Thủ phủ nhung hươu nhộn nhịp bước vào mùa 'cắt lộc'

Cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên Đán, người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tất bật bước vào vụ thu hoạch lộc nhung. Đây được coi là một trong bốn vị thuốc đại bổ cho sức khỏe con người.

Trúng đậm “lộc nhung”

Những ngày này, tại các thôn làng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) không khó để bắt gặp những cảnh cắt lộc nhung. Theo người dân địa phương cho hay, mùa cắt lộc nhung bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 (Âm lịch). Nhung hươu mỗi năm có thể thu 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 1 – 1,5 kg. Với những con khỏe mạnh cho “lộc” từ 2 – 3 kg nhung/năm.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Bằng, (xã Quang Diệm, Hương Sơn) cho biết, gia đình anh nuôi 10 con hươu, trong đó có 5 con lấy nhung.

Hiện nay, giá mỗi con hươu giống từ 15 đến 17 triệu đồng/con, nuôi sau một năm là có thể thu hoạch lộc nhung. Ảnh: NVCC

“Hươu nuôi sau một năm là có thể thu hoạch lộc. Người nuôi sẽ phải theo dõi chu kỳ phát triển của nhung từ 40-50 ngày. Đặc biệt, việc cắt nhung phải đúng ngày tuổi, nếu để quá già hoặc quá non sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhung hươu. Chúng tôi đều gọi đây là lộc trời ban, vì việc khai thác hoàn toàn tự nhiên”, anh Bằng cho biết.

Cũng theo anh Bằng, lộc nhung hươu chính là sừng non của con hươu đực. Năm nay lộc nhung được giá, dao động dao động từ 10 - 12 triệu đồng/kg. Có bao nhiêu nhung hươu thương lái đều “phục sẵn” mua tại chỗ.

Lộc nhung bên ngoài phủ đầy lông, với những con hươu phát triển bình thường có thể cho từ 1-2 kg nhung. Ảnh: NVCC

Tương tự, gia đình anh Phan Văn Luật (xã Sơn Lâm, Hương Sơn) nuôi 55 con hươu; mỗi năm cắt khoảng 10 - 12kg nhung hươu, cộng với tiền bán 5 con hươu giống, giá dao động từ 15 - 17 triệu đồng/con.

“Nhung hươu là vị thuốc bổ quý, có tác dụng bổ dương, chống lão hóa, tăng cường sinh lực, dùng tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, trẻ em chậm lớn. Hiện nay, nhung hươu chủ yếu được tiêu thụ thông qua bán lẻ cho tiểu thương hoặc người dân mua để dùng hay làm quà biếu”, anh Luật kể.

Nhộn nhịp dịch vụ cắt thuê

Bên cạnh việc thu hoạch lộc nhung, dịch vụ cắt nhung thuê ra đời, với giá dao động mỗi cặp từ 200.000 - 300.000 đồng.

Anh Trần Minh Giang (xã Sơn Giang, Hương Sơn) cho biết, công việc cắt nhung hươu tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, nhanh nhẹn và khéo tay mới làm được.

“Đội cắt của tôi có 3 người, trung bình mỗi ngày cắt 8-10 cặp. Mỗi ngày các thành viên thu nhập từ 800.000 – 1 triệu đồng/người. Nghề cắt hươu đòi hỏi mỗi người phải có sức khỏe, nhanh nhẹn, có kỹ năng giữ hươu, vật hươu ngã xuống”, anh Giang chia sẻ.

Trước khi cắt nhung, đầu hươu bị ghì vào tấm ván để giữ nguyên vị trí, tránh bị gãy nhung trong quá trình cắt. Ảnh: NVCC

Anh Giang cho biết thêm, đồ nghề cắt nhung hươu rất đơn giản, bao gồm một sợi dây dù để giật và giữ chân phía sau của hươu, một lưỡi cưa, một miếng ván có đóng vòng thép, một cây sào nứa để đưa dây thòng lọng vào chuồng cho hươu giẫm.

Vị trí cắt nhung phải cách gốc đế khoảng 1cm. Khi cắt, người thợ phải cắt thật nhanh, lúc gần đứt thì phải cưa chậm lại, vết cắt phải bằng để dễ dàng thực hiện bọc nhung, giúp nhung tái tạo cho lần cắt tiếp theo.

Sau mỗi lần cắt, để đảm bảo sức khỏe cũng như để nhung tái tạo cho lần cắt tiếp theo, những người thợ sẽ sử dụng một số loại lá rừng đắp lên chỗ cắt, trước khi dùng gạc hoặc vải sạch bịt ngoài thật chặt.

Mỗi đội cắt nhung thường 3 người, tối đa là 5 người. Ảnh: NVCC

“Ngoài việc kiếm thêm thu nhập thì nghề này rất vui vì theo lệ, cắt xong chủ nhà sẽ có mâm cơm với chén rượu huyết hươu đỏ thay lời cảm ơn hội cắt lộc và cũng là sự chia sẻ lộc trời theo triết lý “lộc bất tận hưởng”, anh Giang kể.

Được biết, Hương Sơn là “thủ phủ” chăn nuôi hươu sao của Hà Tĩnh, với hàng nghìn hộ chăn nuôi. Nhung hươu Hương Sơn được biết đến là một trong bốn vị thuốc đại bổ cho sức khỏe con người. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu.

Nguyễn Thúy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-phu-nhung-huou-nhon-nhip-buoc-vao-mua-cat-loc-post182248.html