Thu nhập cao nhờ nuôi thỏ

Năm 2021, chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1992), ở thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong cùng anh trai Nguyễn Quốc Quỳnh (sinh năm 1990) bắt tay xây dựng mô hình nuôi thỏ thương phẩm. Đến nay, mô hình đã và đang cho thấy tính hiệu quả, mang lại thu nhập cho gia đình chị và tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình chị Thu -Ảnh: T.P

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình chị Thu -Ảnh: T.P

Những ngày này, mẹ con chị Thu phải làm việc luôn tay luôn chân để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thu cho biết mình cùng với anh trai xây dựng mô hình nuôi thỏ từ đầu năm 2021. “Nhận thấy nhu cầu sử dụng thịt thỏ trên địa bàn nhiều nhưng chỉ có một số hộ nuôi với quy mô nhỏ lẻ nên tôi nhập thỏ từ những trại này về bán online.

Tuy nhiên, vì thu nhập không đáng kể nên tôi bàn tính với anh trai xây dựng trại thỏ với số lượng lớn hơn”, chị Thu bộc bạch. Ban đầu, vì không đủ vốn, lại sợ rủi ro nên chị chỉ dám nhập 200 con về nuôi. May mắn là dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng mô hình của chị thành công. Chỉ sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, đàn thỏ được xuất chuồng, bán với giá cao mang lại thu nhập khá cho gia đình chị. Sau đó không lâu, thông qua kênh của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Triệu Trung, chị được vay 90 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi của mình.

Là người có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên anh Quỳnh- anh trai của chị Thu được giao phụ trách phần kỹ thuật. Anh Quỳnh cho hay, nuôi thỏ mang lại giá trị kinh tế cao nhưng muốn thành công cần phải nắm được một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hóa, sinh sản, kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ theo từng lứa tuổi. Thỏ có bộ lông dày, lại không có tuyến mồ hôi nên khả năng chịu nhiệt thấp, nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của thỏ là 25oC, độ ẩm từ 60% - 80%.

“Thực ra, khi mới bắt đầu nuôi thỏ, anh em tôi gặp rất nhiều khó khăn, thỏ thường bị đau bụng, dễ chết vào mùa đông. Tuy nhiên không nản chí, tôi vừa tham gia học tại các khóa tập huấn kỹ thuật nuôi thỏ, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm từ sách báo và thực tế nên dần tìm được cách chăm sóc phù hợp”, anh Quỳnh bộc bạch.

Được biết, từ 200 con thỏ ban đầu, hiện trại thỏ của chị Thu có gần 1.000 con, thời điểm nhiều nhất đạt đến 1.500 con. Mỗi thỏ mẹ có thể sinh sản từ 35 - 40 con/năm. Không chỉ bán thỏ thịt, gia đình chị còn cung cấp giống cho các hộ gia đình có nhu cầu nuôi thỏ.

Chia sẻ về lựa chọn giống, anh Quỳnh cho biết, gia đình anh ưu tiên chọn nuôi thỏ New Zealand vì so với giống thỏ khác, giống thỏ này có nhiều ưu điểm như mau lớn, thịt thơm ngon. Thức ăn của thỏ khá phong phú, chủ yếu là thức ăn xanh như cỏ, lá khoai lang, rau muống biển và một ít cám tinh... Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch, chất lượng cho thỏ, chị Thu vừa đặt mua rau trên mạng, vừa tự trồng cỏ.

Hàng ngày, mấy mẹ con chị thay nhau thường xuyên vệ sinh chuồng trại nhằm tạo độ thông thoáng, sạch sẽ. Nhờ đó, đàn thỏ của gia đình chị phát triển nhanh. Sau 4 tháng, thỏ có thể xuất được. Giá bán dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/kg và được các nhà hàng trên địa bàn đặt mua thường xuyên nên nuôi đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Trung bình mỗi năm, chỉ tính riêng mô hình này đã mang lại cho gia đình chị Thu nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn kinh doanh quán ăn, tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên trong gia đình. Càng gần cuối năm, chị Thu càng bận rộn với những chuyến đi xa để mở rộng thị trường tiêu thụ thỏ. Không mất nhiều công sức chăm sóc và vốn đầu tư nhưng nghề nuôi thỏ đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/thu-nhap-cao-nho-nuoi-tho/182037.htm