Thủ lĩnh phiến quân Syria vừa chiếm Aleppo là ai và mục đích tấn công là gì?

Từng tuyên thệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al Qaeda, Mohammed Al-Jawlani đã bất ngờ dẫn đầu một lực lượng nổi dậy hùng mạnh tiến đánh và kiểm soát phần lớn thành phố lớn Aleppo của Syria.

Từ chiến binh khủng bố đến thủ lĩnh quân nổi dậy

Abu Mohammed al-Jawlani lên xe bus ở Damascus vào tháng 3 năm 2003, băng qua sa mạc đến Baghdad cùng những người tình nguyện khác háo hức đẩy lùi cuộc tấn công sắp xảy ra của Mỹ vào Iraq.

Khi trở về nhà vào năm 2011, sau 5 năm trong nhà tù do Mỹ quản lý ở Iraq, ông ta là sứ giả của người sáng lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi. Al-Jawlani đến Syria với những chiếc túi đầy tiền mặt và một nhiệm vụ đưa phong trào cực đoan này ra toàn cầu.

 Abu Mohammed al-Jawlani, thủ lĩnh lực lượng HTS, từng là thành viên của IS và Al Qaeda. Ảnh: Enab Baladi

Abu Mohammed al-Jawlani, thủ lĩnh lực lượng HTS, từng là thành viên của IS và Al Qaeda. Ảnh: Enab Baladi

Tuần trước, Al-Jawlani, 42 tuổi, đã chiến thắng tiến vào Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, với tư cách là chỉ huy hàng đầu của liên minh nổi dậy do lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) của ông ta lãnh đạo. Chiến thắng bất ngờ và nhanh chóng này đánh dấu một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất ở mảnh đất Trung Đông vốn không thiếu kịch tính.

So với việc IS chiếm giữ thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul vào năm 2014 về mặt giá trị gây sốc và tầm quan trọng về mặt chiến lược, sự sụp đổ của Aleppo cho đến nay là một sự kiện rất khác biệt.

Thay vì tham gia vào một cuộc tàn sát đẫm máu chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số, dấu hiệu đặc trưng của chế độ caliphate tự xưng của Al-Baghdadi, Jawlani đã ban hành các sắc lệnh ra lệnh bảo vệ những người theo đạo Thiên chúa và người Hồi giáo dòng Shiite, và yêu cầu những người của ông ta không được trả thù.

“Trong tương lai ở Syria, chúng tôi tin rằng sự đa dạng là sức mạnh của chúng tôi, chứ không phải là điểm yếu”, nhóm này tuyên bố vào thứ Hai. Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về các vụ thảm sát ở Aleppo và lực lượng HTS của Jawlani đã cho phép các đơn vị người Kurd bị bao vây rời đi an toàn.

“Ngày họ chiếm Aleppo, trước khi nhìn thấy họ, tôi cảm thấy như tàu Titanic đang chìm”, một phụ nữ theo đạo Thiên chúa ở Aleppo cho biết. “Nhưng không có cướp bóc, và các cửa hàng và nhà hàng đã mở cửa trở lại vào ngày hôm sau. Mọi người đều bị sốc vì họ đối xử tốt với chúng tôi. Họ trông thật đáng sợ. Họ trông chính xác như cách bạn tưởng tượng khi ai đó nói đến một kẻ khủng bố: râu dài và quấn khăn bịt tóc”.

Vì sao Al-Jawlani thay đổi chiến lược?

Chiến thắng của Al-Jawlani tại Aleppo - chiến thắng đưa người mà Mỹ vẫn coi là khủng bố trở thành ứng cử viên tiềm năng trở thành người cai trị Syria nếu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ - sau một sự chuyển đổi chính trị đáng chú ý hiếm thấy trong khu vực.

 Các chiến binh HTS, lực lượng lãnh đạo liên minh quân nổi dậy tại Syria, trên đường phố Aleppo hôm 2/12. Ảnh: AFP

Các chiến binh HTS, lực lượng lãnh đạo liên minh quân nổi dậy tại Syria, trên đường phố Aleppo hôm 2/12. Ảnh: AFP

Sinh ra với tên Ahmed Hussein al-Sharaa, thủ lĩnh phiến quân này lấy biệt danh là Al-Jawlani, ám chỉ nguồn gốc gia đình ở Cao nguyên Golan mà Israel đã chiếm giữ từ Syria vào năm 1967. Al-Jawlani đã tách khỏi IS vào năm 2012, cắt đứt quan hệ với Al Qaeda vào năm 2016, và kể từ đó đối đầu với cả hai tổ chức khủng bố này trong các chiến dịch đẫm máu.

Khi làm như vậy, Al-Jawlani đã lái HTS tránh xa phong trào thánh chiến xuyên quốc gia vốn quan tâm nhiều hơn đến việc gây chiến với Mỹ và phương Tây. Học giả Aaron Zelin, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông Washington và là tác giả của một cuốn sách gần đây về HTS, cho biết: "Việc Al-Jawlani và nhóm của ông ta tách khỏi IS và Al Qaeda là rất chân thành. Họ chưa từng là một phần của những thực thể này lâu hơn thời gian họ ở cùng họ, và về cơ bản đã 8 năm rưỡi kể từ khi họ tuyên thệ từ bỏ phong trào thánh chiến toàn cầu”.

Thay vì thánh chiến, Jawlani đã biến HTS - tổ chức đã điều hành một khu vực tự trị của riêng mình tại tỉnh Idlib, miền bắc Syria từ năm 2015 - thành một lực lượng có kỷ luật tốt, tập trung hoàn toàn vào các hoạt động tại Syria, một sự pha trộn giữa chủ nghĩa Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc gần với Taliban của Afghanistan và Hamas của Palestine. Thay vì biểu ngữ Hồi giáo, quân đội HTS chọn chiến đấu dưới lá cờ Syria có từ thời nước cộng hòa tồn tại trước cuộc cách mạng của Đảng Baath năm 1963, cuộc cách mạng cuối cùng đã đưa gia đình ông Assad lên nắm quyền.

Bà Dareen Khalifa, cố vấn cấp cao của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG), người đã nhiều lần gặp Al-Jawlani tại Syria, cho biết: “Ngay từ khi thành lập, HTS đã nói rằng chúng tôi không có mục tiêu xuyên quốc gia, chúng tôi tập trung vào Syria, chúng tôi muốn chiến đấu ở Syria và đó chính là bản chất bất đồng của chúng tôi với các nhóm thánh chiến khác”.

“Lãnh đạo HTS thực dụng và và ít mang tính ý thức hệ hơn”, bà Khalifa nói thêm. “Jawlani không phải là một giáo sĩ, ông ta là một chính trị gia sẵn sàng đạt được thỏa thuận và rất thỏa hiệp về nhiều thứ - trừ việc chống lại chế độ. Đừng đánh giá thấp tham vọng của gã này”.

HTS từng bị Mỹ liệt kê là một tổ chức khủng bố, và đưa ra mức tiền thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp tiêu diệt được Al-Jawlani. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn chưa nhắm mục tiêu vào Al-Jawlani hoặc các chỉ huy cấp cao khác của HTS kể từ khi ông này tuyên bố gần một thập kỷ trước rằng ông không muốn trở thành kẻ thù của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, Al-Jawlani và HTS từng nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm gỡ bỏ họ khỏi danh sách các nhóm khủng bố.

“Họ đã học được cách chơi trò chơi này,” Alberto Miguel Fernandez, phó chủ tịch Viện nghiên cứu truyền thông Trung Đông (MEMRI) và là cựu điều phối viên truyền thông chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Họ vẫn có cái mà chúng tôi gọi là hệ tư tưởng cực đoan, nhưng họ không phải là những kẻ cực đoan ngu ngốc, và họ là những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc”.

Vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn

Không rõ mức độ chuyển đổi của Al-Jawlani là chân thực đến mức nào, và mức độ lời kêu gọi ôn hòa của ông ta được thiết kế để ru ngủ những người Syria khác và phương Tây hiệu quả đến đâu. Cần biết, lực lượng Taliban ở Afghanistan cũng đã hứa sẽ có một chính quyền bao trùm và tôn trọng quyền phụ nữ hơn trước khi nắm quyền vào năm 2021, nhưng kể từ đó họ đã loại bỏ phụ nữ khỏi nơi làm việc và giáo dục, quay trở lại cách cai trị trước cuộc tấn công của Mỹ vào Afghanistan năm 2001.

“Sự chuyển đổi từ một chiến binh thánh chiến thành nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng Syria ư? Tôi khá nghi ngờ”, Fabrice Balanche - một chuyên gia về Syria tại Đại học Lyon 2 của Pháp cho biết. “Đúng vậy, Jawlani có thể đã trở nên tư sản hơn theo tuổi tác, và có thể đã từ bỏ một phần hệ tư tưởng cấp tiến của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể ông ta đang sử dụng chiến thuật “ẩn thân” nhằm che giấu ý định thực sự”.

 Các chiến binh HTS chiếm giữ một xe tăng của quân đội Syria trên đường cao tốc quốc tế M5 ở khu vực Zarbah ngày 29/11 năm 2024, treen đường tấn công vào Aleppo, phía bắc Syria. Ảnh: AFP

Các chiến binh HTS chiếm giữ một xe tăng của quân đội Syria trên đường cao tốc quốc tế M5 ở khu vực Zarbah ngày 29/11 năm 2024, treen đường tấn công vào Aleppo, phía bắc Syria. Ảnh: AFP

Các nhóm nhân quyền cũng đã có những cáo buộc HTS bắt giữ tùy tiện các nhà hoạt động, nhà báo và những thường dân dám lên tiếng chỉ trích lực lượng này, đồng thời cáo buộc họ tra tấn và ngược đãi những người bị giam giữ, những cáo buộc mà Al-Jawlani đã phủ nhận.

Sau khi tràn vào Aleppo, các chiến binh của Al-Jawlani đã gõ cửa một số ngôi nhà của người theo đạo Thiên chúa và nói với người dân rằng họ đến đây vì hòa bình, theo giáo sư George Meneshian, một nhà phân tích chính sách đối ngoại người Hy Lạp có thân nhân ở Aleppo.

Bất chấp những lời đảm bảo đó, nhiều người vẫn cảnh giác. Giáo sư cho biết: “Ngay cả khi giới lãnh đạo của HTS nói rằng họ sẽ tôn trọng các nhóm thiểu số, họ cũng không thể kiểm soát được từng chiến binh”.

Thật vậy, sự hiện diện của hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn, chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ HTS - người Chechnya, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Iraq, người Trung Á và người Duy Ngô Nhĩ - là một vấn đề lớn không chỉ ở Syria, mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Al-Jawlani, khi được hỏi trong một cuộc họp với ICG năm 2020 về những chiến binh này, đã nói rằng họ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai bên ngoài Syria.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với chương trình “Frontline” của đài PBS tại Idlib (Syria), Al-Jawlani cũng cho biết ông ta không hối hận khi ăn mừng vụ tấn công ngày 11/9/2001 của Al Qaeda vào nước Mỹ, hay về việc chiến đấu chống lại quân đội Mỹ ở Iraq.

Liệu Al-Jawlani đang chuyển hướng như những gì ông ta thể hiện khi tiến vào Aleppo? Câu trả lời còn phải đợi thời gian, nhưng trước mắt, Al-Jawlani cũng còn một việc quan trọng hơn cần chứng minh: Ông ta và lực lượng phiến quân sẽ phải phải đối mặt các cuộc phản công được dự báo sẽ ngày càng dữ dội từ quân đội chính quyền Syria và những đồng minh.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-linh-phien-quan-syria-vua-chiem-aleppo-la-ai-va-muc-dich-tan-cong-la-gi-post324036.html