu hết. Tôi đành nghĩ ra cách, khi truyền tải thông điệp, các thông tin về cơ chế, chính sách mới, tôi sẽ truyền đạt một cách mang tính đời thường nhất, tìm cách diễn đạt ngắn gọn, bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ nhất cho bà con", anh Nam chia sẻ.
Nhờ sự kiên trì, lòng quyết tâm, nhiều gia đình ở đây đã nhận ra vấn đề. Họ thay đổi tư duy, tránh trông chờ, ỷ lại, chủ động trong đời sống và sản xuất, tiến tới tự túc, ổn định cuộc sống.
Bà Hồ Thị Sơn, người dân bản Rào Tre tấm tắc: “Trong bản, ai cũng tin tưởng anh Nam, có việc gì cũng gọi Trưởng ban Công tác mặt trận. Nhờ nghe anh Nam, nghe cán bộ và đi ra xã hội chúng tôi mới nhận ra mình lạc hậu và phải thay đổi suy nghĩ. Bây giờ, người dân sửa rồi, sinh đẻ, đau ốm là phải đến cơ sở y tế khám bệnh, uống thuốc; muốn có ăn, có mặc thì phải chăm chỉ lao động sản xuất”.
Gánh trên mình nhiều trọng trách (từ năm 2019 đến nay, anh lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Chi hội trưởng Hội Nông dân, công an viên thôn bản, Ủy viên Ủy ban MTTQ xã, Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Rào Tre...), nhưng ở vị trí nào anh cũng làm tròn nhiệm vụ, trở thành người có uy tín trong bản, trong xã.
Ban Công tác mặt trận đã phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, Đồn Biên phòng Bản Giàng hướng dẫn bà con đồng bào Chứt kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả để tự túc lương thực, thực phẩm, đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Ban Công tác mặt trận phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Giàng, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã cùng người dân trồng được hàng ngàn cây ăn quả (cam, bưởi, chuối...), hàng trăm cây bóng mát; chỉnh trang, làm mới gần 1km hàng rào vườn; đóng góp 139 ngày công làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi…
Ngoài ra, anh Nam còn đồng hành với chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống văn hóa, các nhạc cụ dân tộc Chứt.
Với những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, anh Nam đã nhiều lần được các cấp biểu dương, khen thưởng. Năm 2020, anh là 1 trong 90 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh là điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư. Năm 2022, tại hội nghị biểu dương chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã và trưởng ban công tác mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, anh tiếp tục được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Liên Nguyễn Văn Ngọc tự hào: “Anh Nam là người cán bộ mặt trận trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao, gần dân, lắng nghe và phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của bà con tới cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần giúp địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, tạo niềm tin vững chắc trong Nhân dân, cùng nhau xây dựng xã Hương Liên ngày càng vững mạnh”.
Video: Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Liên
"Những thành tích tôi đạt được là nhờ vào sự tin yêu, tín nhiệm của bà con; sự giúp đỡ ân cần, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và Tổ công tác Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng). Niềm hạnh phúc và thành công lớn nhất của tôi chính là được dân quý, dân tin để cùng chung sức xây dựng bản Rào Tre đổi thay từng ngày”, anh Nam chia sẻ.