Thu ngân sách của hải quan tiếp tục đối diện nhiều thách thức

Số thu ngân sách nhà nước do ngành Hải quan quản lý tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm sau tháng thứ 4 của năm 2023 trôi qua. Điều này đã được nhận định và dự báo bởi một số nguyên nhân đến từ khách quan. Các đơn vị hải quan trên cả nước vẫn đang triển khai các giải pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó gia tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm thu

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) do ngành Hải quan quản lý từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/4/2023 đạt 122.886 tỷ đồng, bằng 28,91% dự toán được giao, giảm 17,98% (so với cùng kỳ năm trước).

Nguyên nhân của việc số thu giảm được ngành Hải quan nhận định trước tiên là do tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm tới 18,2%, chỉ đạt 40,38 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 38,07 tỷ USD, giảm 17,9% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 2,30 tỷ USD, giảm 22,3%.

Các mặt hàng trọng điểm cũng có xu hướng tương tự. Cụ thể, nhóm các mặt hàng nhập khập nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… đạt 13 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm 29,6%, làm giảm thu ngân sách khoảng 13.100 tỷ đồng. Nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 2,53 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng, giảm 19,5% về trị giá làm giảm thu khoảng 2.600 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện hoàn thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô (theo điều 7a, 7b Nghị định 101/2021/NĐ-CP) khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Công chức Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang (Cục Hải quan Bắc Ninh) hỗ trợ giải đáp thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thái

Công chức Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang (Cục Hải quan Bắc Ninh) hỗ trợ giải đáp thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thái

Một yếu tố khác tác động đến số thu ngân sách nhà nước là việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành 17 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi để thực hiện 17 FTA trong giai đoạn 2022 - 2027. Như vậy, ngay trong năm 2023, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao đã bị cắt giảm thuế và sẽ còn giảm sâu hơn trong các năm sau.

Ghi nhận ở địa phương, dự toán thu của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm chiếm 87% dự toán thu của toàn ngành cũng giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 108.612 tỷ đồng, bằng 29,17% dự toán được giao.

Hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có số thu lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/4 giảm so với cùng kỳ năm 2022, như: Cục Hải quan TP. Hà Nội giảm 18,53%; Cục Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu giảm 27,66%; Cục Hải quan Đồng Nai giảm 32,87%; Cục Hải quan Bình Dương giảm 30,62%; Cục Hải quan Bắc Ninh giảm 23,7%; Cục Hải quan Hà Tĩnh giảm 28,98%,...

Tạo thuận lợi tối đa

Xác định rõ những yếu tố tác động đến kết quả thu, ngành Hải quan đã quán triệt các đơn vị trong toàn ngành theo dõi, đánh giá tình hình thu ngân sách hàng tháng; rà soát nắm vững nguồn thu, nhất là các đơn vị phát sinh các dự án lớn.

Toàn ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa; đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan cũng đặt ra 4 giải pháp chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra…

Nhiều ngành hàng nhập khẩu chủ lực có dấu hiệu giảm mạnh

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, từ những tháng cuối năm 2022, nhiều ngành hàng nhập khẩu chủ lực, nhất là nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu đều giảm mạnh, không có đơn hàng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...

Các đơn vị tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể trong chống thất thu về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hóa. Trong đó, đối với hàng hóa nhập khẩu có điều kiện về đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, hàng có thuế suất cao, hàng dễ nhầm lẫn về mã HS, hàng hóa thuộc các đối tượng được hưởng ưu đãi thuế... các đơn vị cần tăng cường sử dụng máy soi, chiếu để phát hiện bước đầu các nghi vấn; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý hàng bách hóa nhập khẩu theo đúng chỉ đạo về nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan.

Ngoài ra, để đạt hiệu quả tối đa trong công tác chống thất thu về trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, toàn ngành cũng sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để tăng cường công tác quản lý trị giá hải quan cả trong thông quan và sau thông quan; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai trị giá hải quan bất hợp lý để gian lận, trốn thuế.

Chống thất thu về phân loại hàng hóa, áp dụng mã số và mức thuế cũng được cơ quan hải quan đề ra bằng các nhiệm vụ cụ thể, như thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp cùng một mặt hàng nhưng kết quả phân tích, phân loại không thống nhất trong phạm vi chi cục, cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm định hải quan. Hay giải pháp tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ…, kiểm soát chặt chẽ công tác miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế.../.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-cua-hai-quan-tiep-tuc-doi-dien-nhieu-thach-thuc-127469-127469.html