Thủ pháp hội họa mới của họa sĩ Võ Trịnh Biện

Những tác phẩm nghệ thuật được họa sĩ Võ Trịnh Biện sáng tạo theo thủ pháp Post painting đã vượt khỏi những định biên của lối tạo hình truyền thống để đạt đến một kiểu hội họa mới - một kiểu hội họa kết hợp giữa vẽ (painting) và đan (insertion).

Tác giả: Trịnh Chu

Tạo nên một bức tranh mới từ những phân mảnh của 2 bức tranh trừu tượng đã hoàn chỉnh trước đó, họa sĩ Võ Trịnh Biện đang có cho mình một thủ pháp hội họa riêng - Post painting, thủ pháp xử lý kỹ thuật cắt rã và đan chèn sau vẽ. Post painting cũng là cách để anh ứng phó với nghệ thuật AI.

Tìm đến những phương cách tiếp cận mới gần như là bản năng của họa sĩ Võ Trịnh Biện trong cuộc chơi khai phóng sáng tạo.

Trước khi khai triển thủ pháp Post painting, anh đã thi triển thủ pháp Duality - Đối ngẫu, một thủ pháp nghệ thuật biến bức tranh thành ảnh phản chiếu của nó, một kiểu vẽ Bóng từ Hình như cách để một vật thể đối diện với chiếc gương.

Bằng cách sử dụng một tấm vải khác, sau đó đặt chồng lên bề mặt bức tranh đã chọn xong bố cục màu và đã tạo hình 3 lớp màu hoàn chỉnh, tấm vải lúc này giữ vai trò như một chiếc gương phản chiếu, những mảng màu của bức tranh gốc sẽ sao y qua tấm vải đối diện theo chiều tương phản đối xứng, họa sĩ Võ Trịnh Biện tạo ra một bức tranh mới có cùng nội dung và chất liệu với bức tranh gốc.

Bức tranh là sự kết hợp của 2 bức tranh Người đàn ông bị nhiễm COVID-19 và Cuộc sống đỏ

Bức tranh là sự kết hợp của 2 bức tranh Người đàn ông bị nhiễm COVID-19 và Cuộc sống đỏ

Bức tranh là sự kết hợp của 2 bức tranh Tĩnh và Động

Bức tranh là sự kết hợp của 2 bức tranh Tĩnh và Động

Thủ pháp Duality giúp anh có thêm lựa chọn trong việc khám phá và chiếm lĩnh vẻ đẹp của những đối ảnh, đồng thời dẫn mở những dự cảm về cái bí ẩn không cùng của sáng tạo.

Thủ pháp Đối ngẫu còn là hành trình tìm kiếm sự cân bằng nội tâm, nơi tác giả đối diện với bản ngã chính mình, soi rọi và phản chiếu, cật vấn về tính hai mặt của sự tồn tại.

Từ nguồn mỹ cảm Duality, họa sĩ Võ Trịnh Biện đã cho ra đời những cặp tác phẩm nghệ thuật đầy năng lượng và bí ẩn.

Những cặp tác phẩm nghệ thuật ấy, vừa là thế giới được phản chiếu qua gương, vừa là thế giới nhìn thấy trong thế giới thực, tạo nên một cặp đối ảnh đối xứng.

Chính cặp đối ảnh đối xứng này là lời giải của anh cho phạm trù có tính mâu thuẫn: chỉ cần nhìn qua một lăng kính khác, những thứ cứ ngỡ rằng bất đồng tuyệt đối vẫn luôn tồn tại những nét tương đồng đến ngỡ ngàng.

Ảnh: St

Ảnh: St

Miệt mài soi chiếu và miên mật nghiền ngẫm, họa sĩ Võ Trịnh Biện thừa nhận, thực tế vẫn có quá nhiều thứ không thể đối xứng.

Trong vũ trụ, vật chất vẫn nhiều hơn phản vật chất. Thế rồi, anh tìm ra một hướng đi đầy đột phá, dung giải cho những hiện thể màu bất đối xứng: sử dụng phân mảnh của 2 bức tranh đã hoàn chỉnh như một chất liệu để tạo ra 1 tác phẩm mới.

Họa sĩ Võ Trịnh Biện phá vỡ và chia cắt 2 bức tranh của chính mình ra thành nhiều mảnh, rồi ngắm nghía chọn các mảnh màu phù hợp với ý tưởng nghệ thuật tính toán trước, sau cùng đan kết chúng bằng sự tinh tế của người nghệ sĩ.

Chén Thánh được họa sĩ Võ Trịnh Biện vẽ theo thủ pháp Duality

Chén Thánh được họa sĩ Võ Trịnh Biện vẽ theo thủ pháp Duality

Bức tranh mới hình thành trên cơ sở những phân mảnh của 2 bức tranh đã đem đến một hiệu ứng thị giác rất lạ. Nó vừa có yếu tố màu của bức tranh thứ nhất, vừa mang yếu tố màu của bức tranh thứ hai, đồng thời xuất hiện thêm yếu tố mới - yếu tố màu thứ ba là sự kết hợp giữa bức tranh thứ nhất và bức tranh thứ hai.

Bức tranh mới còn trở nên nổi bật trong cảm thụ của người xem nhờ những biến thể màu độc đáo hiển thị trong không gian 2 chiều, 3 chiều và lập thể. Thông qua việc vận dụng nhiều kỹ thuật: painting (vẽ) -> cut (cắt) -> insertion (đan chèn) -> super position (siêu chồng chập) để sáng tạo nên một bức tranh mới, anh đã tìm ra cách tiếp cận mới trong các vấn đề về hội họa.

Những tác phẩm nghệ thuật được họa sĩ Võ Trịnh Biện sáng tạo theo thủ pháp Post painting đã vượt khỏi những định biên của lối tạo hình truyền thống để đạt đến một kiểu hội họa mới - một kiểu hội họa kết hợp giữa vẽ (painting) và đan (insertion).

Bước đi táo bạo đó của anh - phá bỏ các giới hạn trong hội họa, cho thấy một sự vật có thể tồn tại như một thực thể độc lập nhưng cũng có thể tồn tại trong một tập thể sự vật mới.

Tác giả: Trịnh Chu

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thu-phap-hoi-hoa-moi-cua-hoa-si-vo-trinh-bien.html