Thu phí báo chí là hướng đi khả quan

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông cho rằng, việc áp dụng thu phí báo chí chính là một hướng đi khả quan, giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu dựa trên cơ sở nội dung độc đáo, riêng có.

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”. Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề: Mô hình kinh tế báo chí đặc thù Việt Nam.

Thu phí báo chí là hướng đi khả quan

Phát biểu tại phiên thảo luận, TS Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Ở Việt Nam, cơ quan báo chí được xác định là đơn vị sự nghiệp có thu và Chính phủ khuyến khích các cơ quan báo chí tự chủ tài chính, giảm bao cấp, tăng nguồn thu chính đáng.

Nguồn thu của cơ quan báo chí có giá trị to lớn không chỉ giúp cho cơ quan báo chí hoạt động tái sản xuất các sản phẩm báo chí mà còn có giá trị đóng góp vào ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân.

"Tạo nguồn thu cho báo chí không phải là vấn đề mới, nó là điều kiện tiên quyết của nhiều cơ quan báo chí trong quá trình tồn tại và phát triển. Tạo nguồn thu tức là làm kinh tế trong báo chí. Làm kinh tế báo chí là hợp pháp, là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác, đã được khẳng định trong Luật báo chí năm 2016", ông Đức nhấn mạnh.

TS Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy vậy, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí bị sụt giảm mạnh, điển hình là khối ngành báo in và báo mạng điện tử. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, sự ra đời của nhiều nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok... đã chiếm lĩnh một thị phần không nhỏ dịch vụ quảng cáo, truyền thông; cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ quan báo chí, tạp chí.

Trước thực trạng đó, TS Đỗ Anh Đức cho rằng, các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu báo chí từ hệ sinh thái nội dung số. Đó là toàn bộ những nội dung được sản xuất, phân phối trên không gian số, phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và thực hiện những mục tiêu chiến lược của cơ quan báo chí.

Nguyên tắc cốt lõi của hệ sinh thái nội dung số là mang đến những trải nghiệm giá trị cho khách hàng, người tiêu dùng, hay công chúng mục tiêu nói chung.

Hệ sinh thái nội dung cần được xây dựng trên 5 trục chính: Chiến lược nội dung (content strategy), quản trị (governance), sáng tạo (creation), phân phối (distribution) và phân tích (analytics).

Trong quá trình xây dựng chiến lược này, TS Đỗ Anh Đức cho rằng việc thu phí báo chí là một hướng đi rất khả quan.

Quang cảnh phiên làm việc.

Quang cảnh phiên làm việc.

“Các cơ quan báo chí thành công trên thế giới đều hướng vào nội dung để phát triển và thu phí người dùng. Nói cách khác, muốn người dùng trả phí thì trước hết phải có nội dung chất lượng”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, nội dung có chất lượng không nhất thiết phải luôn luôn là nội dung chuyên sâu.

“Nhiều người cho rằng cần phải thêm ‘gia vị’ vào tin tức, phải biết cách ‘giật tít’, ‘câu view’ thì mới có nhiều người xem. Nhiều tờ báo cũng đang trả nhuận bút theo lượt xem, tương tác. Nhưng báo chí có thể phải trả giá đắt, nếu chạy theo lượt xem, phải hạ chuẩn giá trị nghề nghiệp và dần mất niềm tin, cũng như sự tôn trọng của độc giả”, ông Đức nói.

Các cơ quan báo chí thành công trên thế giới chắc chắn đều hướng vào nội dung để phát triển và thu phí người dùng. Nói cách khác, muốn người dùng trả phí thì trước hết phải có nội dung chất lượng - điều mà những người làm nghề đều ý thức được. Tuy nhiên, như thế nào là nội dung chất lượng và thu phí độc giả là thu như thế nào lại là những câu hỏi không dễ trả lời.

Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ông Đức cho rằng điều cốt lõi về chiến lược nội dung không phải là chạy theo lượt xem, hoặc cố gắng sản xuất thật nhiều bài vở chuyên sâu - điều vượt quá khả năng của nhiều tòa soạn, cơ quan báo chí, và cũng không hẳn là “khẩu vị” hằng ngày của độc giả. Ngược lại, những nội dung độc đáo, giá trị, có tính đặc thù của cơ quan báo chí mới là quan trọng.

Ông Đức đưa ra hai cách triển khai là thu phí toàn bộ và thu phí một phần, tức là đặt tường phí (paywall).

“Ở cách làm thứ nhất, các tờ báo chắc chắn phải có năng lực sản xuất nội dung phong phú và chất lượng số một. Họ đã thoát ly khỏi vai trò những tờ báo tin tức. Với khoảng 10 triệu thuê bao và đủ mang lại giá trị kinh tế cho cả tờ báo, New York Times dành cho độc giả đọc sâu, đọc rộng, kể cả những tin tức thời sự cũng được sản xuất như những bài có tính phân tích, bình luận”, ông Đức lấy thí dụ.

Cách làm này không phải báo nào cũng theo được và cũng không phải độc giả nào cũng có thể đủ trình độ để đọc sâu. Do đó, các cơ quan báo chí Việt Nam có thể thử nghiệm thu phí một phần, tức là tiến hành thu phí sau khi cho phép người đọc truy cập một số bài miễn phí.

“Thống kê từ theo dõi hành vi người dùng cho thấy, thường là không nên cho phép quá 5 bài miễn phí rồi mới đặt tường phí. Lý do dễ hiểu là người dùng thường xem lướt dưới 5 bài viết rồi thoát ra khỏi trang, tức là chưa đến điểm chạm tường phí”, ông Đức phân tích.

Nói về vấn đề đổi mới phương thức kinh doanh báo chí nhìn từ cơ hội hợp tác trong hệ sinh thái báo chí hiện đại, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê cho hay: Các cơ quan báo chí phải chọn lựa chiến lược phát triển dựa trên đối tượng khách hàng. Họ là những người quyết định đến việc cơ quan báo chí sẽ kinh doanh như thế nào trong hệ sinh thái báo chí.

“Các cơ quan báo chí cần phân đoạn hóa, thậm chí là cá nhân hóa các đối tượng khách hàng của mình. Tức là mỗi người, mỗi nhóm khách hàng cần được xem như là một thị trường. Do đó cần phải nghiên cứu nhu cầu cụ thể của thị trường. Hiện nay có nhiều công cụ số giúp cơ quan báo chí tiếp cận vấn đề này”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.

Cần có cơ chế đặc thù cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị

Nêu quan điểm tại phiên thảo luận chuyên đề, nhà báo TS Đồng Mạnh Hùng (Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ, thực tế rằng, các đài phát thanh hiện nay đang còn lúng túng trong việc chuyển đổi số cũng như làm kinh tế từ số.

Lý giải về hiện trạng trên, TS Đồng Mạnh Hùng cho rằng có hai nguyên nhân chính bao gồm nguồn nhân lực quá yếu và thiếu và việc trang thiết bị không được đầu tư nhiều.

TS Đồng Mạnh Hùng (Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo.

TS Đồng Mạnh Hùng (Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo.

Bên cạnh đó, nhà báo tới từ VOV cũng kiến nghị: Cần phân biệt rõ giữa các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ tuyên truyền, chính trị và các cơ quan làm kinh tế báo chí. Đối với 6 cơ quan báo chí chủ lực cần phải được đầu tư tương xứng để phát triển. Ở phía ngược lại, các cơ quan này cũng sẽ "không thể ngồi yên" và phải chủ động chuyển từ nội dung truyền thống lên nội dung số.

"Đây là con đường cực kỳ khó khăn. Do đó cần phải được đầu tư cả về trang thiết bị và yếu tố con người", nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN) kiến nghị, báo chí cần có cơ chế chính sách đặt hàng của cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị cần phải có ngân sách nhất định. Nhà nước cũng cần có chính sách giảm thuế miễn thuế cho cơ quan báo chí đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn như hiện nay.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN).

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN).

Nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng đề cập đến cơ sở pháp lý để bảo vệ bản quyền nội dung cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh các trang thông tin điện tử, các nền tảng xuyên biên giới đang khai thác tin tức báo chí mà không trả phí bản quyền, thậm chí không dẫn nguồn.

"Phải có quy định rất cụ thể đối với các nền tảng số khai thác nội dung báo chí. Ở nhiều nước đã rất chú trọng điều này và có quy định rất rõ khi các nền tảng đăng tải lại tin tức báo chí. Cơ quan chức năng cần quyết liệt để bảo vệ lợi ích của báo chí", ông Duẩn nêu quan điểm.

Siết chặt vấn đề bản quyền báo chí

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ cùng các đơn vị đồng tổ chức nghiên cứu những tri thức thu nhận được trong quá trình sửa đổi Luật Báo chí.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ, phát triển báo chí, trong đó có vấn đề giải quyết câu chuyện kinh tế báo chí, bao gồm việc sửa đổi, cải cách thể chế.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016; trong đó, sẽ đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan pháp lý trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động. Ngoài ra, những thể chế khác trong việc đặt hàng báo chí như một dịch vụ công, một sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được sửa đổi.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận hội thảo.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận hội thảo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng lưu ý, báo chí phải đáp ứng xu hướng đưa nội dung lên không gian mạng để "đón người dùng thế hệ mới" với thói quen hành vi đã hoàn toàn thay đổi.

Song song, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có những biện pháp khác nhằm điều tiết một số bất cập trong bức tranh kinh tế báo chí. Điển hình như việc áp dụng "nắn dòng" doanh thu quảng cáo trên không gian mạng, không để dòng doanh thu này chảy về các kênh có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền báo chí; từ đó, sẽ có thêm nguồn doanh thu quảng cáo trở về với những trang, kênh thông tin chính thống, trong đó có báo chí.

Chia sẻ về vấn đề vi phạm bản quyền báo chí của các mạng xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Cần phải thay đổi thể chế theo hướng khi sử dụng nội dung sáng tạo của báo chí thì các bên phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả.

Cũng theo Thứ trưởng, các thách thức về đổi mới phương thức làm báo, giải quyết kinh tế báo chí, xét tới cùng là thách thức quản trị.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

“Rõ ràng thách thức về mặt quản trị là phải thay đổi cách làm báo, phải thay đổi cách kinh doanh sản phẩm báo chí. Đây là việc vô cùng khó nhưng không thể không làm!”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích, đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí đưa ra mô hình mới để kinh doanh sản phẩm báo chí. Trong quá trình tìm nguồn thu chính đáng, báo chí không nên bỏ qua bất cứ nguồn lực xã hội nào.

“Tôi không nghĩ rằng các cơ quan báo chí đóng góp vào sự phát triển chung lại bị bỏ lại phía sau. Cơ quan quản lý Nhà nước cam kết đồng hành với các cơ quan báo chí. Với những vấn đề mà từng cơ quan báo chí riêng lẻ rất khó làm thì lúc này cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thu-phi-bao-chi-la-huong-di-kha-quan-post814335.html