Thu mua lúa tại chân ruộng Hà Tĩnh, cả 2 cùng có lợi

Bên cạnh được mùa vụ hè thu 2020, bà con nông dân Hà Tĩnh không còn phải lo 'canh trời phơi lúa' mà được doanh nghiệp bao tiêu tận chân ruộng.

Lúa được nông dân xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà tập kết từng bao đầu bờ ruộng

Vụ hè thu 2020, gia đình bà Phan Thị Diệu ở thôn Phú Quý, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà làm 4 sào ruộng. Nhờ chủ động nguồn nước, phương pháp canh tác phù hợp, giống lúa chất lượng cao, đặc biệt không có sâu bệnh nên năng suất lúa đạt 2,5 tạ/sào.

Nông dân Quang Lộc tập kết lúa tươi bên đường lớn, chờ xe thương lái đến “gom hàng”

Điều vui mừng nhất của bà Diệu cũng như người dân trong xã là khi lúa vừa chín đã có thương lái đến đặt vấn đề bao tiêu ngay tại ruộng. Người dân không còn cảnh vất vả chở lúa về nhà, vừa “đón nắng” phơi lúa, vừa lo “chạy mưa”

“Tôi thấy làm ruộng bây giờ khá nhàn. Từ khâu làm đất đến thu hoạch đều có máy móc. Đặc biệt, vụ hè thu, khâu thu hoạch cũng không lo phơi phong cất trữ lúa như trước đây vì đã có thương lái về mua lúa tươi tận ruộng. Nông dân không còn phải lo "canh trời phơi lúa” - bà Diệu cho hay.

Xe tải lớn về tận ruộng thu mua lúa tươi cho nông dân

Những ngày này trên các vựa lúa Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên… cùng với không khi nhộn nhịp, khẩn trương ra đồng thu hoạch là từng đoàn xe tải, xe đầu kéo của thương lái ghé tận bờ ruộng chờ “ăn hàng”.

Giá lúa tươi (nếp 98, 87) đầu vụ được thương lái thu mua từ 5.500 - 5.600 đồng/kg, đến giữa vụ xuống 4.900 - 5.000 đồng/kg; lúa Khang Dân có giá 5.600 đồng/kg. Theo nhiều người dân, năm nay được mùa, nhưng giá lúa vẫn khá ổn định, đảm bảo sản xuất có lãi.

HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Thống (Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên) mua lúa tươi và sấy khô trước khi xuất ra thị trường

Bà Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Thống (Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên) cho biết, từ đầu vụ gặt đến nay, HTX Tân Thống đã thu mua khoảng 300 tấn lúa tươi cho bà con các xã vùng thượng Can Lộc. Nhằm giảm chi phí vận chuyển, HTX đã thuê lò sấy của HTX Nông sản An Thịnh (xã Phú Lộc) để sấy lúa và bán lúa khô cho các đối tác phía Bắc.

Trong điều kiện đối tác chưa nhận hàng thì HTX vẫn đảm bảo nhập lúa tươi cho bà con nông dân để sấy khô và tiêu thụ dần.

Lúa được thương lái thu mua và thanh toán tiền mặt ngay tại ruộng

Ông Bùi Huy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, bên cạnh chỉ đạo thu hoạch lúa kịp tiến độ, huyện cũng luôn tạo điều kiện và chủ động kết nối các doanh nghiệp về địa phương thu mua lúa với giá đảm bảo cho bà con nông dân. Đến thời điểm này, Can Lộc đã thu hoạch được hơn 50% diện tích. Mặc dù giá lúa không được cao như năm trước nhưng cũng đảm bảo sản xuất có lãi, đặc biệt là tiêu thụ hết 100%.

Công nhân Công ty KC Hà Tĩnh đảo sấy lúa tươi tại nhà máy

Là doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo lớn nhất tỉnh, đây là năm thứ 2 Công ty KC Hà Tĩnh thực hiện quy trình khép kín, từ cung cấp giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân Hà Tĩnh. Đến nay, công ty đã có vùng nguyên liệu 700 ha trên toàn tỉnh. Theo kế hoạch, vụ hè thu 2020, Công ty KC Hà Tĩnh sẽ bao tiêu khoảng 2.500 tấn lúa tươi.

“Việc bao tiêu sản phẩm lúa tươi không chỉ giúp bà con nông dân bớt được một công đoạn phơi phong, giảm chi phí thu hoạch mà doanh nghiệp cũng chủ động trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu đối tác cũng như thị trường” - ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc KC Hà Tĩnh cho biết.

HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Thống thuê lò sấy của HTX Nông sản An Thịnh để sấy lúa trước khi bán tiếp cho các cơ sở sản xuất, chế biến gạo

Vụ hè thu 2020, nông dân Hà Tĩnh trong niềm vui được mùa còn được thương lái bao tiêu sản phẩm tận ruộng. Đây là hiệu quả rõ nét trong việc liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Bởi, việc liên kết bảo đảm được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến; còn người nông dân có thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế ổn định, yên tâm sản xuất.

Thanh Hoài – Lê Tuấn

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/thu-mua-lua-tai-chan-ruong-ha-tinh-ca-2-cung-co-loi/198055.htm