'Thủ phạm' khiến NASA hoãn vụ phóng siêu tên lửa SLS vào phút chót: Tứ trụ động cơ
Sứ mệnh Artemis I của NASA đã bị hoãn vào đúng ngày bay 29/8/2022. Lý do là gì?
Sứ mệnh Artemis I - sứ mệnh đầu tiên trong Chương trình Artemis đầy tham vọng của NASA nhằm mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng năm 2025 - đã gặp phải sự cố động cơ chỉ vài giờ trước khi cất cánh vào sáng thứ Hai ngày 29/8/2022, buộc vụ phóng rất được mong đợi này phải dừng lại.
Hệ thống phóng Không gian (SLS) - NASA còn gọi là siêu tên lửa Mega Moon - đóng vai trò quan trọng trong Chương trình Artemis của Mỹ. Tính cho đến nay, SLS là tên lửa mạnh nhất mà NASA từng xây dựng trong lịch sử của mình.
Cơ quan vũ trụ Mỹ hiện đang xem xét lịch phóng tiếp theo vào ngày 2/9/2022, tuy nhiên, mọi việc vẫn còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của siêu tên lửa SLS và hệ thống phóng ở mặt đất.
“Trong quá trình đếm ngược, do động cơ quá nhiệt và rò rỉ nhiên liệu nên buộc nhóm phóng phải hoãn vụ phóng SLS và tàu vũ trụ Orion vào phút chót” - NASA cho biết trong quá trình kiểm tra hôm 29/8.
TÌM RA CÁC LỖI MẤU CHỐT
Sau một thời gian trì hoãn ngắn vì thời tiết thời tiết xấu, mọi thứ đã đi đúng hướng đối với tên lửa SLS màu cam sáng của sứ mệnh Artemis I, nhưng một vài trở ngại kỹ thuật đã phát sinh trong giai đoạn nạp nhiên liệu của SLS.
1. Rò rỉ nhiên liệu
Khi nhóm phóng Artemis chuyển từ giai đoạn bơm hydro lỏng “nạp chậm” sang hydro lỏng “nạp nhanh”, họ đã thấy lượng hydro được phép rò rỉ vào thùng tẩy rửa tăng lên, vượt quá 4%.
Nhóm phóng ngay lập tức xem xét tất cả dữ liệu và làm chậm quá trình nạp đầy hydro cho đến khi sự rò rỉ giảm xuống dưới mức tối đa có thể chấp nhận được. Vấn đề không tái diễn ngay cả sau khi nhóm tiếp tục nhanh chóng đổ đầy bình.
2. Xuất hiện vết nứt trong thùng chứa nhiên liệu
Một vấn đề khác xảy ra trong quá trình vận hành bình chứa là vết nứt trên mặt bích bên trong thùng chứa nhiên liệu. Có một số lớp băng giá tích tụ và dấu hiệu của các vệt hơi ở tầng trên SLS cho thấy có khả năng có vết nứt cấu trúc trong bể chứa.
Tuy nhiên, các kỹ sư đã đánh giá bằng hình ảnh từ camera và kết luận rằng không có vết nứt cấu trúc trong bể. Thay vào đó, NASA tiết lộ là do hậu quả của chất đẩy siêu lạnh, không phải một vấn đề cấu trúc.
3. Lỗi động cơ RS-25 số 3 - Lỗi quan trọng nhất
Liên quan đến động cơ, NASA cho biết, trong quá trình nạp nhiên liệu gồm oxy lỏng và hydro lỏng ở nhiệt độ âm, một trong các động cơ RS-25 (động cơ 3) ở dưới cùng của tầng lõi “không được điều hòa đúng cách thông qua quá trình xả nhiệt [Quá trình này cho phép động cơ làm lạnh đến nhiệt độ thích hợp bằng cách giải phóng một lượng nhỏ nhiên liệu - và nó đã không hoạt động].
Nói cách khác, theo NASA, một dòng nhiên liệu hydro lỏng đã không làm lạnh đúng cách tại một trong bốn động cơ tầng lõi của SLS - là một phần trong quá trình chuẩn bị cần thiết trước khi động cơ có thể bốc cháy để bay lên - nên khiến cho động cơ trục trặc.
'Tứ trụ động cơ' RS-25 đóng vai trò tạo ra lực đẩy 907.184 kg cho tên lửa SLS - lực đẩy này đủ sức khiến cho 8 máy bay Boeing 747 bay. Để tạo ra lực đẩy khổng lồ đó, chỉ trong 8 phút, bốn động cơ RS-25 của SLS phải đốt cháy 3.341.376 lít nhiên liệu lỏng.
NASA cho biết thêm, sản lượng năng lượng của 4 động cơ RS-25 của SLS, nếu được chuyển đổi thành điện năng, sẽ cung cấp đủ năng lượng cho gần 1.367.942 km đèn đường trên con đường từ Trái Đất tới Mặt Trăng rồi ngược lại; cộng với quãng đường bằng 15 vòng Trái Đất! Bốn động cơ RS-25 của SLS cung cấp gấp đôi sức mạnh cần thiết để di chuyển 10 tàu sân bay lớp Nimitz (của Hải quân Mỹ) với vận tốc 30 hải lý/giờ.
Khoảng một giờ sau khi cố gắng khắc phục sự cố ở động cơ 3, nhóm phóng đã gặp gỡ với Giám đốc nhóm phóng Charlie Blackwell-Thompson để thảo luận về cách cho SLS tiếp tục lên đường trong thời gian nào.
“Để SLS cất cánh đưa tàu vũ trụ Orion lên Mặt Trăng, chúng tôi cần đảm bảo mọi thứ thật hoàn hảo. Chỉ 1 sơ suất nhỏ cũng có thể phá hủy tất cả trong tích tắc. Chúng tôi không cho phép điều đó xảy ra” - Nữ Giám đốc nhóm phóng cho biết.
Khách quan mà nói, việc hoãn phóng SLS đã khiến hàng chục nghìn người hâm mộ thất vọng. Dailymail (Anh) cho biết hàng chục nghìn người đã đổ xô đến Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) trước khi Mặt Trời mọc vào ngày 29/8 để xem chiếc tên lửa mạnh nhất mà NASA chế tạo bắn lên không gian.
Rất nhiều người đã đứng đợi dọc theo các bãi biển, cầu và bên ngoài Trung tâm Vũ trụ Kennedy và một số người đã chờ đợi hàng giờ trước khi NASA công bố sự kiện này vào lúc 8:35 sáng theo giờ ET.
Đáp lại sự thất vọng của du khách là sự thận trọng cần thiết của NASA. Giám đốc NASA - Bill Nelson cho biết: “Chúng tôi sẽ không phóng SLS cho đến khi mọi việc diễn ra suôn sẻ từ khâu nhỏ nhất. Đây là một cỗ máy phức tạp, chúng tôi muốn đảm bảo an toàn và hoàn hảo hơn là phải làm việc cứng nhắc, tuân theo thời gian đã định”.
Sứ mệnh Artemis I là một bước quan trọng đầu tiên để cơ quan vũ trụ Mỹ đạt được mục tiêu đưa con người lên bề mặt Mặt Trăng trong thời gian 3 năm, trong số đó bao gồm cả phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng.
Nếu tất cả đúng như kế hoạch vào ngày 2/9/2022 (nghĩa là SLS bay thành công), một chuyến bay khác sẽ tiếp theo vào năm 2024 - lần này với các phi hành gia trên tàu vũ trụ Orion gắn trên đỉnh SLS - trước khi đôi giày của con người một lần nữa tạo nên duyên trên bề mặt Mặt Trăng.
Khi đó, Chương trình Artemis trị giá 93 tỷ đô la đầy tham vọng của NASA mới có thể gọi là thành công hoàn toàn!
Bài viết sử dụng nguồn: CNET, DM, Indian Express