Thử nghiệm miếng dán vắc xin ngừa COVID-19 cho kết quả ấn tượng

Hexapro là loại vắc xin sử dụng miếng dán mà không dùng phương pháp tiêm. Nguồn: Đại học Queensland

* COVID-19: Vắc xin KoviVac của Nga đạt hiệu quả phòng bệnh tới 80%

Ngày 2/6, Công ty Vaxxas của Úc thông báo cuộc thử nghiệm đối với vắc xin ngừa COVID-19 Hexapro của Đại học Texas (Mỹ) đã cho thấy những kết quả tích cực.

Hexapro là loại vắc xin sử dụng miếng dán mà không dùng phương pháp tiêm.

TS David Muller tại trường Đại học Queensland - phụ trách các cuộc thử nghiệm lâm sàng, cho biết các thử nghiệm sử dụng miếng dán vắc xin Hexapro trên chuột đang cho kết quả ấn tượng, thậm chí còn tốt hơn so với kết quả sử dụng một loại vắc xin dạng tiêm.

Cụ thể, kết quả thử nghiệm cho thấy đã xuất hiện phản ứng trung hòa kháng thể đối với COVID-19 với chỉ một liều duy nhất. Miếng dán có hàng nghìn "vi tiêm" (microprojections) hoặc kim nhỏ trên bề mặt chứa vắc xin Hexapro.

TS Muller khẳng định những miếng dán này khi đặt lên da sẽ giúp tạo ra phản ứng miễn dịch ngay lập tức và mạnh hơn nhiều so với phương pháp tiêm thông thường.

Lý giải về điều này, ông Muller cho rằng cơ thể có thể sản sinh phản ứng với hỗn hợp các tín hiệu tổn thương dù là rất nhỏ và tín hiệu miễn dịch, đồng thời sự tác động cùng lúc ở nhiều điểm trên da sẽ thu hút nhiều tế bào miễn dịch, qua đó giúp cơ thể tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Không giống như kim tiêm, miếng dán không gây tổn thương và vì chỉ sử dụng một lần nên không có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Trong khi đó, Hexapro là loại vắc xin tương đối ổn định, vì vậy các miếng dán chứa vắc xin có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Kết quả thử nghiệm cho thấy miếng dán vắc xin này có thể duy trì ổn định trong ít nhất 30 ngày ở nhiệt độ 25 độ C và 1 tuần ở 40 độ C.

GS Robert Booy, Giám đốc Y tế của Vaxxas đồng thời là chuyên gia về vắc xin và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, cho biết công ty đang làm việc để đảm bảo tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng đối với việc sử dụng miếng dán vắc xin vi kim.

Mặc dù đây không phải là phương pháp và loại vắc xin ưu tiên trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nhưng những thử nghiệm này có thể cực kỳ hữu ích trong việc ứng phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai.

Bên cạnh đó, phương pháp tiếp nhận vắc xin thông qua miếng dán có thể giúp tạo điều kiện tiếp cận đến các khu vực rừng, núi hoặc quần đảo xa xôi của bất kỳ quốc gia nào ở châu Á hoặc châu Phi khi mà các vắc xin hiện tại đang được sử dụng gặp khó khăn trong việc bảo quản để có thể đưa đến những khu vực này.

Việc sử dụng miếng dán vắc xin đã từng được Vaxxas thử nghiệm trước đây để triển khai tiêm phòng cúm, bại liệt và sởi.

* Ngày 2/6, Trung tâm Chumakov của Nga cho biết vắc xin KoviVac - loại vắc xin ngừa COVID-19 thứ ba của Nga, đạt hiệu quả phòng bệnh tới hơn 80%. Cũng theo thông báo, năng lực sản xuất vắc xin KoviVac của Trung tâm Chumakov cao hơn gấp 6 lần so với kế hoạch sản xuất 10 triệu liều vắc xin công bố trước đó.

Trước đó, ngày 25/3, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga thông báo Trung tâm Chumakov đã chính thức sản xuất vắc xin KoviVac dù chế phẩm này vẫn trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3. Vắc xin KoviVac được bào chế ở dạng dung dịch để tiêm bắp.

Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Chumakov, mức độ kháng thể ở các tình nguyện viên sau khi tiêm KoviVac được đánh giá tốt. Trung tâm dự kiến sẽ nộp hồ sơ đăng ký lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào mùa thu năm nay.

KoviVac vừa được cấp phép vào tháng 2/2021, trở thành vắc xin ngừa COVID-19 thứ ba của Nga được "bật đèn xanh" và sẽ được chuyển đến các vùng lãnh thổ của Nga trong thời gian tới. Trước đó, Nga đã có hai loại vắc xin được lưu hành là Sputnik-V và EpiVacCorona.

Ngày 2/6, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết sẽ giảm 50% liều lượng của mỗi liều vắc xin ngừa COVID-19, từ 100 microgram xuống còn 50 microgram trong phiên bản mới, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho trẻ nhỏ cũng như ứng phó với một số biến thể mới đang lây lan hiện nay.

Moderna vừa đạt được thỏa thuận hợp tác với nhà sản xuất Lonza có trụ sở tại Thụy Sĩ. Theo Lonza, một dây chuyền sản xuất mới của hãng này tại Geleen (Hà Lan) có năng lực sản xuất lên tới 300 triệu liều vắc xin loại 50 microgram mỗi năm.

Như vậy, cùng với thỏa thuận trước đó giữa Moderna và hãng dược Rovi của Tây Ban Nha, sản lượng vắc xin liều lượng 50 microgram có thể đạt tới 600 triệu liều mỗi năm. Việc giảm liều lượng vắc xin được cho sẽ giúp Moderna đa dạng hóa các sản phẩm vắc xin của mình trên thị trường.

Theo Moderna, phiên bản vắc xin liều thấp này sẽ giúp chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành hiện nay và phục vụ việc tiêm chủng cho trẻ em vốn không cần thiết sử dụng vắc xin liều cao. Moderna đặt mục tiêu cung cấp lên đến 3 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 vào năm 2022 và tăng từ 800 triệu lên 1 tỉ liều trong năm nay.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/256412/thu-nghiem-mieng-dan-vac-xin-ngua-covid-19-cho-ket-qua-an-tuong.html