Thu phí tự động không dừng - Bài 1: Công cụ minh bạch hóa thu phí
Triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải nhằm góp phần minh bạch hóa hoạt động thu phí tại các dự án BOT.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tiến độ thực hiện dự án này đang chậm so với yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Vì sao triển khai chậm?
Theo quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng (ETC), nhà đầu tư các dự án BOT giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức ETC.
Đối với trạm thu phí được xây dựng sau ngày 1/1/2019, nhà đầu tư phải thực hiện bàn giao toàn bộ trạm thu phí ngay sau khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc triển khai thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng -Electronic Toll Collection (ETC) là chủ trương bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông và đảm bảo minh bạch trong quá trình thu phí sử dụng đường bộ.
Để phát triển hạ tầng công nghệ giao thông, minh bạch hóa thu phí, Bộ Giao thông Vận tải đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng theo hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 1 đơn vị là Công ty cổ phần VETC là đủ điều kiện trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Dự án thu phí tự động không dừng do VETC đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải cho phép triển khai từ năm 2016 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ 2016 - 2019, áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).
Trong đó, 28 trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng thu phí tự động từ 1 - 2 làn. Đến 8/2018, dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 được Bộ Giao thông Vận bổ sung thêm 18 trạm nâng tổng số trạm phải thực hiện trong giai đoạn này là 46 trạm (tuy nhiên có 2 trạm bị loại do chưa đủ điều kiện thực hiện). Như vậy, tổng số trạm thu phí sẽ phải thực hiện thu phí tự động không dừng là 44 trạm với 605 làn thu phí.
Về kết quả thực hiện tính đến đầu tháng 2/2019, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai được 29 trạm thu phí với 109 làn trong tổng kế hoạch 44 trạm thu phí đủ điều kiện triển khai thu phí tự động không dừng. Về việc dán thẻ, tính đến cuối tháng 12/2018, toàn quốc đã dán được 680.000 thẻ.
“Như vậy, nếu xét về tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng theo phê duyệt ban đầu từ năm 2016 thì tiến độ đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi dự án được bổ sung thêm 18 trạm phải thực hiện trong giai đoạn 2016-2019 thì tiến độ thực hiện dự án này không đảm bảo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải”. ông Nguyễn Mạnh Thắng thừa nhận.
Về nguyên nhân dự án bị chậm, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng xuất phát đầu tiên là năng lực của nhà cung cấp dịch vụ (VETC) bị hạn chế. Điều này xuất phát từ khó khăn về tài chính khi Bộ Giao thông Vận tải bổ sung thêm số trạm phải thực hiện thu phí không dừng trong khi phương án tài chính chưa được điều chỉnh cho VETC. Do đó, ngân hàng tài trợ vốn cho dự án này đã ngừng giải ngân.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã phải có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh phương án tài chính so với ban đầu, từ đó tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn cho VETC.
“Về phía các nhà đầu tư BOT, mặc dù không có nhà đầu tư nào ra mặt phản đối việc thực hiện thu phí tự động không dừng. Nhưng một số nhà đầu tư tìm nhiều cách khác nhau để làm chậm tiến độ thực hiện; trong đó có việc phối hợp chưa tích cực với nhà cung cấp dịch vụ là VETC. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nắm được vấn đề này nhưng chưa có chế tài để xử lý vì các nhà đầu tư BOT cho rằng việc chậm thực hiện dự án thu phí không dừng một phần do năng lực hạn chế của nhà cung cấp dịch vụ (ngân hàng không giải ngân vốn, thiếu nhân lực để triển khai). Mặt khác, cũng chưa có hành lang pháp lý để xử lý các nhà đầu tư BOT chậm triển khai thu phí tự động không dừng”, ông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích.
Một mấu chốt nữa cũng làm chậm quá trình thực hiện dự án thu phí không dừng theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng là vướng mắc trong các quy định từ phía ngân hàng. Cụ thể, là việc kết nối tài khoản ngân hàng sang tài khoản thu phí, vấn đề áp dụng lãi suất của số dư tài khoản….
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh, sửa đổi các quy định trong lĩnh vực ngân hàng. Từ đó, tạo điều kiện giải quyết các vướng mặc trong quá trình thanh toán phí qua tài khoản của người sử dụng phương tiện.
Một khó khăn khác xuất phát chính từ người dân, đó là hiện mới có 200.000/680.000 thẻ có số dư tiền trong tài khoản. Như vậy nhiều chủ xe đã tham gia thu phí không dừng nhưng chưa tích cực. Do đó, cũng đề nghị người dân cần tích cực hơn tham gia thu phí không dừng khi có điều kiện. Đặc biệt là nên nạp tiền chờ sẵn trong tài khoản để khi đi qua các trạm có làn tự động không dừng là có thể sử dụng được ngay.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, ví dụ như ở Đài Loan (Trung Quốc) để khuyến khích người dân tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng, nhà đầu tư đã đưa ra chính sách miễn giảm phí cho 3 năm đầu như giảm phí 3% cho năm thứ nhất, năm thứ 2 là 2% và năm thứ 3 là 1%. Còn tại Nga, chính sách đưa ra để khuyến khích người dân sử dụng thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc là giảm phí đường bộ lên tới 30%.
Minh bạch hóa thu phí
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, việc đưa dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng ETC áp dụng tại Việt Nam mang lại những hiệu quả tích cực cho nhà đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan nhà nước và toàn xã hội.
Cụ thể, đối với cơ quan nhà nước có thể xây dựng cơ sở dữ liệu giao thông quốc gia. Đối với Chủ phương tiện có thể tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, tăng tuổi thọ của xe. Đối với Nhà đầu tư BOT: tránh thất thoát, tiết kiệm chi phí xây dựng và vận hành trạm, tiết kiệm chi phí in vé giấy. Đối với xã hội, hình thức thu phí này sẽ giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm, tai nạn.
Theo đánh giá của Viện chiến lược Giao thông vận tải, tổng hiệu quả dự tính mà dự án mang lại có thể tiết kiệm lên tới 3.400 tỷ đồng/năm. Điều đáng chú ý là hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng ETC không sử dụng tiền mặt là điều kiện cần để đảm bảo không có tiêu cực phát sinh trong quá trình thu phí.
Ngoài ra, toàn bộ thông tin về phương tiện đăng ký sử dụng dịch vụ sẽ được lưu trữ đầy đủ tại trung tâm dữ liệu. Hệ thống phần mềm sẽ sử dụng các dữ liệu này để tự động rà soát, đối chiếu tất cả thông tin được gửi lên từ trạm thu phí để đảm bảo các giao dịch là hợp lệ; đồng thời phát hiện các trường hợp gian lận mức giá do thay đổi biển số, loại xe…
Đánh giá về ý nghĩa khi thực hiện công nghệ thu phí không dừng, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc áp dụng công nghệ này về mặt quản lý nhà nước sẽ có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước. Từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại như quản lý đăng kiểm xe, quản lý đăng ký xe chính chủ, xử phạt nguội giao thông, theo dõi điều tra các xe bị mất trộm hoặc phục vụ điều tra của cơ quan chức năng…
Xét về mặt đầu tư, theo các chuyên gia kinh tế, so với trạm thu phí cố định hiện nay thì chi phí đầu tư thu phí không dừng giảm cả về hạ tầng và nhân lực, đặc biệt là tiết kiệm được khoản chi phí in vé giấy. Đây cũng được xem là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Bài 2: Tiếp tục hoàn thiện trong vận hành