Thứ mấy là ngày đầu tuần?

'Thứ Hai là ngày đầu tuần/Bé hứa cố gắng chăm ngoan…'. Lời bài hát đã ăn sâu trong đầu óc biết bao thế hệ, luật 'bất thành văn' rồi còn gì, 'mặc định': Thứ Hai là ngày đầu tuần!

Vậy mà “tự dưng” con trẻ bảo: Thứ Hai không phải ngày đầu tuần!

Ồ, sao lạ thế?

… Tối Chủ nhật hằng tuần, vợ tôi hay nhắc bọn trẻ: Mai thứ Hai, đầu tuần các con nhanh nhẹn ăn sáng, đi học cho bố mẹ còn đi làm sớm, họp hành, giao ban…

Mọi khi chả sao, hôm ấy cậu con trai vừa “tốt nghiệp” lớp 1 “bật” lại mẹ: Mẹ ơi! Thứ Hai không phải đầu tuần đâu!

Vợ tôi bật cười: Thứ Hai không đầu tuần thì thứ mấy mới đầu tuần hả con?

Cậu con “khảng khái”: Chủ nhật mẹ ạ, con được học như thế!

Tôi đang định “thuyết giáo” về các thứ trong tuần thì nhận được cái nháy mắt của vợ. Hiểu ý, chúng tôi tạm lờ đi để tìm hiểu xem sao, chứ con đã nói là được học thì chưa chắc nó đã sai. Cu cậu vốn “tôn sùng” các kiến thức ở sách vở, các điều thầy cô dạy và nhiều khi bố mẹ chưa chắc đã đúng.

Một năm học đáng nhớ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 cuối cùng cũng kết thúc và năm học mới đã đến. Lễ khai giảng được tổ chức vào thứ Bảy. Tối hôm sau, tức tối Chủ nhật, nhìn mấy mẹ con tíu tít chuẩn bị sách vở cho ngày đầu tiên của năm học, tôi chợt nhớ đến “ngày đầu tuần” nên hỏi lại con trai (năm nay lên lớp 2). Cu cậu nhanh nhẹn lấy quyển Toán 1 năm học 2019 - 2020, thành thạo mở phần “Mục lục”, tìm đến phần “Các ngày trong tuần” giở ra cho tôi xem.

Trong sách tuy không nói rõ thứ nào là đầu tuần, thứ nào là cuối tuần nhưng lại có phần lời: Các ngày trong tuần gồm… kèm hình ảnh minh họa. Ở đó, rõ ràng Chủ nhật được xếp đầu tiên và cuối cùng là thứ Bảy.

Thế là thế nào? Thứ Hai có phải ngày đầu tuần không? Nếu phải thì tôi phải giải thích với con thế nào khi sách đã minh họa thế? Nếu không phải thì chẳng lẽ Chủ nhật là đầu tuần thật sao? Và từ trước đến giờ chúng ta toàn nghỉ làm, nghỉ học vào ngày đầu tuần? Và bài hát “Thứ Hai là ngày đầu tuần…” ai cũng hát khi thơ bé phải “update” lại?

Tham khảo qua các tài liệu thì được biết: 2 trong số những nền văn minh sớm nhất từng sử dụng lịch tuần có 7 ngày là người Babylon và người Do Thái nhưng việc đặt tên các ngày trong tuần lại xuất phát từ các nhà chiêm tinh Ai Cập cổ đại (khoảng 15.000 năm trước Công nguyên). Có nước coi Chủ nhật là ngày đầu tuần, có nước coi thứ Hai là ngày đầu tuần.

Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 8601 được đưa ra từ năm 1988, thứ Hai được coi là ngày đầu tiên trong tuần và quy ước quốc tế này đương nhiên được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên khắp thế giới cũng như tại các công ty đa quốc gia.

Trong xã hội hiện đại, thứ Hai lại càng được mặc định là ngày đầu tiên trong tuần bởi rất dễ hiểu, thứ Hai chính là ngày mà người lớn sẽ quay trở lại làm việc và trẻ em sẽ quay trở lại trường học sau dịp cuối tuần nghỉ ngơi…

Cải tiến, cải cách thế nào cũng được, nhưng xin các nhà cải cách, cải tiến, hãy vì những điều thiết thực hơn, đừng phức tạp hóa những vấn đề vốn đã, đang đơn giản và thực sự đã rất hiển nhiên, nhất là những vấn đề trong hệ thống giáo dục và tác động vào đầu óc con trẻ.

Phạm Đức

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/thu-may-la-ngay-dau-tuan-z89n20200913081050727.htm