Thu phí cảng biển ở TP.HCM cần có lộ trình và minh bạch
Các chuyên gia cho rằng việc thu phí và mục đích sử dụng là đúng, song TP cần có một kế hoạch cụ thể về danh mục đầu tư trong thời gian tới.
Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cảng biển (thu phí cảng biển) được Sở GTVT TP.HCM gửi các đơn vị có liên quan để lấy ý kiến trước khi trình lên HĐND TP.HCM. Theo đó, toàn bộ phí thu được sẽ được tái đầu tư vào hạ tầng khu vực cảng biển để kéo giảm tình trạng kẹt xe và giảm chi phí logistics.
So sánh mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí
Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa có văn bản góp ý gửi Sở GTVT liên quan đến đề án này. Theo đó, Ban thường trực cơ bản thống nhất với dự thảo đề án. Tuy nhiên, ban cũng đề nghị Sở GTVT bổ sung, làm rõ nội dung so sánh mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí... khi sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại các địa phương khác để có thêm cơ sở triển khai thực hiện.
Còn theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP cũng đã cơ bản thống nhất với đề án. Ông Quản cho biết hiện nay sản lượng hàng hóa qua cảng tại TP đã vượt mức dự báo của Bộ GTVT (đến năm 2030 đạt 159,981 triệu tấn, tuy nhiên số liệu năm 2019 đã đạt 170,670 triệu tấn). Trong khi đó, tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu, cảng biển TP không đáp ứng được với nhu cầu lưu chuyển hàng hóa, gây ùn tắc giao thông, mất thời gian di chuyển, xả nhiều khí thải ảnh hưởng môi trường..., gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) và xã hội.
Do vậy, theo ông Quản, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển TP.HCM là rất cần thiết. Khi có nguồn kinh phí đầu tư sẽ giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, tăng vận tốc vận chuyển, tăng vòng quay phương tiện của xe tải và xe container, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Mặc dù thống nhất ủng hộ chủ trương thu phí của đề án nhưng hiệp hội cũng đề xuất trong quá trình triển khai cần phải tính toán mức thu phí phù hợp và theo từng giai đoạn. Lưu ý, việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh cho DN khi lưu chuyển hàng hóa qua cảng của TP.HCM so với các cảng của các tỉnh lân cận.
Cần có danh sách các tuyến đường thu phí
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho biết ủng hộ đề án thu phí cảng biển để đầu tư vào hạ tầng, song TP cần chú ý tính toán thời gian thu phí bởi DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo ông Trường, TP.HCM là một trong ba đô thị có cảng biển lớn nhất cả nước với sản lượng hàng hóa lớn đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL với bốn cụm cảng chính ở TP.HCM. Tuy có thế mạnh song hạ tầng kết nối với các cảng biển trên còn hạn chế, thậm chí đang rơi vào tình trạng quá tải. Từ đó dẫn tới tình trạng kẹt xe triền miên, DN bị ảnh hưởng, chi phí vận chuyển logistics tăng cao nhưng hiệu quả khai thác giảm.
Đơn cử như hệ thống đường chỉ đáp ứng cho khoảng 12.000 xe/ngày đêm, song lượng thực tế đã lên 19.000-20.000 xe/ngày đêm, đỉnh điểm lên 26.000 xe/ngày đêm. Do đó, việc đầu tư đường vào cảng biển là cấp bách, tránh tình trạng kẹt xe trầm trọng hơn, kìm hãm tốc độ lưu thông hàng hóa. “TP cũng cần có tính toán, đánh giá lại hiệu quả của đề án này sau một thời gian triển khai, tránh tình trạng thu phí mà đường vẫn kẹt” - ông Trường nói.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc thu phí cảng biển là hợp lý và DN vận tải sẽ đồng thuận nếu việc thu phí mang lại hiệu quả. Theo xu hướng quốc tế cần có quy hoạch logistics bao gồm luồng tuyến, cảng biển, cảng sông và các tuyến đường kết nối. Song song đó, mọi kế hoạch thu phí phải đi kèm với quy hoạch logistics, phải đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa được rút ngắn thời gian bao nhiêu, DN được lợi thế nào, bởi hiện nay hạ tầng xung quanh cảng biển còn hạn chế, chi phí vận chuyển rất cao.
“Với mức thu phí dự kiến thì TP sẽ đầu tư vào những dự án nào, danh mục cụ thể ra sao và bao lâu nữa thì sẽ hết tình trạng kẹt xe. Hiện nay các phương tiện vận tải đang đi chung với đường dân sinh và nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Sở GTVT cần tính toán, xây dựng các tuyến đường riêng lẻ để tạo sự lưu thông liền mạch. Với những lợi ích mà người dân, DN nhìn thấy thì họ sẵn sàng ủng hộ” - kiến trúc sư Nam Sơn nói.•
Thu phí để đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng cảng biển
Nói thêm về lợi ích của việc thu phí cảng biển, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết việc thu phí cảng biển sẽ giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, kéo theo chi phí logistics thấp, góp phần quan trọng vào việc thuận lợi hóa thương mại. Từ đó tạo giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.
Ngoài ra, phí hạ tầng cảng biển được quy định trong Luật Phí và lệ phí, trường hợp TP.HCM ban hành có khả năng kéo theo các địa phương Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ xây dựng phương án thu. Từ đó, sức ảnh hưởng môi trường cạnh tranh của cảng biển TP với cảng biển các tỉnh lân cận sẽ không đáng kể.
Khi đó, mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thấp hơn nhiều so với mức thu phí hàng chuyển khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc dịch chuyển hàng hóa chuyển khẩu được làm thủ tục hải quan tại các địa phương lân cận như Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… về làm thủ tục hải quan tại TP.HCM, góp phần tăng thu thuế xuất nhập khẩu cho TP…
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/thu-phi-cang-bien-o-tphcm-can-co-lo-trinh-va-minh-bach-950182.html