Thu nhập 60 triệu, có nhà riêng ở TP.HCM vẫn chưa dám sinh con thứ hai
Với lối sống ưu tiên sức khỏe và chất lượng, vợ chồng anh Thành Nhân quyết định không vội sinh con thứ hai, mà tập trung thời gian xây dựng một tổ ấm đầy đủ cho ba thành viên.

Nhiều vợ chồng ngần ngại sinh con thứ hai do áp lực chi phí. Ảnh minh họa: Pexels.
Có thu nhập trên 60 triệu đồng/tháng và sống trong căn nhà riêng giữa quận 1 (TP.HCM), nhưng vợ chồng anh Thành Nhân (36 tuổi) vẫn chưa có kế hoạch sinh con thứ hai. Không phải vì thiếu điều kiện, mà bởi cả hai đang theo đuổi một lối sống ưu tiên sức khỏe, chất lượng và dành trọn sự hiện diện cho con trai đầu lòng.
Anh Nhân là giảng viên tại một trường đại học còn vợ là vận động viên tennis. Công việc cho phép họ linh hoạt về thời gian nhưng cũng không quá nhẹ nhàng.
Cậu con trai 4 tuổi đang học tại một trường mầm non gần nhà, được bố mẹ dành nhiều thời gian đồng hành và đưa đi chơi mỗi dịp cuối tuần.
"Chúng tôi vẫn tiết kiệm mỗi tháng nhưng không đặt nặng chuyện dành dụm. Điều quan trọng là giữ được tinh thần thoải mái, chủ động và không phải đánh đổi sức khỏe để chạy theo kế hoạch nào đó", anh chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Không riêng anh Thành Nhân, nhiều cặp vợ chồng sống tại TP.HCM và Hà Nội cũng ngần ngại sinh con thứ hai.
Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) được Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2024 cho thấy Hà Nội dẫn đầu về mức sống đắt đỏ nhất năm 2023. TP.HCM đứng thứ hai với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội. Trong bối cảnh đó, nhiều người chọn trì hoãn, hoặc không sinh thêm con để đảm bảo chất lượng cuộc sống, cho con những điều kiện tốt nhất.
Đắn đo
Anh Nhân cho biết tổng chi tiêu hàng tháng của gia đình dao động khoảng 30-35 triệu đồng, chiếm hơn một nửa thu nhập.
Trong đó, phần lớn dành cho việc học và sinh hoạt của con. Học phí và các lớp vận động chiếm khoảng 10-12 triệu đồng. Tiền ăn uống rơi vào khoảng 6-8 triệu. Các khoản điện, nước, Internet và dịch vụ dọn dẹp… tốn 3 triệu đồng/tháng. Số còn lại được phân bổ cho chi phí luyện tập thể thao, đi lại và nâng cao chất lượng sống.
Sở hữu không gian sống riêng tư và ổn định, vợ chồng anh Nhân vẫn đắn đo khi nghĩ đến chuyện có thêm một đứa con. Theo họ, nuôi hai đứa trẻ không chỉ cần tài chính vững vàng mà còn đòi hỏi thời gian, sức lực và ổn định dài hạn từ cả hai người lớn.
"Không phải cứ có thêm một đứa con là gia đình sẽ đầy đủ hơn. Với chúng tôi, sự đầy đủ là khi mỗi thành viên đều được sống đúng với nhịp của mình, không ai phải hy sinh âm thầm", anh nói.

Chị Phượng Nguyễn chỉ dừng ở một con để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Ảnh: NVCC.
Dừng lại ở một con để tập trung vào chất lượng cuộc sống cũng là lựa chọn của chị Phượng Nguyễn (quận 12, TP.HCM). Nữ nhân viên văn phòng 37 tuổi cho biết với tổng thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 30 triệu đồng/tháng, chi phí sinh hoạt quá cao ở đô thị lớn khiến chị không muốn sinh thêm con thứ hai.
"Khoảng 1/3 thu nhập của chúng tôi đang dành để đầu tư vào giáo dục cho con trai học tiểu học. Phần còn lại cũng chỉ vừa đủ để chi cho ăn uống, giao lưu bạn bè, giải trí, hiếu hỉ và có chút tiết kiệm. Nếu sinh thêm một đứa nữa, tôi không biết sẽ gồng gánh thế nào", chị Phượng bày tỏ.
Chị cho biết chồng là dân ngoại tỉnh. Sau khi kết hôn cách đây 8 năm, hai vợ chồng sống ở nhà ba mẹ chị nên giảm được khoản lớn so với người phải đi thuê trọ. Tuy nhiên, cả hai cũng đã có kế hoạch tiết kiệm để chuẩn bị mua nhà ra riêng.
"Giá nhà tăng, giá sinh hoạt phí cũng lên cao mỗi năm khiến tôi rất khó khăn trong điều tiết chi tiêu. Việc học hành, sức khỏe của con là không thể cắt giảm, chỉ có thể 'ngắt' bớt các khoản giải trí, xã giao của hai vợ chồng", chị nói.
Khi mới kết hôn, vợ chồng cũng dự tính sinh hai con để "vui cửa vui nhà". Nhưng khi con được 3 tuổi, chị ngỏ ý với chồng sẽ không sinh nữa.
"Chồng tôi ban đầu phản đối vì cũng muốn có thêm con. Nhưng sau khi ngồi lại cân nhắc, tính toán về chi phí, anh cũng đồng ý với tôi rằng để nuôi được một đứa trẻ ở thành phố là quá tốn kém. Trong khi đó, chúng tôi không muốn giảm chất lượng sống hiện tại", chị nói.

Biểu đồ về chi tiêu hàng tháng của 4 gia đình ở Hà Nội và TP.HCM.
Áp lực trở thành cha mẹ hoàn hảo
Gần 10 năm sống và làm việc ở Hà Nội, chị Anh Thư (31 tuổi) ngày càng cảm nhận rõ áp lực tài chính khi lập gia đình và nuôi con. Cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, với tổng thu nhập dao động 50-60 triệu đồng/tháng.
Nghe có vẻ dư dả nhưng với họ, việc có thêm đứa con thứ hai vẫn là điều chưa thể lên kế hoạch.

Gia đình chị Thư chưa có kế hoạch sinh con thứ hai. Ảnh: NVCC.
Mỗi tháng, chi tiêu của gia đình rơi vào khoảng 27 triệu đồng, trong đó phần lớn dành cho bé trai đầu lòng. Tiền học phí cố định là 3 triệu đồng/tháng, nhưng nếu tính thêm các lớp năng khiếu và hoạt động ngoại khóa, con số này là 4,5 triệu. Ăn uống trong gia đình tiêu tốn khoảng 3 triệu đồng/tháng, chưa kể những khoản phát sinh cho thực phẩm bổ sung và các vật dụng thiết yếu cho trẻ nhỏ.
Ngoài các khoản cơ bản như xăng xe, điện thoại, đi lại (khoảng 1 triệu đồng), chi phí cho hoạt động giải trí, ăn uống bên ngoài, mua sắm cuối tuần cũng chiếm khoảng 4-5 triệu. Chị Thư cho biết dù có khoản tiết kiệm nhất định, hai vợ chồng vẫn giác bất an khi nghĩ đến việc có thêm một đứa trẻ.
"Nếu buộc phải cắt giảm chi tiêu, tôi có thể bớt mua sắm, ngừng ăn uống bên ngoài, thậm chí từ bỏ những sở thích cá nhân như sưu tầm gốm hay cắm hoa", chị chia sẻ.
Hiện tại, chị cố gắng duy trì thói quen tích lũy mỗi tháng một chỉ vàng, đồng thời kinh doanh thêm hàng gia dụng nhỏ lẻ để tăng thu nhập. Tuy vậy, với chi phí sinh hoạt không ngừng tăng và diện tích căn hộ hiện tại chưa đủ lớn, chị không tự tin để bước thêm một bước trong hành trình làm mẹ.
"Tôi biết nhiều gia đình có thu nhập thấp hơn rất nhiều vẫn nuôi được hai con. Nhưng điều tôi lo là chất lượng sống của con, chứ không phải chỉ là đủ sống hay không", chị Thư thẳng thắn.
Nỗi băn khoăn của vợ chồng chị Thư không phải là trường hợp cá biệt. Theo Tổng cục Thống kê, trong khoảng ba thập kỷ qua, xu hướng kết hôn và sinh con đã có nhiều thay đổi đáng kể. Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, ngày càng nhiều người lựa chọn không sinh con hoặc chỉ sinh một con.
Năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống mức thấp nhất lịch sử 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. TP.HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ.

Nhiều người phải lên kế hoạch tài chính nhiều năm mới dám sinh con. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Kết hôn đã 2 năm nhưng đến hiện tại, Hiền Thu (29 tuổi, đang sống tại Hà Nội) mới bắt đầu chuẩn bị kế hoạch có con vào năm sau. Cô cho biết lý do trì hoãn lớn nhất chính là áp lực tiền bạc.
Hiện tại, Hiền Thu là nhân viên bán hàng, thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền hoa hồng), còn chồng cô làm tự do với thu nhập 18-20 triệu đồng.
Mỗi tháng, tiền thuê trọ của vợ chồng hết 5,5 triệu đồng. Công việc bận rộn, thường xuyên ăn ngoài nên chi phí ăn uống khoảng 6-7 triệu đồng. Cô chi khoảng 2-3 triệu đồng/tháng cho mua sắm quần áo, mỹ phẩm và làm đẹp. Trừ đi các khoản xăng xe, hiếu hỉ, biếu bố mẹ, vợ chồng tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng.
"Ước chừng là vậy, nhưng hai năm tôi để dành được chưa đến 200 triệu đồng, do một số việc phát sinh. Số tiền này tạm đủ để lo liệu trong năm đầu tiên khi có con. Tôi với chồng đều áp lực, chưa dám nghĩ sẽ sinh hai đứa", Hiền Thu nói.
Kế hoạch của cả hai là nếu cô sinh con sẽ chuyển về quê một thời gian, trong khi chồng vẫn làm ở thành phố.
"Tôi cũng rất áp lực về chuyện phải trở thành cha mẹ hoàn hảo, nghĩa là trước khi quyết định sinh con, phải xây dựng đủ điều kiện để chăm lo được cho chúng. Thời nay không còn kiểu 'trời sinh voi, trời sinh cỏ'", Hiền Thu bày tỏ.