Thu nhập ổn định từ trồng ngô sinh khối ở Chiềng Sàng

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Việc chuyển đổi này góp phần gia tăng giá trị kinh tế đối với cây ngô và đảm bảo nguồn lương thực dự trữ cho đàn gia súc, đem lại thu nhập ổn định.

Người dân bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng thu hoạch ngô sinh khối.

Người dân bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng thu hoạch ngô sinh khối.

Chiềng Sàng là một trong những xã có diện tích ngô sinh khối lớn của huyện Yên Châu với gần 30 ha, chủ yếu được trồng trên đất lúa 2 vụ. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây ngô sinh khối trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Chúng tôi đến bản Chiềng Sàng 2 là bản có nhiều hộ dân tham gia trồng ngô sinh khối. Ông Hoàng Văn Dương, hộ đi đầu trong bản về trồng ngô sinh khối với hơn 2.000 m² cho biết: Do đất canh tác kém hiệu quả, sau khi được tuyên truyền vận động, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối. Với đặc tính thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chỉ sau 3 tháng trồng và chăm sóc, cây ngô đã cho thu hoạch (ngắn hơn ngô lấy hạt 1 tháng). Gần đây, diện tích ngô của gia đình được Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hợp đồng thu mua ổn định với giá 800-1.000 đồng/kg, chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Trung bình mỗi vụ, gia đình thu hoạch khoảng 25 tấn, thu về gần 25 triệu đồng, lãi cao hơn 1,5 lần so trồng ngô lấy hạt, lại không cần bảo quản sau thu hoạch.

Cũng như ông Dương, gia đình bà Lò Thị Nho cùng bản Chiềng Sàng 2 chuyển đổi gần 1 ha trồng sắn sang trồng ngô sinh khối, canh tác mỗi năm 2 vụ, thu lãi khoảng 30-35 triệu đồng/vụ. Bà Nho chia sẻ: Trước đây, nếu trồng ngô lấy hạt, gia đình chỉ thu hoạch được một vụ duy nhất trong năm. Mỗi khi đến vụ thu hoạch, chúng tôi vất vả lắm, vừa thu hoạch vừa phơi hạt, rồi lại làm đất chuẩn bị sản xuất cho vụ sau. Chưa kể giá ngô hạt bấp bênh, cùng với thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ngô. Từ khi trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, mỗi năm, gia đình tôi trồng 2 vụ, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng sắn và các loại cây rau màu khác, không vất vả như trồng ngô hạt. Vào vụ thu hoạch, các công ty thu mua đến tận ruộng cắt cây mang về, chúng tôi không lo bị tư thương ép giá mà lại có nguồn thu nhập ổn định.

Có thể thấy, việc trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống. Với thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, việc thu hoạch ngô nhanh gọn, tốn ít công lao động, thị trường tiêu thụ ổn định, kỹ thuật trồng cơ bản áp dụng quy trình trồng ngô lấy hạt nên người dân dễ dàng thực hiện. Ông Hoàng Văn Chinh, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: Vụ đông năm nay, toàn xã có trên 40 hộ tham gia trồng ngô sinh khối và đều đăng ký bán ngô cây nguyên liệu. Qua một thời gian triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả, đất trống sang trồng ngô sinh khối; tạo ra những vùng sản xuất tập trung để áp dụng cơ giới hóa. Đồng thời, thực hiện liên kết với các công ty, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Việc chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi đã và đang mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho bà con nông dân xã Chiềng Sàng nói riêng và huyện Yên Châu nói chung, góp phần nâng cao thu nhập, không còn nỗi lo điệp khúc “được mùa, mất giá” như vẫn thường xảy ra.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thu-nhap-on-dinh-tu-trong-ngo-sinh-khoi-o-chieng-sang-28406