Thử nghiệm mô hình giúp trẻ yếu thế phát triển toàn diện

Sáng kiến mô hình 'Đồng hành giáo dục' là câu trả lời cho những trăn trở của Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn (gọi tắt là Cơ sở Thảo Đàn) qua cuộc khảo sát đánh giá tình hình trẻ em yếu thế có xu hướng 'nghèo đa chiều' về kinh tế, tinh thần lẫn các dịch vụ cung cấp thiết yếu sau đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Với mục tiêu huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng nhằm hỗ trợ đa dịch vụ, giúp trẻ yếu thế phát triển toàn diện thông qua con đường giáo dục, từ năm 2023, Cơ sở Thảo Đàn đã khởi động mô hình “Đồng hành giáo dục” bằng cách triển khai song song 5 chương trình tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của trẻ: Học cùng em; Kỹ năng sống và trải nghiệm; Tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe; Hướng nghiệp và việc làm; Tiếp sức đến trường.

Theo anh Dương Văn Tính, chuyên viên truyền thông của Cơ sở Thảo Đàn, trong các chương trình kể trên thì “Học cùng em” là chương trình cốt lõi. Sau gần hai năm triển khai, chương trình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, từng bước hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xóa dần khoảng cách về tiếp cận giáo dục bình đẳng đối với các trẻ em bình thường khác. Các lớp học văn hóa được tổ chức dựa vào nhu cầu học tập của các em từ tiểu học đến THPT với hai mô hình, học kèm 1-1 với gia sư và học nhóm với giáo viên, trợ giảng thông qua các phương pháp mở, khai phóng. Đồng thời, Cơ sở Thảo Đàn cũng định hướng lộ trình học tập, truyền cảm hứng và động lực cho nhóm trẻ em học tại các lớp phổ cập, tình thương nắm bắt kiến thức một cách hệ thống.

Hướng dẫn các bước cho học sinh tự sản xuất một bản nhạc tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn.

Hướng dẫn các bước cho học sinh tự sản xuất một bản nhạc tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn.

Chia sẻ về việc triển khai Chương trình “Học cùng em”, Bà Lê Thị Ngân, Giám đốc Cơ sở Thảo Đàn cho biết: Mô hình đồng hành giáo dục xoay quanh 5 chương trình trọng yếu có thể giúp 1 trẻ em phát triển toàn diện bản thân, gia tăng nội lực; đồng thời, Cơ sở Thảo Đàn kiên định với định hướng kiến tạo hệ sinh thái thiện nguyện đa dạng nguồn dịch vụ chất lượng, ứng dụng phương pháp công tác xã hội hỗ trợ đúng nhu cầu. Từ đó, trẻ em cần được giúp đỡ sẽ nhìn ra những giá trị của bản thân và phát huy. Điều khó khăn nhất trong Chương trình "Học cùng em" là tìm được những giáo viên, tình nguyện viên ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn có thể hiểu và đồng hành với nhân viên xã hội để nâng đỡ tinh thần cho các em vượt qua nghịch cảnh, theo đuổi con đường học tập bền vững nhất.

Theo báo cáo đánh giá kết quả học tập của Cơ sở Thảo Đàn (từ tháng 10-2023 đến tháng 5-2024), tổng số trẻ em theo học là 43 em; 27 giáo viên, tình nguyện viên tham gia giảng dạy; tổng số 1.295 giờ dạy; tỷ lệ trẻ em được lên lớp đạt 95%; tỷ lệ trẻ em có tiến bộ so với năm học trước đạt 98%; 100% trẻ em tham gia Chương trình “Học cùng em” sẽ được ưu tiên cung cấp các dịch vụ bổ trợ đi kèm. Bên cạnh các dịch vụ hỗ trợ học tập, Cơ sở Thảo Đàn còn xây dựng, tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, như: Sinh hoạt ngoại khóa; Câu lạc bộ Tiếng Anh có sự hướng dẫn trực tiếp của tình nguyện viên nước ngoài; các buổi tọa đàm về giới tính, bình đẳng giới; chuỗi hoạt động thử nghiệm sản xuất âm nhạc, tìm hiểu văn hóa-lịch sử Việt Nam, sáng tác thơ...

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện có rất nhiều nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện tự phát tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ em yếm thế, nhưng chưa có sự cam kết lâu dài. Theo Cơ sở Thảo Đàn, cần lập kế hoạch cụ thể về nguồn nhân lực, vật lực và các bên liên quan chứ không chỉ tập trung vào trẻ, từ đó mới tạo được sự bền vững. “Để dưỡng dục một đứa trẻ nên người là trách nhiệm của cả cộng đồng, bao gồm 5 chủ thể then chốt trong giáo dục là: Nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. 2 chủ thể chính trong đó là trẻ và gia đình đã có những trục trặc, các chủ thể còn lại càng phải phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của mình một cách đồng bộ và đúng phương pháp thì hiệu quả giáo dục mới được nâng lên”, bà Lê Thị Ngân chia sẻ thêm.

Chương trình “Học cùng em” năm học 2024-2025 đã chính thức khởi động với số lượng học sinh đăng ký tham gia là 40 em. Hiện tại, số lượng học sinh đăng ký vẫn tiếp tục tăng. Theo lộ trình thực hiện của Cơ sở Thảo Đàn, năm học này cũng là năm để đánh giá, đo lường tính hiệu quả và những tác động của Chương trình “Học cùng em” đối với nhóm thụ hưởng, sau đó mới nhân rộng mô hình tới địa bàn rộng hơn.

Bài và ảnh: KIỀU OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thu-nghiem-mo-hinh-giup-tre-yeu-the-phat-trien-toan-dien-803307