Thu phí ô tô đậu xe lòng đường, tại sao chưa đấu thầu?
Mấy ngày qua, dư luận phản ứng khá mạnh xung quanh việc TP.HCM phải bù lỗ gần 8 tỷ cho việc thu phí đậu ô tô dưới lòng đường. Nhiều người đang ngơ ngác tự hỏi tại sao chỉ đi thu tiền mà cũng lỗ và làm cách nào để loại bỏ sự phi lý này?
Năm 2021, Công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (TNXP) thu khoảng 2,07 tỷ đồng từ các phương tiện đậu xe qua app, song số chi lương cho đội ngũ thu phí và trả tiền app vượt hơn 10 tỷ đồng. Chênh lệch thu - chi là 7,9 tỷ đồng và khoản lỗ này công ty phải tìm nguồn khác bù vào. Hàng loạt lý do như giãn cách xã hội mấy tháng, dân chưa quen dùng app, nhiều người trốn tránh nộp phí hay không ít tuyến đường bị thất thu…dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục dư luận rằng khoản lỗ vô lý này hợp lý.
Người ta đang tự hỏi tại sao chỉ có đi thu tiền với hạ tầng có sẵn, ngoài app và trả lương cho 67 nhân viên ra thì không phải đầu tư bất cứ thứ gì mà hoạt động từng kỳ vọng đem lại hàng chục tỷ/năm cho TP.HCM lại cứ mãi lỗ dài như thế? Thật ra Công ty dịch vụ công ích TNXP tiếp quản phương thức thu này từ cuối 2020 và triển khai từ 2021 sau hơn hai năm “thí điểm” và các đơn vị khác thu cũng chẳng đủ bù chi. Tưởng rằng về tay công ty này sẽ khá khẩm hơn nhưng tình hình cũng tệ không kém.
Bãi đậu xe có thu phí ở TP.HCM. Ảnh: Báo Tin Tức
Báo chí, mạng xã hội và dân chúng lên tiếng chẳng có gì lạ khi tuyến đường được phép thu phí nào cũng đầy xe đậu nhưng trung bình mỗi ngày cả 23 tuyến chỉ thu chưa tới 7 triệu đồng. Đấy là đã trừ những ngày giãn cách nghiêm ngặt, ô tô khó ra đường. Phí đậu xe thấp nhất là 20.000 đồng/giờ và số tiền 2 tỷ thu được chỉ tương đương với 100 ngàn xe đậu trong 1 giờ. Nếu bình quân mỗi ngày một xe chỉ đậu 1 tiếng thì cả 23 tuyến chỉ có gần 300 xe ô tô sử dụng dịch vụ này hay sao?
Đấy là câu hỏi cần được các cơ quan quản lý và chính Công ty dịch vụ công ích TNXP trả lời thỏa đáng chứ không phải là đổ lỗi cho dịch bệnh, giãn cách hay ý thức của người đậu xe lòng đường. Khi chưa có lời giải vì sao thu được thấp và có những con số ít đến ngạc nhiên như vậy thì giải pháp tăng thu từ 23 lên 50 tuyến đường hoặc phạt nặng, chế tài người trốn phí xem ra chưa thuyết phục và khó được đồng tình. Với cách làm hiện nay thì lên 50 tuyến đường sẽ phải trả lương thêm cho bao nhiêu nhân viên và liệu có kiểm soát được thất thoát nếu có?
Công ty dịch vụ công ích TNXP cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, việc tổ chức thu phí ôtô đã có nhiều khả quan hơn. Trong tháng 4 vừa qua, phí thu trên 20 tuyến đường đạt hơn 437 triệu đồng. Cứ cho là sẽ nhiều hơn nữa, ví dụ như 600 triệu/tháng thì cả năm mới thu được 7,2 tỷ vẫn phải bù lỗ gần 3 tỷ nữa. Bài toán này có lẽ mình công ty trên chưa giải nổi mà cơ quan quản lý cần làm rõ hơn thất thu từ đâu, kiểm soát thế nào, tăng thu ra sao chứ không chỉ là nghe báo cáo và đề ra giải pháp trên bàn họp.
Từ năm đầu thực hiện thí điểm thu phí, đã có “lời ra tiếng vào” về cách chọn phần mềm thông qua chỉ định. Thực tế thì app My Parking hay lỗi và khó dùng thế nào chúng ta đều rõ. Dư luận đang đặt câu hỏi tại sao TP.HCM không thực hiện việc thu phí này qua đấu thầu, điều mà nhiều nước đã làm và thành công? Chỉ có thông qua đấu thầu, việc thu phí mới tạo được sự cạnh tranh cũng như tìm ra sự đa dạng và thuận tiện nhất cho người dùng. Cũng chỉ có cách làm không quá khó và có thể triển khai được ngay này mới loại bỏ hoàn toàn việc lỗ lã vô lý như trên.
8 tỷ không phải là số lỗ quá lớn so với khá nhiều dự án tai tiếng khác nhưng thất thu từ nguồn dễ thu, dễ làm và dễ triển khai, hầu như không phải đầu tư hay kinh doanh, sản xuất gì khiến dư luận phản ứng dữ dội là hoàn toàn đúng. Nếu cách thu cũ vẫn không cho thấy tín hiệu khả quan thì nên đổi sớm, cho đấu thầu chẳng hạn bởi dù 1 hay nhiều tỷ thì từng đồng đem về cho ngân sách trong lúc này đều cần phải chắt chiu.