Thu ngân sách vượt tiến độ dự toán nhưng không chủ quan
Chiều ngày 3/6/2024, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 5 năm 2024, kế hoạch triển khai nhiệm vụ chương trình công tác tháng 6 năm 2024 của Bộ Tài chính. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì hội nghị.
Thu ngân sách 5 tháng bằng 52,8% dự toán
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023 (ngân sách trung ương ước đạt 56,5% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 49,1% dự toán).
Báo cáo nhanh tại hội nghị, ông Mai Xuân Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết tổng thu nội địa ước đạt 757,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán, tăng 16,8% (so cùng kỳ năm 2023).
Thu dầu thô uớc đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, giảm 5,5%. Giá dầu thanh toán bình quân 5 tháng đạt khoảng 88 USD/thùng (tăng 18 USD/thùng so giá dự toán, xấp xỉ giá bình quân cùng kỳ năm 2023); sản lượng dầu thô thanh toán đạt khoảng 3,4 triệu tấn, bằng 41% kế hoạch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đánh giá, mặc dù có số thu đạt cao nhưng qua theo dõi diễn biến tốc độ thu từ tháng 1 đến tháng 5 thì có dấu hiệu giảm. Điều này phản ánh những khó khăn nhất định của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, trong tháng 5, loại trừ các yếu tố thuế, phí thì số thu ngân sách do ngành Thuế quản lý chỉ bằng 97% so với cùng kỳ. Đối với số thu từ khu vực ngoài quốc doanh, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, mặc dù có tăng trưởng thu (tăng 19,9%) nhưng so với số thu chung 5 tháng thì thấp hơn, nếu trừ đi tác động từ chính sách thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, so với năm 2023 thì mức thu còn thấp hơn. Như vậy ngoài yếu tố giá, lạm phát, tỷ giá… số liệu thu ngoài quốc doanh là hết sức khó khăn.
Theo ông Lưu Mạnh Tưởng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết trong tháng 5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 65 tỷ USD, tăng 6,5%, tương đương với 3,9% tháng trước. Đặc biệt đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 5/2022 Việt Nam nhập siêu 455 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt 303 tỷ USD, tăng 16,3%.
Từ tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 và 5 tháng, số thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 5/2024 đạt 38.990 tỷ đồng và tăng 11,3 % so với tháng 4.
Việc tăng số thu là do nguyên nhân kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 5, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu tăng 9,1%, trong đó kim ngạch nhập khẩu tăng này thì kim ngạch của các mặt hàng chịu thuế tăng, dẫn đến số thu tăng.
Cũng theo ông Lưu Mạnh Tưởng, tổng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 116,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán, tăng 7,8%, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 164,7 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán, tăng 6,8%; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 48,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán.
"Việc tăng này là theo chu kỳ hàng năm. Theo đó, tháng 4 tháng 5 thường là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng dẫn tới số thu tăng, đến tháng 6 và 7 thì bắt đầu chững lại và đến tháng 8 và 9 thì giảm và sau đó đến cuối năm lại tăng. Đấy là xu hướng chung" - ông Tưởng đánh giá.
Đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đã có chỉ đạo cụ thể về các lĩnh vực phụ trách, bao gồm: Tổng cục Dự trữ Nhà nước, công tác quản lý giá, thị trường, công tác quản lý công sản, thị trường bảo hiểm, quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá, thời gian qua, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đều hết sức cố gắng và nỗ lực, thực hiện nhiệm vụ chủ động và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trong bộ khi triển khai nhiệm vụ trong 5 tháng qua.
Đối với nhiệm vụ trong tháng 6/2024, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị, các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao.
Trong đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động và có trách nhiệm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn, nhất là những văn bản bắt buộc phải có như văn bản hướng dẫn luật giá, văn bản liên quan đến chính sách tài khóa theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần lưu ý tới các văn bản quy phạm pháp luật về quy trình tổ chức, quá trình xây dựng nội dung, đảm bảo tuân thủ quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt hiệu quả" - Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Đề cập tới nhiệm vụ thu, chi NSNN, Thứ trưởng cho rằng, mặc dù 5 tháng đã thu ngân sách trên 50% dự toán, nhưng không được chủ quan, vì kinh tế vẫn có tín hiệu chưa hẳn là tốt. Do vậy cần tiếp tục quan tâm hơn tới nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại 6 tháng cuối năm.
Các cơ quan thuế, hải quan, tài chính ngân hàng, bảo hiểm,… cần quan tâm tới nhiệm vụ thu ngân sách, đảm bảo chắc chắn là thu được, thu đủ, thu vượt dự toán, Thứ trưởng phát biểu.
Thứ trưởng lưu ý, cần tăng cường công tác thanh tra cả thu và chi. Tổng cục Thuế, Hải quan, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; cần thiết trường hợp nào thì bổ sung. Đây là một trong những nhiệm vụ mà nhiều năm nay chúng ta rất thấm thía, nếu nơi lỏng sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ.
Đề cập tới hoạt động của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi giám sát thị trường chặt chẽ, đảm bảo ổn định, bao gồm chứng khoán, bảo hiểm, kế toán kiểm toán, thẩm định giá…
Thứ trưởng mong rằng, các đơn vị chủ động, sáng tạo, đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường phát trỉen, minh bạch và giữ vững kỷ cương, kỷ luật của thị trường.