Thu nhập cao nhờ nuôi bò sinh sản
Thời gian qua, việc chăn nuôi bò sinh sản mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, tiêu biểu là gia đình ông Phan Thanh Phong (SN 1958, ngụ ấp Đức Ngãi 2).
Dù ở tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi nhưng ông Phong vẫn miệt mài lao động, làm gương cho con cháu. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, vượt qua những khó khăn, đến nay, gia đình ông có cuộc sống ổn định nhờ vào thu nhập từ việc chăn nuôi bò.
Ông Phong tận dụng diện tích ruộng vườn sẵn có của gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi bò. Hiện ông nuôi 15 con bò thịt. Ông còn đầu tư máy xay cỏ để làm thức ăn chăn nuôi, từ đó, không chỉ chủ động được nguồn thức ăn cho bò, mà còn giúp giảm chi phí đầu tư. Nhờ bảo đảm các quy trình chăn nuôi, đàn bò của gia đình ông phát triển tốt.
Ông Phong cho biết, nhờ sự quan tâm của địa phương, cùng hệ thống kênh thủy lợi Phước Hòa cung cấp nước mà việc chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi, đạt năng suất, lợi nhuận cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, ông có lợi nhuận trên 200 triệu đồng từ việc bán bò. Bên cạnh đó, ông còn trồng 3.000m2 dừa, 300m2 tre để lấy măng, nuôi khoảng 10.000 con dơi để lấy phân,… giúp tăng thu nhập cho gia đình.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đức Ngãi 2, ông còn hỗ trợ người dân trong xã về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, mua con giống để chăn nuôi, kết nối đầu ra. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các hội viên.
Ông Phong luôn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, hoạt động của địa phương. Đặc biệt, ông thường xuyên tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn ấp; đóng góp kinh phí, vận động người dân trong ấp chung tay cùng địa phương xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp; tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
Ngoài ra, ông còn tuyên truyền cho hội viên thực hiện công tác vệ sinh môi trường; xây dựng lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt; phân loại rác vô cơ, hữu cơ trước khi xử lý để bảo vệ môi trường sống; đồng thời, hướng dẫn ủ chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào cho nông dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.
Chính những điển hình nông dân sản xuất giỏi như ông Phan Thanh Phong trở thành những tấm gương sáng trong tổ chức Hội, đoàn thể, từ đó, khai thác được lợi thế của địa phương và điều kiện gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thu-nhap-cao-nho-nuoi-bo-sinh-san-a160173.html