Thu phí không dừng tiện lợi, sao còn chần chừ?

Đến nay mới có khoảng 1/3,8 triệu phương tiện có dán thẻ thu phí tự động, trong đó tỉ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ 40%, khoảng 400.000 xe

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết dự án thu phí điện tử không dừng (ETC) bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 44 trạm trên Quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc; giai đoạn 2 gồm 33 trạm thu phí còn lại trên các tuyến quốc lộ. Ngày 31-12 sẽ là hạn chót để dịch vụ ETC tại các trạm BOT phải hoàn thành, đưa vào hoạt động; nếu không, sẽ buộc phải dừng thu phí theo chỉ đạo Thủ tướng.

Còn 4 trạm của VEC chưa triển khai

Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT - cho biết trừ 4 dự án do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (nằm trong giai đoạn 1), tiến độ dự án đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng, hoàn tất trước ngày 31-12. Cụ thể, 40/44 trạm thu phí (TTP) giai đoạn 1 đã vận hành hệ thống ETC, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí.

Theo ông Thành, VEC cần có phương án phân kỳ đầu tư, vì nếu cùng lúc đầu tư cả 4 dự án sẽ cần nguồn vốn lên tới cả ngàn tỉ đồng. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan khác hoàn thiện phương án tổng thể về tái cơ cấu VEC, trong đó có nội dung về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về vốn đầu tư ETC cho các dự án của VEC. Về dự án giai đoạn 2 (BOO2), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết BOO2 đang triển khai đồng loạt ở 25/33 trạm. Đến nay, tiến độ đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra; đến ngày 31-12, cơ bản các trạm sẽ thực hiện ETC.

"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vẫn chưa quyết định nguồn vốn cũng như giải pháp thực hiện của 4 dự án của VEC. Các dự án của VEC không hoàn thành được đúng hạn định theo chỉ đạo. Trách nhiệm này thuộc về VEC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước" - ông Huyện nói. Đối với 8 trạm thu phí không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do có 3 trạm doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm trên QL51 có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm.

Sở GTVT TP HCM cho biết tới nay hầu như các trạm thu phí trên địa bàn TP đều đã lắp đặt hệ thống ETC, tuy nhiên, số lượng phương tiện có dán thẻ thu phí tự động (ETAG) còn rất ít và trong thời gian qua có mức tăng trưởng rất thấp. Theo thống kê của Bộ GTVT, đến nay mới có khoảng 1/3,8 triệu ETAG. Trong số này, tỉ lệ nạp tiền vào sử dụng dịch vụ chỉ 40%, tức khoảng 400.000 xe.

Làn thu phí không dừng (VETC) tại Trạm thu phí BOT Cam Thịnh (tỉnh Khánh Hòa) rất ít xe qua lại Ảnh: Hồng Ánh

Làn thu phí không dừng (VETC) tại Trạm thu phí BOT Cam Thịnh (tỉnh Khánh Hòa) rất ít xe qua lại Ảnh: Hồng Ánh

Đầu tư lớn nhưng tiết kiệm nhiều chi phí

ETC đem lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở các trạm thu phí trong giờ cao điểm, phù hợp với một xã hội hạn chế dùng tiền mặt và giải thoát cho người lái xe khỏi tình cảnh phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ. Ngoài ra, hình thức thu tự động này còn bảo đảm tính minh bạch, công bằng và ngăn ngừa những hành vi phạm pháp... Ngay trong thời đại dịch Covid-19, phương thức ETC càng phát huy tác dụng khi các trạm thu phí thủ công phải đóng cửa để tránh lây nhiễm virus.

Theo chuyên gia, ETC cần phải được triển khai đồng bộ ở 2 hai đối tượng là trạm thu phí và phương tiện giao thông. Tất nhiên, trước hết phải có hành lang pháp lý và quy trình cụ thể, rõ ràng từ các cơ quan chức năng.

Quyết định 19/2020/QĐ-TTg đã quy định rất rõ, trong đó có đề cập tính đồng bộ của phương thức ETC trên toàn quốc. Yêu cầu là chỉ cần một thẻ đầu cuối gắn trên xe để có thể chạy trên hệ thống xa lộ khắp cả nước. Về trạm thu phí, việc triển khai hệ thống này sẽ cần khoản đầu tư ban đầu không nhỏ. Nhưng về lâu dài, nó sẽ tiết kiệm được nhiều tiền cho chi phí thuê nhân công lao động. Với những trạm thu phí đã xây dựng trước đây, việc trang bị hệ thống ETC sẽ là khoản đầu tư bổ sung. Chắc chắn, các nhà đầu tư sẽ không hào hứng hay thậm chí không còn vốn để đầu tư mới. Vướng mắc này có thể hóa giải được khi nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực.

Còn về phía phương tiện giao thông (cụ thể là chủ sử dụng xe), vấn đề chính vẫn là ý thức chấp hành quy định, đặc biệt là với các phương tiện thường xuyên đi lại trên các đoạn đường có thu phí.

Kiến nghị không thực hiện tại 7 trạm

Theo Bộ GTVT, ngoài 77 trạm BOT, đối với các trạm do địa phương quản lý có tổng số 39 trạm. Cơ bản các địa phương đều cam kết hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Riêng UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai ETC đối với 4 trạm do tỉnh này quản lý vì các trạm này thu phí các công trình cầu có quy mô nhỏ, ôtô qua các cầu không nhiều mà chủ yếu là môtô 2 bánh, việc lắp đặt ETC gặp nhiều khó khăn và không bảo đảm tính khả thi.

V.Duẩn

Văn Duẩn - Phạm Hồng Phước

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thu-phi-khong-dung-tien-loi-sao-con-chan-chu-20201216221956273.htm