Thủ lĩnh tối cao của Taliban đang ở đâu?

Khi Taliban gần như nắm quyền kiểm soát hoàn toàn ở Afghanistan, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về tung tích của Hibatullah Akhundzada - lãnh đạo tối cao của lực lượng này.

Lần cuối cùng thủ lĩnh Taliban ra tuyên bố gửi tới công chúng là từ tháng 5, nhân lễ hội Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan.

Hồi tháng 2, một số tin đồn nói ông Akhundzada thiệt mạng trong một vụ nổ tại Pakistan. Tuy vậy, thông tin này không được xác nhận. Ahmadullah Wasiq, một quan chức cấp cao của Taliban, nói đây là “tin giả, tin đồn vô căn cứ”.

Với việc Taliban đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan, ông Akhundzada được dự đoán sẽ đóng vai trò hàng đầu trong nền chính trị quốc gia này giai đoạn tới. Tuy vậy, nơi ở của ông vẫn là câu hỏi chưa có lời giải, theo Newsweek.

Vị thủ lĩnh tối cao

Ông Akhundzada trở thành lãnh đạo của Taliban năm 2016, sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mohammad Mansour thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ trên lãnh thổ Pakistan ngày 21/5 cùng năm. Ông là người kế vị do đích thân thủ lĩnh Mansour lựa chọn.

Ông là lãnh đạo thứ ba của Taliban. Mullah Omar, lãnh đạo đầu tiên của tổ chức, cũng là người sáng lập Taliban, qua đời năm 2013. Tuy vậy, cái chết của ông chỉ được thông báo năm 2015, khi ông Mansour kế vị.

 Lãnh đạo tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada. Ảnh: BBC.

Lãnh đạo tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada. Ảnh: BBC.

Xuất thân từ tỉnh Kandahar, ông Akhundzada là thành viên của bộ tộc Noorzai - một trong những bộ tộc lớn nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Afghanistan. Tên của ông, Hibatullah (hay còn được phiên âm là Haibatullah) mang ý nghĩa “món quà của bề trên” trong tiếng Arab. Cha ông là một học giả tôn giáo kiêm imam (chức sắc tôn giáo) của nhà thờ Hồi giáo trong làng.

Tiếp bước cha, Akhundzada được coi là một học giả có quan điểm cứng rắn. Ông là nhân vật hàng đầu trong hệ thống tòa án Taliban trước khi trở thành lãnh đạo tổ chức.

Với vai trò này, ông được cho là người ban bố các phán quyết ủng hộ việc xử tử hình nơi công cộng đối với các tội danh như giết người và ngoại tình, cũng như hình phạt chặt tay kẻ trộm.

Dù từng tham gia chiến sự, ông Akhundzada được xem là nhà lãnh đạo tôn giáo hơn là quân sự.

“Với tư cách người đứng đầu Taliban, Akhundzada được biết đến như là ‘lãnh đạo của những người ngoan đạo’, giống như những người tiền nhiệm”, giáo sư Tricia Bacon nói với Newsweek.

“Akhundzada chứng tỏ mình biết cách duy trì sự thống nhất trong Taliban, kể cả trong thời điểm nhạy cảm khi tổ chức này tham gia đàm phán hòa bình hay tấn công quân sự. Ít có khả năng ông tham gia giải quyết công việc hàng ngày của tổ chức. Tuy vậy, ông can dự vào những quyết định lớn, mang tính chiến lược”, giáo sư Bacon nhận định.

 Ông Akhundzada chưa xuất hiện trước công chúng dù Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul. Ảnh: BBC.

Ông Akhundzada chưa xuất hiện trước công chúng dù Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul. Ảnh: BBC.

“Ông được những người ủng hộ kính trọng vì là một học giả tôn giáo, cũng như nắm quyền lãnh đạo trong bộ máy của Taliban và hội đồng shura”, giáo sư Bacon bổ sung.

Nhà lãnh đạo bí mật

Từ khi Taliban tiến vào Kabul, ông Akhundzada vẫn chưa xuất hiện trước công chúng, khác với lãnh đạo bộ phận chính trị Abdul Ghani Baradar.

“Dựa trên những gì chúng ta biết, ông đang ở Afghanistan. Ông không ở Doha cùng ủy ban chính trị hay bị kiềm chế ở Pakistan”, giáo sư Bacon nhận định.

Theo bà, “việc lãnh đạo Taliban ít khi xuất hiện trước công chúng không phải điều bất thường. Họ chỉ thi thoảng xuất hiện trong các sự kiện có tính biểu tượng cao. Tuy vậy, vẫn có những suy đoán cho rằng ông đang ốm hay đã chết”.

Đồng tình với giáo sư Bacon, chuyên gia về Nam Á Michael Kugelman nhận định các lãnh đạo tối cao của Taliban thường cố ý ẩn mình. “Bạn hiếm khi nghe được thông tin về họ”, ông nói.

Giáo sư Bacon nhận định việc che giấu cái chết của ông Akhundzada, giống như cựu thủ lĩnh Omar, sẽ có nguy cơ gây ra sự chia rẽ trong thời điểm quan trọng này. Ngược lại, nếu ông thực sự đã chết, Taliban sẽ có nguy cơ tranh giành quyền lực. “Tôi nghiêng về khả năng ông ta còn sống”, bà nói.

 Khác với ông Akhundzada, lãnh đạo bộ phận chính trị của Taliban Abdul Ghani Baradar được coi là bộ mặt của tổ chức này với cộng đồng quốc tế. Ảnh: Hindustan Times.

Khác với ông Akhundzada, lãnh đạo bộ phận chính trị của Taliban Abdul Ghani Baradar được coi là bộ mặt của tổ chức này với cộng đồng quốc tế. Ảnh: Hindustan Times.

Thậm chí, một số thông tin nói ông Akhundzada đang bị quân đội Pakistan giam giữ. Nội dung này được trang báo Ấn Độ NDTV đăng tải, dẫn lời “một quan chức cấp cao trong chính phủ Ấn Độ”.

Không chỉ có tầm ảnh hưởng bên trong Taliban, ông Akhundzada còn có sự trung thành của nhiều tổ chức khác.

“Al-Qaeda và tất cả chi nhánh của tổ chức này thề trung thành với ông. Với mối quan hệ này, Akhundzada vẫn giữ thái độ lảng tránh, không vồ vập nhưng cũng không bác bỏ. Taliban đang muốn chơi lá bài hai mặt với lực lượng phiến quân nước ngoài”, giáo sư Bacon nói”.

Taliban tuyên bố tổ chức này đang xúc tiến thành lập chính phủ mới. Có lẽ, ngày thủ lĩnh Akhundzada tái xuất không còn xa.

Việt Hà

Theo Newsweek

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-linh-toi-cao-cua-taliban-dang-o-dau-post1253366.html