Không quân nhân dân Việt Nam được Liên Xô viện trợ những chiếc máy bay chiến đấu tiêm kích - bom (cường kích) cánh cụp cánh xòe Su-22 từ giai đoạn cuối thập niên 1980.
Với hình dạng bề ngoài tương đối giống MiG-21, nhiệm vụ của Su-22 là yểm trợ hỏa lực mặt đất cho bộ binh thông qua các loại vũ khí có và không có điều khiển.
Chóp mũi của Su-22 không được trang bị radar mà là hệ thống ngắm bắn quang học Klen-PS hoặc Klen-54 để dẫn đường cho các loại bom, tên lửa dùng đầu dò laser hoặc hình ảnh.
Khi phục vụ trong không quân Việt Nam, cường kích Su-22 còn được giao vai trò mới đó là tạm thời làm tiêm kích phòng không thay thế MiG-21 đã nghỉ hưu hay tham gia tác chiến đối hải.
Mặc dù được đánh giá là một dòng chiến đấu cơ bền bỉ, hiệu quả và khá tiết kiệm nhưng do tuổi đời đã trên 30 năm mà thời hạn ngừng bay của Su-22 ngày càng đến gần.
Trong trường hợp Su-22 chính thức rút vào hậu trường tương tự MiG-21 thì ứng viên nào được đánh giá là khả thi nhất cho việc thay thế? Theo nhận định thì một phương án đáng chú ý chính là Su-34.
Sukhoi Su-34 (NATO gọi bằng tên định danh Fullback) là loại máy bay chiến đấu - ném bom và tấn công tiên tiến của Nga với kết cấu 2 chỗ ngồi, nó được dự định để thay thế loại Sukhoi Su-24 trong không quân Nga.
Chiếc chiến đấu cơ này có cấu trúc cánh, đuôi và động cơ giống với Su-27/ Su-30, nhưng có cánh mũi như Su-30/Su-33 để tăng ổn định trong khi bay và giảm bớt các lực kéo có hại ở mũi.
Oanh tạc cơ Su-34 có một cái mũi hoàn toàn mới ở phía trước thân máy bay với buồng lái dành cho 2 phi công đặt cạnh nhau, điều này khiến nó nhận biệt danh "thú mỏ vịt".
Su-34 sử dụng động cơ của Su-27, nhưng với đầu vào không khí cố định, giới hạn tốc độ tối đa là khoảng Mach 1,8. Những chiếc sản xuất tương lai dự định mang động cơ thay đổi hướng phụt giống như Su-30SM.
Thông số kỹ thuật cơ bản của Su-34 bao gồm chiều dài 22,0 m; sải cánh 14,7 m; cao 5,93 m; trọng lượng cất cánh tối đa 45,1 tấn; tốc độ tối đa Mach 1,8; tầm bay 4.500 km; trần bay 14.000 m; tải trọng vũ khí tối đa 8.000 kg.
Máy bay Su-34 có tất cả 12 giá treo, mang được tất cả những loại vũ khí chính xác cao mới nhất của Nga, trong khi đó vẫn giữ lại pháo 30 mm GSh-30-1 từ Su-27/Su-30.
Hệ thống điện tử hiện nay dựa trên mẫu radar quét mảng pha điện tử thụ động Leninets V004 và hệ thống laser/vô tuyến UOMZ để xác định và dẫn đường chính xác cho vũ khí.
Radar ở mũi được hỗ trợ bằng một radar sau nằm giữa 2 động cơ V005. Su-34 được trang bị thiết bị đối kháng điện tử toàn diện, cùng hệ thống điều khiển bay rất tiên tiến.
Su-34 có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, trên không và trên biển, cơ sở hạ tầng của kẻ thù được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tối tân và nằm ở khoảng cách đáng kể tính từ sân bay.
"Thú mỏ vịt" hoạt động được bất kể ngày đêm, trong điều kiện khí tượng đơn giản hay khó khăn, ngoài ra Su-34 còn có thể đảm nhiệm vai trò tiêm kích trong trường hợp cần thiết.
Su-34 rõ ràng được xem như phương án tốt nhất để thay thế Su-22 trong tương lai, tuy nhiên nhược điểm của dòng chiến đấu cơ này đó là giá thành khá cao, cho nên khó trang bị với số lượng lớn mà cần một chủng loại rẻ hơn đi kèm.
Bạch Dương