Thu phí giao thông ở TP.HCM: Bài toán nan giải

Theo chuyên gia có thể tính phương án đấu thầu việc thu phí giao thông để thu hút đầu tư công, khi đó cơ quan nhà nước chỉ cần giám sát và kiểm tra.

Việc thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường được TP.HCM thực hiện từ tháng 8-2018, thu trên 22 tuyến đường nhưng luôn không đạt được kỳ vọng, thậm chí đến năm 2021, thống kê cho thấy việc thu này còn không đủ chi, lỗ 8 tỉ đồng.

Thu loại phí nào cũng gặp khó

“Tôi làm việc từ 8 giờ đến 16 giờ, phải ghi phiếu để lên trước xe, có nhiều người còn xài app sai, đậu bên kia đường nhưng ghi bên đường này” - một thanh niên xung phong trên đường lê Hồng Phong, quận 10 nói.

Ghi nhận của PV trên các đường An Dương Vương, Tản Đà (quận 5) gần đó thấy khá ít lực lượng đi thu phí, có xe thì có để giấy thông báo thu phí phía trước, xe thì không.

Theo Công ty Dịch vụ công ích thanh niên xung phong (DVCI TNXP), đơn vị đã thành lập một bộ phận thu phí tổng cộng 67 người để hướng dẫn người dân cài đặt app Myparking (nộp phí qua mạng). Tổng chi trong năm 2021 lên đến 10 tỉ đồng nhưng thu được chỉ hơn 2 tỉ đồng.

Nhân viên đang thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM. Ảnh: KC

Nhân viên đang thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM. Ảnh: KC

Không chỉ việc thu phí ô tô khi xe đang đỗ gặp khó mà việc thu phí đối với ô tô vận hành cũng tương tự. Cụ thể, việc triển khai thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM, sau 10 năm nhà đầu tư nghiên cứu, Sở GTVT TP cho biết cuối tháng 11 năm ngoái đã trình UBND TP tham mưu, xem xét quyết định nhưng đến nay chưa có thông tin gì mới.

Theo đề xuất của Công ty Tiên Phong (đơn vị chủ đầu tư nghiên cứu) về thu phí ô tô vào trung tâm TP, dự kiến thời gian thu phí tính theo giờ cao điểm, từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 15 giờ đến 19 giờ. Trong đó, mức phí thu dự kiến là 40.000 đồng cho ô tô con tiêu chuẩn và 70.000 đồng cho xe tải, xe khách khi lưu thông vào trung tâm, không thu phí xe đi ra. Miễn phí đối với xe buýt và các loại xe ưu tiên quy định trong thu phí sử dụng đường bộ như xe cứu hỏa, xe cứu thương. Đối với taxi có đăng ký tại TP sẽ được tạm giảm 20.000 đồng/xe.

Về việc thu phí cảng biển, thông tin mới nhất cho thấy ở Sở GTVT TP vừa có báo cáo gửi UBND TP về hoàn thiện dự thảo tờ trình của Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều 1 Nghị quyết 10 ngày 9-12-2020 của HĐND TP.HCM.

Nghị quyết trên ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM, sau 1,5 năm thực hiện đã phải thay đổi. Lần sửa đổi này theo hướng rà soát các nội dung quy định về mức thu phí theo hướng giảm.

Cần giải pháp hiệu quả hơn

“Năm 2021, dịch COVID-19 nên phải tạm ngưng thu bốn tháng, sau đó lượng xe cũng chưa nhiều dẫn đến thu còn thấp” - ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ công cộng, thu phí đỗ xe thuộc Công ty DVCI TNXP (đơn vị tổ chức thu phí), cho biết. Ông Tuấn cho rằng con số lỗ 8 tỉ đồng năm 2021 là chưa chính xác, đó là dự toán, còn sau khi thống kê có thể khả năng lỗ không nhiều và đủ bù chi.

Ông Tuấn nói: “Tình hình nay đã khả quan, sáu tháng đầu năm, số thu đã hơn 2 tỉ đồng, dự kiến cả năm 2022 sẽ khoảng hơn 4 tỉ đồng. Chúng tôi đang đề xuất nhiều giải pháp như lắp thêm camera giám sát, đề nghị đơn vị công nghệ hỗ trợ miễn phí phần mềm, tăng thêm nhân lực… Thời gian tới, công tác thu phí sẽ hiệu quả hơn”.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho rằng cần chú ý tới công tác xử phạt, tăng cường phạt nguội những xe vi phạm không đóng phí. Hiện Công ty DVCI TNXP đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất, hoàn chỉnh phương án phối hợp xử lý vi phạm. Trong đó, có cả giải pháp cung cấp hình ảnh xe vi phạm cho lực lượng công an hoặc các quận, huyện liên quan để làm cơ sở xử phạt.

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, phân tích: “Theo tôi, có nhiều kiểu khó khăn, phức tạp đủ thứ khiến công tác thu phí giao thông chưa hiệu quả ở TP.HCM. Việc thu phí cần lên kế hoạch một cách chi tiết hơn, thậm chí chế tài những đơn vị, cá nhân khiến việc thu phí trì trệ, ì ạch lâu nay”.

Theo ông Hùng, ngoài các giải pháp đang triển khai, cần nghĩ đến chuyện cho đấu thầu thu phí, khi đó Nhà nước chỉ thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát sao cho minh bạch, đúng quy định.•

10 năm đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM

Tháng 12-2009, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Tiên Phong tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với các loại ô tô ra vào khu vực trung tâm TP.

Tháng 1-2010, Văn phòng Chính phủ có thông báo của phó thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông. Tháng 5-2010, chủ đầu tư đề xuất dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP. Tháng 8-2010, UBND TP chấp thuận về nguyên tắc và cách thức nghiên cứu đã được nhà đầu tư báo cáo.

Tháng 1-2017, chủ đầu tư đề xuất tiếp tục nghiên cứu khả thi của dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông. Tháng 9-2018, có 7/10 đơn vị có ý kiến góp ý về dự án trên.

Năm 2020, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP, trong đó có giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm.

HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-phi-giao-thong-o-tp-hcm-bai-toan-nan-giai-post688064.html