Thu phí tự động không dừng: Minh bạch, không độc quyền sẽ 'thông'

Một tín hiệu tích cực mới đây từ tỉnh Lạng Sơn cho thấy, vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động công khai, minh bạch trong đấu thầu dịch vụ thu phí không dừng (ETC), không áp đặt mức phí dịch vụ, đã giúp 'thông' những điểm 'nghẽn' mà Bộ GTVT đang phải gỡ dần.

Trạm thu phí BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh:TL

Thiếu cơ sở và vô lý

Theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án ETC giai đoạn 2 (BOO2) có tổng 33 trạm thuộc quản lý của 22 nhà đầu tư BOT nhưng tính tới thời điểm cuối tháng 10/2020 mới có 9 nhà đầu tư BOT đang quản lý 16 trạm thu phí ký hợp đồng không dừng với nhà cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, Chỉ thị số 39/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hạn muộn nhất là ngày 31/12/2020 các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí tự động không dừng. Như vậy với tiến độ này, đang có nhiều lo ngại rằng sẽ khó hoàn thành đúng thời hạn như yêu cầu của Thủ tướng.

Vướng mắc trong chậm triển khai thu phí ETC chủ yếu liên quan tới hợp đồng giữa các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ, trong đó vẫn còn một số điểm vênh nhau.

Một số nhà đầu tư cho rằng, thực tế hiện nay, các nhà đầu tư BOT đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn liên quan tới những bất cập trong thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP như: Không được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng đã ký kết, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ không được giải ngân đủ, lưu lượng phương tiện hụt giảm so với dự báo.

Trong khi đó, đối với các dự án BOT, các nhà đầu tư đang chịu thêm áp lực và gánh nặng từ việc phải trích từ 5-7% doanh thu cho nhà cung cấp dịch vụ ETC. Đây đang là vấn đề lớn khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng "thiếu cơ sở" và "vô lý".

Các nhà đầu tư BOT cho rằng, quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm như nhau nhưng có nhà cung cấp dịch vụ thì đàm phán mức phí theo thị trường (khoảng 2-3% doanh thu trước thuế), nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu mức phí từ 5-7% doanh thu sau thuế với lý do mức phí được ký hợp đồng triển khai dịch vụ với Bộ GTVT tại các trạm là như vậy.

Ngoài ra, có nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các nhà đầu tư BOT được lựa chọn hình thức thực hiện là có thể chủ động xây dựng hệ thống (Front-End) và chỉ cần thuê kết nối (Back-End). Nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ ETC thì yêu cầu nhà đầu tư BOT phải bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí để quản lý vận hành.

Rõ ràng, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, và trong trường hợp này nhà đầu tư BOT phải được quyền lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ phù hợp với chủ trương, hợp lý về giá sử dụng dịch vụ.

Nếu Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư BOT phải ký hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ cụ thể được chỉ định, thì dẫn đến các vướng mắc không thể thống nhất được. Bởi thực tế, nhà đầu tư BOT có toàn quyền chào mức phí thấp hơn để lựa chọn nhà cung cấp.

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh:KN

Minh bạch, không độc quyền sẽ "thông"

"Minh bạch", "Không độc quyền" là những cụm từ luôn được các nhà đầu tư BOT nhắc tới như một yêu cầu cho các bên (nhà nước, nhà đầu tư).

Đối với phụ lục hợp đồng giữa đơn vị cung cấp dịch vụ ETC và nhà đầu tư BOT, hiện nay, mức trích thu phí là chính là điều khoản gây tranh cãi. Mức trích thu phí không thể áp đặt mà phải có hướng dẫn cũng như sự thương thảo, thỏa thuận giữa hai bên.

Dịch vụ ETC hiện vẫn đang được Bộ GTVT và các nhà đầu tư nỗ lực để đi đến một điểm chung, với mục tiêu thực hiện tốt chủ trương đúng đắn của Chính phủ, hướng đến sự tiện lợi hơn cho người dùng, giảm tắc nghẽn giao thông.

Một tín hiệu tích cực mới đây từ tỉnh Lạng Sơn cho thấy, vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động công khai, minh bạch trong đấu thầu dịch vụ ETC, không áp đặt mức phí dịch vụ, đã giúp "thông" một trạm BOT trong những điểm "nghẽn" đang được Bộ GTVT gỡ dần.

Trong vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp cùng nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng trên các tuyến do địa phương quản lý.

Đáng chú ý, tiêu chí tiên quyết đưa ra để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC là mức phí dịch vụ đề xuất (tỷ lệ % trên doanh thu) với giá thấp nhất và đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị, kết nối hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Để minh bach công khai, tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã mời Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (Công ty VDTC) tham gia nộp hồ sơ đề xuất cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Công ty VETC và Công ty VDTC đã tham gia nộp thầu và cùng chào mức phí dịch vụ đề xuất là 2%/ doanh thu toàn trạm cao tốc (không bao gồm thuế VAT). Với kết quả này, buộc Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn phải đề nghị hai đơn vị này chào lại giá.

Ở lần chào thầu tiếp theo, đã có sự cạnh tranh về giá rõ ràng, khi VETC đề nghị lại mức phí là 1.8% còn VDTC vẫn giữ nguyên mức 2% nhưng kèm theo ưu đãi miễn giảm phí cung cấp dịch vụ trong thời gian 90 ngày (kể từ ngày chính thức đưa dịch vụ vào sử dụng).

Với cách chào thầu này, khá nhiều nhà đầu tư BOT hài lòng, bởi ít nhất đã tìm được tiếng nói chung về tính minh bạch, công khai, không áp đặt.

Dù chưa biết đơn vị nào sẽ được chọn, nhưng với cách làm minh bạch, không độc quyền, có sự cạnh tranh nhau rõ ràng giữa các nhà cung ứng dịch vụ và khi nhà đầu tư BOT có sự lựa chọn thì chắc chắn việc triển khai thu phí không dừng sẽ “thông”.

Tiến Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-phi-tu-dong-khong-dung-minh-bach-khong-doc-quyen-se-thong-post105182.html