Thu ngân sách 10 tháng đạt 75,2% dự toán
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 26/10/2020, thu ngân sách tháng 10 ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng thu đạt 1.137,3 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Khó khăn chồng chất khi các khoản thu đều giảm
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu nội địa trong tháng 10 ước đạt 135,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 45 nghìn tỷ đồng (+49,5%) so với số thu tháng 9, chủ yếu do tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp kê khai, nộp các khoản thuế chế độ cho phép được thu theo quý (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý III/2020 chuyển nộp trong quý IV/2020...). Đồng thời, thực hiện thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong kỳ, tiếp tục thực hiện gia hạn khoảng 8 nghìn tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ.
Trong tháng 10, thu từ dầu thô ước đạt 2 nghìn tỷ đồng, giảm 130 tỷ đồng (giảm 6,1%) so với tháng 9. Giá dầu thô thế giới trong tháng 10 chưa có dấu hiệu phục hồi (giá dầu Brent hiện dao động ở mức 42 - 44 USD/thùng); giá dầu thanh toán bình quân trong tháng của Việt Nam đạt khoảng 42,5 USD/thùng, thấp hơn 17,5 USD/thùng so với giá dự toán.
Cũng trong tháng này, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt xấp xỉ 13,1 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở: tổng số thu thuế đạt gần 22,1 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 9 nghìn tỷ đồng.
Nhìn vào số liệu thu 10 tháng của năm, thấy khó khăn còn chồng chất khi các khoản thu đều giảm. Lũy kế thực hiện 10 tháng, tổng thu NSNN đạt 1.137,3 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán. Nếu tính cả số thuế và tiền thuê đất còn đang trong thời gian được gia hạn theo quy định của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP (43,6 nghìn tỷ đồng), thu NSNN 10 tháng ước đạt 78,1% dự toán, vẫn giảm 6,8% so cùng kỳ năm 2019.
Trong đó: Thu nội địa 10 tháng ước đạt 959,2 nghìn tỷ đồng, bằng 75,9% dự toán, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thu về từ dầu thô 10 tháng ước đạt 29,65 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2% dự toán, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, bằng 71% dự toán, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm là do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm, như: xăng dầu các loại giảm 45,4%, ô tô nguyên chiếc giảm 34%, sắt thép các loại giảm 17%... đã tác động làm giảm thu ngân sách.
Địa phương trọng điểm thu nội địa đạt thấp
Cũng theo Bộ Tài chính, tình hình kinh tế trong 10 tháng qua chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, kết hợp với việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến số thu NSNN.
Kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến số thu ngân sách
Theo Bộ Tài chính, tình hình kinh tế trong 10 tháng đầu năm chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, kết hợp với việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến số thu NSNN. Đáng chú ý, trong tổng thu nội địa giảm, ước tính 36/63 địa phương bị giảm thu (không kể tiền sử dụng đất thì có tới 47 địa phương bị giảm thu) so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong tổng thu nội địa giảm, ước tính 36/63 địa phương bị giảm thu (không kể tiền sử dụng đất thì có tới 47 địa phương bị giảm thu) so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm thu tập trung ở các khoản thuế giá trị gia tăng (đạt 67,2 % dự toán, giảm 10,4% so cùng kỳ), thuế thu nhập doanh nghiệp (đạt 71,6 % dự toán, giảm 9,2%), thuế tiêu thụ đặc biệt (đạt 60,7% dự toán, giảm 17,8%), lệ phí trước bạ (đạt 62,4% dự toán, giảm 18,5%), thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,4% dự toán, giảm 2,1%)...
Có 5/12 khoản thu đạt tiến độ dự toán (đạt trên 83%), phần lớn là các khoản thu nhỏ; 7 khoản thu còn lại, bao gồm cả thu từ 3 khu vực kinh tế không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 10, cả nước có 35/63 địa phương thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 83%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (không kể thu tiền sử dụng đất, có 14/63 địa phương thu đạt trên 83% dự toán).
Tuy nhiên, còn nhiều địa phương, trong đó bao gồm cả các địa phương trọng điểm thu, có tiến độ thu nội địa đạt thấp (như: Hà Nội đạt 70,1% dự toán, TP. Hồ Chí Minh đạt 64,8% dự toán, Vĩnh Phúc đạt 60,8% dự toán, Hải Phòng đạt 63,2% dự toán, Quảng Ngãi đạt 58,6% dự toán, Khánh Hòa đạt 58,8% dự toán, Đà Nẵng đạt 56,4% dự toán, Quảng Nam đạt 45,4% dự toán); 27/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.
Tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; chú trọng công tác thanh kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Trong điều hành chi, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao; cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết…