'Thủ phủ' đá đỏ hồi sinh

Đã có một thời, vùng đất Quỳ Châu (Nghệ An) nổi tiếng bởi 'cơn lốc' đá đỏ, hàng nghìn người và giang hồ tứ chiếng đến đào xới, chặt phá tìm kiếm vận may, mang theo cả ma túy và căn bệnh thế kỷ. Gần 30 năm sau, dù 'cơn sốt' đá đỏ Quỳ Châu đã lùi vào dĩ vãng, vùng đất này đang dần hồi sinh, nhưng dường như ước mơ tìm vận may đổi đời của người dân sống trên 'kho' đá đỏ vẫn chưa nguội hẳn.

Đằng sau những giấc mơ tỷ phú

Trong chuyến công tác cuối năm, đến xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu), ông Lang Thanh Hoài - Trưởng Công an xã Châu Bình - vui chuyện cùng chúng tôi: Năm trước, có người trong bản đi kiếm củi ở khu vực Trại Bò, nhặt được viên hồng ngọc, bán được 1,1 tỷ đồng. Người mua đá sau đó bán qua tay cho lái buôn được 5 tỷ đồng. Người dân ở đây thỉnh thoảng vẫn nhặt được những viên đá màu bán dăm, ba triệu… Câu chuyện của ông Hoài kể đã lôi cuốn, thôi thúc chúng tôi “mục sở thị” lãnh địa đá đỏ vang bóng một thời.

Một góc Châu Bình

Một góc Châu Bình

Đồi Tỷ trên đường dẫn vào Bản Khoang (xã Châu Bình) vắng lặng trong buổi sáng mùa đông. Ông Lang Thanh Hoài cho biết: Đồi Tỷ được đặt tên sau khi nhiều người tìm được nhiều đá đỏ ở đây. Tương tự, bên kia là đồi Triệu, cũng tìm thấy đá đỏ nhưng ít hơn. Ở đồi Tỷ, nhiều người đã đổi đời sau một đêm, nhưng cũng tầm 80 người bỏ mạng ở đây... Chính người dân bản Khoang cũng không biết mình đang sống trên mỏ đá quý, cho đến cuối những năm 1990, trong toán người đến Quỳ Châu, có cả kỹ sư địa chất đi thăm dò khoáng sản, họ đào bới và mang lên từng vốc đá màu đỏ lóng lánh ở khu vực đồi Tỷ bây giờ. Một thời gian ngắn sau đó, dân tứ xứ kéo đến đông nghịt cả bản. Người dân bản Khoang cũng hớt hải bỏ ruộng, bỏ vườn nhập cuộc, đi kiếm “lộc trời”.

Ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình kể - thời đó, người ta đồn đại, chỉ cần vục tay xuống, vốc 1 vốc đất lên, đãi là ra đá quý. Ở nơi “hốt đất ra đá đỏ” này, bắt đầu hình thành những băng nhóm, chia nhau cát cứ các khu vực được cho là nhiều đá quý với những tay giang hồ khét tiếng như: Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Phong “trọc”... Những cuộc thanh trừng giành lãnh địa, cướp bóc diễn ra triền miên, kéo theo đó là ma túy, mại dâm, đã làm cho vùng quê vốn yên bình trở thành điểm nóng tệ nạn xã hội.

Đồi Triệu nay đã được cải tạo, trồng keo và xây dựng trang trại bò sữa

Đồi Triệu nay đã được cải tạo, trồng keo và xây dựng trang trại bò sữa

Vươn lên mạnh mẽ

Trong ký ức xa xăm của những người dân Châu Bình, thời điểm đó, chỉ có màu đỏ của đá, đất rừng bị xới tung và máu. Tới tận bây giờ, người dân Bản Khoang vẫn đồn đoán nhau rằng, thi thoảng đi rừng, vẫn nhặt được những viên hồng ngọc, bán trao tay cả tỷ đồng hoặc những viên đá màu bé xíu giá vài triệu đồng. Những đồi Tỷ, đồi Triệu dần vắng bóng người tìm vận may. Những cánh rừng tràm, bạch đàn, keo… dần phủ xanh những mảng đất lở lói, đỏ quạch vì giấc mơ đá đỏ.

“Cơn sốt” đá đỏ chìm xuống cũng là lúc những người dân bản Khoang quay về với đói khát. “Bản Khoang nằm trên đồi Tỷ, đồi Triệu nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí còn nghèo khổ hơn trước khi có đá đỏ” - ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình - nói. Để ổn định cuộc sống cho các hộ dân, chính quyền xã Châu Bình và huyện Quỳ Châu bước vào một cuộc cải tổ đất đai. Những vạt đồi nham nhở, những thửa đất lổn nhổn đá, hầm hố sâu hàng mét… dần dần được san lấp, cải tạo. 3 năm ròng rã, giọt mồ hôi người đổ xuống nhưng đất không thể hoàn lại như xưa. 96ha đất rừng được giao cho người dân để họ yên tâm bám đất, bám Bản tìm kế sinh nhai. Từng bầu cây keo đặt xuống, trầy trật sống, mồ hôi tắm từng gốc cây… những mầm xanh bắt đầu nhú lên, dần phủ xanh cả khoảng đồi.

Hiện tại, người dân Châu Bình đã trồng được khoảng 3.000ha rừng keo nguyên liệu và keo lấy gỗ. Bình quân, mỗi hộ trồng 6ha, nhiều hộ trồng hơn 50ha. Xã có gần 200 trang trại, trong đó, 100 trang trại trồng rừng nguyên liệu. Mỗi ha rừng cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng. Quá khứ đau thương do cơn sốt đá đỏ ở Quỳ Châu đã dần đi vào dĩ vãng.

Chiều cuối năm, trên đường xuôi về phố thị, men theo Quốc lộ 48 đoạn qua bản Khoang, phóng tầm mắt thấy nhấp nhô những mái ngói đỏ tươi hiện lên như điểm nhấn giữa màu xanh bao la của núi rừng. Đã qua thời lật đất tìm vận may, người dân nơi đây bằng chính sức lao động của mình, đã biết yêu rừng, bám rừng để thoát nghèo, dẫu hành trình tới đích vẫn còn lắm gian nan.

Ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình: Với địa hình, điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, trồng rừng vẫn là hướng đi chủ đạo trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng đá đỏ Quỳ Châu. Một số mô hình trang trại chăn nuôi bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế. Hiện, mô hình chăn nuôi bò sữa nhập ngoại, trồng cỏ, ngô để phục vụ chăn nuôi đang được hình thành ở khu vực đồi Triệu, hy vọng sẽ mang lại bước đột phá trong phát triển kinh tế nơi đây…

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-phu-da-do-hoi-sinh-115375.html