Thu phí rác thải theo khối lượng ở Việt Nam - Bài cuối: Muộn còn hơn không
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây, việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn rất ít và chưa đủ mạnh mẽ để thay đổi tình thế.
Tạo động lực
Theo chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản Hideki Wada, hệ thống thu phí theo lượng phát thải sẽ phát huy hiệu quả trong 3 trường hợp - khuyến khích phân loại rác tại nguồn; tạo sự cân bằng trong việc tính phí xả rác; đảm bảo nguồn tài chính cho việc xử lý rác.
Việc áp dụng hệ thống này để tạo động lực khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, trong hệ thống thu phí theo lượng phát thải, mức phí đóng cho một số loại rác có thể thấp hơn như rác tái chế, tạo động lực cho người dân thực hiện phân loại để giảm phí phải đóng.
Việt Nam nếu thực hiện phân loại rác tại nguồn cho công nghệ xử lý phân compost, cần phân loại rác hữu cơ và các loại rác khác. Mặt khác, địa phương nào áp dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng cần phân loại thành rác đốt được và không đốt được.
Để đảm bảo sự công bằng về việc trả phí, người xả nhiều rác phải trả nhiều tiền hơn người nỗ lực giảm thiểu lượng rác xả. Ông Hideki Wada phân tích, tại Việt Nam, trong những năm gần đây ý thức của người dân về quản lý chất thải đã được tăng lên. Tuy nhiên, trong khi một số người nỗ lực để giảm thiểu, phân loại rác, một số người lại gần như không làm gì cả. Như vậy, liệu đó có công bằng khi yêu cầu tất cả phải trả một số tiền như nhau cho các hoạt động thu gom và xử lý rác thải. Vì thế, Việt Nam nếu không áp dụng tính phí theo lượng phát thải sẽ rất khó cải thiện được tình hình.
Việc áp dụng thu phí rác thải theo khối lượng để đảm bảo nguồn tài chính cho công tác quản lý chất thải rắn. Việt Nam cần có thêm kinh phí để ứng dụng các công nghệ hiện đại như đốt rác thu hồi năng lượng. Tại Nhật Bản, những thành phố có áp dụng hệ thống thu phí theo lượng phát thải thì nguồn tài chính cho hệ thống quản lý chất thải rắn vẫn là ngân sách với nguồn thu chính từ thuế. Tỷ lệ thu phí theo lượng phát thải đóng góp cho tổng chi phí quản lý chất thải rắn từ 10% đến 50%. Tuy nhiên, có nhiều địa phương đặt ra mục tiêu thu phí theo lượng phát thải, bao gồm cả việc thành lập các quỹ đặc biệt nhằm thúc đẩy hệ thống tái chế, giảm thải hay để thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống tái chế, xử lý rác thải.
Theo cựu Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Wan, có ba mục đích của việc thu phí rác thải theo khối lượng. Người nội trợ sẽ tìm cách để tiết kiệm bằng phân loại, giảm lượng túi phải dùng và cố gắng giảm thiểu chất thải phát sinh vì thải ra nhiều sẽ phải trả nhiều tiền. Việc phân loại sẽ giúp các nhà tái chế dễ lựa chọn ra loại rác có thể tái chế, thay vì đổ lẫn vào nhau và phải mất thêm một công đoạn phân loại. Ở các địa phương, lượng chất thải phát sinh phải chôn lấp, xử lý sẽ giảm đáng kể.
Xác định rõ lộ trình
Cựu Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Wan cho rằng việc Việt Nam bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 (sửa đổi) là cần thiết và luật chỉ đưa ra khung pháp lý. Nếu khởi động từ bây giờ, Việt Nam có thể thu phí rác thải theo khối lượng trong 5 năm tới. Đây là câu chuyện của chính quyền địa phương bởi chính quyền sẽ quyết định thu ở đâu, như thế nào và thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các địa phương.
Khu vực thành thị ở Việt Nam có thể áp dụng thu phí ngay giống như Hàn Quốc. Tuy nhiên, khu vực nông thôn cần có chính sách riêng. Để thành công, Việt Nam phải tăng được tỉ lệ tái chế vì việc thu gom dựa trên khối lượng vừa để giảm chất thải, vừa tăng tỉ lệ tái chế. Chính sách này sẽ thất bại nếu tỉ lệ tái chế không tăng được, bởi mọi người vất vả phân loại mà không để làm gì.
Chuyên gia Hideki Wada cho rằng việc giới thiệu hệ thống thu phí theo lượng phát thải phải bắt đầu ngay từ bây giờ nhằm hướng tới sự thay đổi trong tương lai. Lộ trình có thể cân nhắc theo 5 bước.
Bước một, sẽ thực hiện một mô hình thí điểm thành công. Để thực hiện được một mô hình thành công, cần xác định được mục đích rõ ràng là để giảm thiểu rác hay đảm bảo sự công bằng trong trả phí, hay để có thêm nguồn tài chính. Sự lãnh đạo quyết liệt của chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò quyết định cho sự thành công.
Bước hai là chia sẻ kinh nghiệm của mô hình thí điểm và triển khai thêm tại một số địa phương khác, trong đó chỉ ra không những các bài học thành công mà cả những khó khăn, nhược điểm cũng cần được phân tích và rút kinh nghiệm.
Bước ba, các địa phương xây dựng hướng dẫn triển khai áp dụng hệ thống thu phí theo lượng phát thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tài liệu cấp quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cũng cần thiết lập “đường dây nóng” tại bộ để hướng dẫn các địa phương.
Tại Nhật Bản, khi thực hiện hệ thống thu phí này, các đô thị tại vùng Tama thuộc Thủ đô Tokyo đã xây dựng một tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện hệ thống thu phí theo lượng phát thải vào năm 2000. Bộ Môi trường Nhật Bản đã tham khảo tài liệu này và ban hành một tài liệu hướng dẫn cấp quốc gia vào năm 2007. Tài liệu này cần các nội dung làm thế nào để xây dựng hệ thống thu phí theo lượng phát thải, bao gồm các phương án có thể áp dụng; cách thức triển khai và duy trì hệ thống.
Bước tiếp theo, thứ tư là xây dựng hệ thống thống kê, thu thập dữ liệu gồm thu thập thông tin và dữ liệu về việc áp dụng hệ thống thu phí theo lượng phát thải tại các địa phương, bao gồm các nội dung triển khai, sự thay đổi về khối lượng rác trước và sau áp dụng hệ thống…
Bước cuối cùng, thứ năm, là nhân rộng hệ thống thu phí theo lượng phát thải ra toàn quốc với mục tiêu 50% địa phương trên cả nước có áp dụng.
Ông Hideki cho rằng có cơ sở để tin Việt Nam có khả năng áp dụng hệ thống thu phí theo lượng phát thải thành công. Kinh nghiệm thực hiện tại Nhật Bản đã cho thấy việc áp dụng thu phí theo lượng phát thải không phải việc có thể tiến hành một cách đơn giản. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương các cấp của Việt Nam thực sự quyết tâm với sự hỗ trợ từ chính quyền Trung ương thì các bước từ một đến bốn có thể thực hiện được trong vòng năm năm, bước năm có thể thực hiện được trong vòng 10 năm.
Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự kiến, với rác thải sinh hoạt của hộ dân ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, dự thảo Luật sẽ quy định theo hướng tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn qua hình thức bán các túi thân thiện với môi trường.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền, nếu đề xuất này trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội thông qua, chủ tịch các tỉnh, thành phố sẽ chỉ định đơn vị xuất các loại bao bì thu gom rác thân thiện với môi trường. Tiền bán bao bì được hạch toán để bù đắp chi phí xử lý chất thải cho Nhà nước.
Theo đề xuất ban đầu, hộ gia đình có khối lượng chất thải phát sinh dưới 300 kg mỗi ngày có thể lựa chọn hình thức mua túi của UBND các tỉnh, thành phố. Trường hợp lượng chất thải lớn hơn 300 kg, các tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải.