Thu lợi hàng trăm tỷ đồng trong vụ 'biến đất công thành đất ông'

Sau thời gian củng cố hồ sơ, ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và doanh nghiệp liên quan đến sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP Hồ Chí Minh…

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan CSĐT cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 8 bị can cựu lãnh đạo các doanh nghiệp và khởi tố, cho tại ngoại 1 bị can cùng về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"…

Như Báo CAND đã nhiều lần thông tin về dấu hiệu sai phạm tại dự án thuộc khu cao ốc phức hợp ở số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4 có diện tích đất 6.202 m2. Năm 2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kết luận đây là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do 2 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quản lý là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Dự án cao ốc phức hợp 39-39B Bến Vân Đồn.

Dự án cao ốc phức hợp 39-39B Bến Vân Đồn.

Năm 2009, 2 DNNN trên đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín. Trong đó, Tổng công ty Cao su Đồng Nai góp 72%, Công ty Cao su Bà Rịa góp 28% vốn điều lệ với số vốn gần như không đáng kể, chỉ ở mức vài triệu đồng. Dù vậy, ngày 25/3/2010, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn ra quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư dự án. Năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất này là hơn 186 tỷ đồng.

Kết luận của TTCP đã khẳng định: Việc UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty TNHH Phú Việt Tín, một pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án đối với khu đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Cho rằng khu đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được phê duyệt, TTCP đã đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo quy định.

Báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Kết luận của TTCP, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã khẳng định khu đất có địa chỉ 39-39B Bến Vân Đồn thuộc tài sản công. Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, bản chất của việc giao Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư dự án tại đây là Nhà nước cho phép DNNN được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch, chứ hoàn toàn không phải là việc giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá.

Trong khi đó, lợi dụng tình trạng 2 cổ đông là DNNN chỉ góp mức vốn “tượng trưng” vào Công ty TNHH Phú Việt Tín nên không có khả năng tự thực hiện dự án, một doanh nghiệp tư nhân là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã lần lượt thâu tóm cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín để sở hữu khu đất này và nhanh chóng thu lợi hàng trăm tỷ đồng trong thời gian rất ngắn. Cụ thể, trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh về việc chậm công bố thông tin các nghị quyết HĐQT liên quan đến nội dung nhận, chuyển nhượng dự án vào năm 2015, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thông tin về việc thu được khoản lợi nhuận “khủng” từ vụ thâu tóm doanh nghiệp làm chủ khu đất công có dự án trên.

Việc mua lại cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín bắt đầu vào ngày 14/8/2014, khi HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp vẻn vẹn 5,94 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã có thể nghiễm nhiên chiếm tỷ lệ nắm giữ 99% vốn tại Công ty TNHH Phú Việt Tín. Chưa đến 1 tháng sau, ngày 10/9/2014, HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định nhận chuyển nhượng nốt 0,72% phần vốn góp, tương đương 43,2 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Đồng thời nhận chuyển nhượng 0,28% phần vốn góp, tương đương với 16,8 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa. Đây là số tiền giá trị cổ phần của 2 DNNN tại Công ty TNHH Phú Việt Tín sau khi Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã "bơm" tiền vào để tăng vốn điều lệ.

Sau khi sở hữu toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín, ngày 3/9/2014 HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp, tương đương với 0,5% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với tổng giá trị chuyển nhượng là 3 tỉ đồng. Ngày 14/11/2014, HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tiếp tục quyết định chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho 2 công ty khác. Trong đó chuyển nhượng cho Công ty CP BĐS Thịnh Vượng 76 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương với 40% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 340 tỷ đồng. Chuyển nhượng cho Công ty CP biệt thự Thành phố 102,6 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương với 54% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá chuyển nhượng hơn 459 tỷ đồng.

Dự án trên sau đó đến tay doanh nghiệp BĐS và trở thành cao ốc phức hợp với nhiều căn hộ cao cấp có tên gọi The Tresor có vị trí đắc địa, cách quận 1 chỉ một tuyến kênh Bến Nghé và khoảng 200m nếu đi bằng đường bộ. Do đó, Nhà nước thất thoát lớn từ dự án “biến đất công thành đất ông” trên. Hiện cơ quan CSĐT Bộ Công an đang khẩn trương làm rõ các tổ chức, cá nhân sai phạm để sớm xử lý theo pháp luật.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/thu-loi-hang-tram-ty-dong-trong-vu-bien-dat-cong-thanh-dat-ong-i732322/