Thu này ở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ
Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ (Nghĩa Hành) từng in dấu chân các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh... những người đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam Trung Bộ trong những năm 1946 - 1949.
Khu Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ nằm bên tả ngạn sông Phước Giang, thuộc tổ dân phố Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Trong những ngày thu lịch sử này, đường về khu di tích rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Người dân hân hoan đón chào kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.
Ký ức mùa thu lịch sử
Cụ Phạm Đức (91 tuổi), có nhà gần Khu lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, kể: “Lớp già chúng tôi nhớ mãi những ngày thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 14.8 năm đó, sau khi được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát lệnh khởi nghĩa, ở huyện Nghĩa Hành cờ đỏ sao vàng tung bay trên những cây đa đầu làng. Rồi du kích Ba Tơ từ trên núi Lớn (thuộc xã Hành Tín Đông ngày nay) cộng với các lực lượng khởi nghĩa tổ chức míttinh nghe tuyên bố đánh đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, tiến hành xây dựng chính quyền cách mạng, người dân ai nấy đều mừng vui, vì thoát khỏi đêm trường nô lệ. Nhưng rồi, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Nam Bộ, cuộc kháng chiến chống Pháp lại bắt đầu.
Di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành).
Cuối năm 1946, huyện Nghĩa Hành trở thành “thủ đô kháng chiến” của Nam Trung Bộ, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã về nơi này trực tiếp chỉ đạo kháng chiến.
Cụ Phạm Đức hồi đó làm công tác đoàn. Nên nhớ rất rõ về những ngày thu lịch sử. Cụ Đức cho biết: “Lúc đó, đường sá gồ ghề, xe cộ không có nhiều như bây giờ. Nhưng nghe tin có lãnh đạo trung ương về, nhân dân địa phương mặc đồ vải, chân đất đứng đông nghịt hai bên đường từ xã Hành Thuận đến thị trấn Chợ Chùa phất cờ, vui mừng chào đón”.
Lãnh đạo cấp cao khi ấy chính là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Phạm Văn Đồng - người đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Lãnh đạo địa phương chọn nhà các ông Nguyễn Tương, Nguyễn Nhượng và Ngô Đồng làm nơi ở, nơi làm việc của Ủy ban Kháng chiến hành chính, nơi làm việc của Hội Liên Việt, cũng là nơi ở của cụ Huỳnh Thúc Kháng, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh. Tại khu vực này còn có Kho bạc tín phiếu của Liên khu 5.
Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ gian khổ, nên trong trụ sở Ủy ban hành chính, các vị lãnh đạo cao cấp khá bận rộn. Đêm đêm, đèn dầu sáng đến tận khuya.
Điểm hẹn về nguồn
Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ (Nghĩa Hành) bây giờ là điểm đến cho những cuộc về nguồn của các đơn vị, đoàn thể trong cả nước. Đến Khu di tích, du khách được ngắm khu vườn bình yên rợp bóng cau. Ngôi nhà xưa mái tranh thấp bé. Phía bên trong có bàn thờ cụ Huỳnh. Một bộ trường kỷ nhỏ, một chiếc tủ với chiếc áo dài truyền thống giản dị, chiếc khăn đóng mà cụ Huỳnh thường mặc trong những ngày diễn ra những sự kiện quan trọng lúc bấy giờ. Ở phía đông trụ sở có hầm trú ẩn phòng khi máy bay địch ném bom.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Ủy ban Kháng chiến hành chính đơn sơ này đã có nhiều chỉ thị được ban hành cho các tỉnh miền Nam Trung Bộ, các đơn vị vũ trang kiên cường kháng chiến, động viên được sức mạnh của toàn dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Qua đó, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, với kết thúc là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Con đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ về khu di tích nằm bên sông Phước Giang bây giờ được bê tông thẳng tắp. Tuy vậy, ngành VH-TT&DL và huyện Nghĩa Hành cần quan tâm hơn trong việc tu sửa di tích để đáp ứng cho việc tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ...