Thủ lĩnh phe đối lập Kazakhstan kêu gọi phương Tây đứng lên ngăn cản Nga

Phương Tây phải kéo Kazakhstan ra khỏi quỹ đạo của Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin sẽ lôi kéo quốc gia Trung Á này vào 'một cấu trúc giống như Liên Xô', một cựu bộ trưởng hiện là lãnh đạo phe đối lập Kazakhstan cho biết.

“Phương Tây nên tách Kazakhstan khỏi Nga”

Các cuộc biểu tình bắt đầu nhằm phản ứng với việc giá nhiên liệu tăng trong tuần này đã trở thành một phong trào rộng khắp chống lại Nursultan Nazarbayev, người đã từ chức tổng thống vào năm 2019 sau nhiều thập kỷ tại vị nhưng vẫn là người nắm quyền thực sự ở Kazakhstan.

Mukhtar Ablyazov được xem là thủ lĩnh đứng sau các cuộc biểu tình tại Kazakhstan

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, người kế nhiệm được chọn lọc kỹ càng của Nazarbayev, đã kêu gọi sự can thiệp của các lực lượng đồng minh từ liên minh do Nga đứng đầu, được gọi là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Mukhtar Ablyazov, cựu giám đốc ngân hàng và bộ trưởng chính phủ, người lãnh đạo phong trào đối lập có tên là Sự lựa chọn dân chủ của Kazakhstan, cho rằng phương Tây cần phải vào cuộc.

"Nếu không, Kazakhstan sẽ biến thành Belarus và Putin sẽ áp đặt chương trình của mình một cách có phương pháp - tái tạo một cấu trúc giống như Liên Xô. Phương Tây nên tách Kazakhstan khỏi Nga”, Ablyazov nói với Reuters bằng tiếng Nga từ Paris.

Ông nói: "Nga đã vào cuộc, gửi quân đến. CSTO là Nga. Đây là sự chiếm đóng của Nga. Phương Tây phải đứng lên chống lại Nga ở Kazakhstan", lãnh đạo phe đối lập nói

Ablyazov không cho biết phương Tây nên làm thế nào để kéo Kazakhstan ra khỏi quỹ đạo của Nga, hoặc có nên sử dụng vũ lực hay không.

Kazakhstan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nằm giữa Nga, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Turkmenistan.

Ablyazov nói rằng Trung Quốc sẽ đứng sang một bên ở Kazakhstan và chỉ đơn giản là quan sát các sự kiện.

Bị kết án vắng mặt ở Kazakhstan vì tội lừa đảo, tham ô và tổ chức giết người, Ablyazov, 58 tuổi, sống ở Pháp, nơi ông đã được cấp quy chế tị nạn. Cựu quan chức này nói rằng các cáo buộc chống lại ông ở Nga và Kazakhstan là có động cơ chính trị.

Ông từng là bộ trưởng năng lượng vào những năm 1990 dưới thời Nazarbayev, nhưng các mối quan hệ sau đó rạn nứt. Các nhà chức trách Kazakhstan cho biết Ablyazov đã kích động và gây quỹ cho các cuộc biểu tình vào năm 2016 buộc Nazarbayev phải trì hoãn các cải cách về quyền sở hữu đất đai.

Nazarbayev vẫn nắm thực quyền

Ablyazov cho rằng Nazarbayev là một nhà độc tài đã đưa người dân Kazakhstan vào ngõ cụt địa chính trị trong khi làm giàu cho một tầng lớp tinh hoa.

"Nazarbayev - hiện giờ ông ấy không ở trong nước - nhưng điều đó không có nghĩa lý gì vì ông ấy có điện thoại và thông tin liên lạc - và mọi người nắm quyền bao gồm cả Tokayev sẽ làm những gì ông ấy ra lệnh", ông nói.

“Tôi thấy mình là thủ lĩnh của phe đối lập,” Ablyazov nói. "Mỗi ngày những người biểu tình gọi cho tôi và hỏi: 'Chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi đang đứng đây: Chúng tôi phải làm gì?'"

Ông cho biết sẵn sàng đến Kazakhstan để đứng đầu chính phủ lâm thời nếu các cuộc biểu tình leo thang.

"Tôi không chỉ quay lại - mọi người tiếp tục hỏi khi nào tôi sẽ trở lại và đổ lỗi cho tôi vì đã không trở lại để lãnh đạo các cuộc biểu tình - nhưng mọi người không hiểu việc tôi trở lại sẽ khó khăn như thế nào vì Nga đã kết án tôi 15 năm và Kazakhstan kết tội chung thân", ông nói.

Ablyazov bác bỏ những gợi ý rằng phương Tây đã tài trợ cho các cuộc biểu tình như một nỗ lực đánh lạc hướng sự chú ý khỏi thực tế rằng gốc rễ của các cuộc biểu tình là trong nước.

Quân đội và cảnh sát Kazakhstan đã được lệnh bắn vào người biểu tình. Ảnh: AP

Bạo lực tiếp tục leo thang

Vào hôm qua, Tổng thống Tokayev đã ra lệnh cho lực lượng an ninh "tiêu diệt không báo trước" để dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực đã làm tê liệt và được cho là khiến hàng chục người thiệt mạng.

Trong một bài phát biểu thách thức hôm thứ Sáu, Tokayev tuyên bố tình trạng bất ổn bắt đầu vào đầu tuần này là do các cuộc biểu tình của "những tên cướp khủng bố" được đào tạo bài bản từ cả trong và ngoài nước.

Truyền thông nhà nước Kazakhstan đưa tin 18 nhân viên an ninh và 26 "tội phạm có vũ trang" đã bị giết trong các cuộc biểu tình bạo lực. Ở Almaty, thành phố lớn nhất của đất nước, một số xác chết nằm ngổn ngang trên đường phố và không khí vẫn tràn ngập mùi thuốc súng.

Huy Hoàng (theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-linh-phe-doi-lap-kazakhstan-keu-goi-phuong-tay-dung-len-ngan-can-nga-post176333.html