Thứ người buôn không dám bán đắt, người mua không dám mặc cả ngày mùng 1 Tết

Ngay từ sáng mồng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa.

Việc mua muối đầu năm của mỗi gia đình thường bắt đầu trong buổi sớm mồng 1 Tết. Chính vì thế, ngay từ sáng mồng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa. Hầu hết mọi người đều háo hức mua một vài đồng muối lấy may cho cả năm, và không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ.

Nhiều gia đình vẫn có thói quen mua muối ngày đầu năm

Nhiều gia đình vẫn có thói quen mua muối ngày đầu năm

"Ai mua muối không?" là tiếng rao quen thuộc của người dân Hà Nội vào mỗi sáng mùng 1 Tết.

Bà Lê Thị Thao (Hà Đông, Hà Nội) đã có hơn 10 năm gắn bó với công việc bán muối trong ngày mùng 1 Tết. Với bà, bán muối trong ngày đầu năm là công việc mang lại nhiều niềm vui. Cả người bán, người mua đều vui vẻ bởi theo họ, muối sẽ mang lại sự may mắn trong năm mới.

Bà Thao tâm sự: "Muối được tôi mua buôn từ trước tết. Đến sáng 6 giờ sáng, thúng muối nặng gần 1 tạ được tôi chở đi rao khắp các ngõ ngách ở Hà Nội. Mỗi nhà thường mua 1 bát, đưa tiền chẵn, tôi đong thật đầy bát. Không ai mặc cả mà cũng chả ai trả giá. Tôi bán đến gần trưa là hết muối. Không khí mua bán rất thân tình."

Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm

Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm

Nhiều năm gần đây, muối còn được chia từng túi nhỏ bán ở các cổng đình, cổng chùa. Nhiều bạn trẻ tranh thủ dịp này đã kinh doanh bán muối. Bạn Ngọc, sinh viên 1 trường Đại học ở Hà Nội chia sẻ: "Thường thì ngày mùng 1, tôi sẽ bỏ muối vào chiếc túi đỏ nhỏ xinh, kèm theo một chiếc bật lửa và bán với giá 10.000 đồng đến 20.000 đồng/túi. Mọi người sau khi lễ chùa sẽ ra mua lộc đầu năm".

Sau khi lễ chùa đầu năm, nhiều người ra cổng chùa chọn mua cho mình một túi muối mang về. Người mua có thể thoải mái lựa chọn các loại túi to nhỏ theo mức giá tiền nhưng phần nhiều họ chọn những gói muối nhỏ có giá 10.000 đồng đến 20.000 đồng. Người bán tay nhanh tay thân thiện đưa người mua túi muối như gửi trao sự may mắn, hanh thông cho khách.

Bạn trẻ đứng chào mời khách du uân mua muối trước cửa đền Ngọc Sơn

Bạn trẻ đứng chào mời khách du uân mua muối trước cửa đền Ngọc Sơn

Vừa mua gói muối từ cụ già bán ở cổng chùa Hà, anh Trần Văn Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) phấn khởi cho hay: "Tôi quan niệm đầu năm mua muối thì cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi. Muối cũng thể hiện tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Mặc dù giá bán tăng cao hơn rất nhiều so với ngày thường song người mua ai nấy đều vui vẻ bởi tin rằng muối sẽ mang lại niềm vui, sự may mắn cho năm mới".

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết, cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp. Bởi vậy, không năm nào mà tôi không mua muối trong ngày đầu năm mới".

Nhiều gia đình đi chợ đầu năm cũng phải tìm mua một vài đồng muối. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Người nước ngoài nói gì về Tết cổ truyền Việt Nam

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thu-nguoi-buon-khong-dam-ban-dat-nguoi-mua-khong-dam-mac-ca-ngay-mung-1-tet-17223010611501167.htm