'Thủ phủ' tôm hùm ở Phú Yên trước giờ 'đón' bão
Với quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng con người, chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách ở thị xã Sông Cầu kiên quyết cưỡng chế, sơ tán người dân rời khỏi lồng bè ở vùng thủ phủ tôm hùm Phú Yên để vào bờ tránh bão số 6
Thị xã Sông Cầu ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên nối liền với TP Quy Nhơn ở phía Nam tỉnh Bình Định. Đây là địa bàn được dự báo tâm bão số 6 ập vào, trong khi đó bên dưới mặt nước đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài ở một thị xã có những dãy núi vòng cung ôm lấy dải biển rộng lớn là khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng của người dân đầu tư thả nuôi tôm, cá.
Theo Phòng kinh tế thị xã Sông Cầu, đến thời điểm nàt, trong vịnh Xuân Đài có hơn 1.800 bè nuôi thủy sản với hơn 100.000 lồng, trong đó có hơn 90% lồng bè tôm hùm, phần còn lại còn lại là cá mú, cá bớp...Toàn bộ lồng bè nêu trên là sở hữu của gần 3.000 hộ gia đình với hơn 4.000 người dân thường trực ở đó để quản lý, chăm sóc tôm, cá.
Nghề nuôi thủy sản không chỉ là tiềm năng, mũi nhọn kinh tế của thị xã Sông Cầu, trong đó vịnh Xuân Đài được ví như “thủ phủ” tôm hùm của Phú Yên và cũng là nơi sinh kế của hàng trăm ngàn người dân địa phương.
Mỗi năm, người dân đầu tư đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn của gia đình và vốn vay ngân hàng, nên mỗi khi các bản tin dự báo thời tiết diễn biến phức tạp bởi bão lũ thì người dân cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách ở “thủ phủ” tôm hùm của Phú Yên thêm nỗi lo toan.
Ông Trần Thành Công – một ngư dân ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu bày tỏ : “Không lo sao được khi đã dốc hết gia tài đầu tư vào lồng bè tôm hùm. Lồng bè và con tôm của gia đình tôi đầu tư vụ nuôi năm nay hơn 5 tỷ đồng, hầu hết là nguồn tiền vay tín dụng. Khi nghe chính quyền thông báo cơn bão số 6 đang tiến gần bờ, tôi cùng 3 nhân công nhấn chìm lồng tôm gần đáy vịnh rồi giằng neo từ lồng đến bè bằng nhiều dây thừng để hạn chế sóng gió xô đập.
Theo dự báo thời tiết, cơn bão số 6 sẽ đổ bổ vào đất liền từ nửa đêm ngày 10 đến rạng sáng ngày 11-11 nên buổi trưa ngày 10-11, tôi cho tôm ăn xong là rời khỏi lồng bè về nhà tránh bão”.
Cùng tâm trạng đó, ông Lê Văn Dũng, trú ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu chia sẻ : “Bỏ lại tài sản tiền tỷ ngoài vịnh biển khi cơn bão ập đến ai cũng lo, nhưng tính mạng con người là vô giá nên phải rời lồng bè vô bờ tránh bão an toàn”.
Thượng tá Võ Duy Tuấn – Trưởng Công an thị xã Sông Cầu cho biết, từ sáng ngày 9 đến trưa ngày 10-11, lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng phối hợp các cơ quan chức trách ở thị xã và chính quyền địa phương các xã, phường Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Cảnh, Xuân Bình, Xuân Hòa, Xuân Hải đến đầm Cù Mông, Vũng Lắm, vịnh Xuân Đài, vịnh Hòa vận động người dân tập trung nhân lực, vật tư giằng neo lồng bè sau khi thả chìm xuống dưới mặt nước rồi khẩn trương rời khỏi lồng bè để vào đất liền tránh bão trước 11h ngày 10-11. Sau thời điểm đó, các cơ quan chức trách sẽ kiểm tra lần cuối, kiên quyết cưỡng chế, buộc những người còn lưu lại ở lồng bè phải vào bờ.
Phó trưởng Phòng kinh tế thị xã Sông Cầu – ông Nguyễn Hải Anh cho hay : “Ngoài số lồng bè tôm, cá tồn tại từ lâu còn có khoảng 200 bè tôm, cá của người dân ở nơi khác vừa “nhập cư” tránh bão số 6. Khi kéo bè đến vùng vịnh Xuân Đài, không ít người chủ quan cho rằng vùng vịnh có núi che chắn, nhưng thực tế không hề đơn giản nếu bão lũ có cưỡng suất lớn như dự báo thì hiểm họa khó tránh khỏi nên phải kiến quyết sơ tán không để bất kỳ người nào lưu lại trên lồng bè thủy sản, bởi lẽ đối với thiên tai thì các biện pháp chủ động sơ tán, di dời ra khỏi tầm dự báo nguy hiểm để phòng ngừa bao giờ vẫn hơn là tránh trú tại chỗ”.
Ở phía Nam Phú Yên có 283 hộ gia đình thả nuôi tôm cá tại 13.700 lồng trong vịnh Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa cũng đã triển khai mệnh lệnh sơ tán người dân vào bờ tránh bão trước 11h ngày 10-11.
Ông Trần Hữu Thế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trước 12h trưa ngày 10-11, các cơ quan chức trách cùng với chính quyền các địa phương tập trung sơ tán khoảng 36.000 người dân rời khỏi những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ven sông, vùng triều cường ven biển và nơi trũng thấp.
Ông Lê Xuân Hiền – Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu – một trong những địa phương ven biển có nguy cơ triều cường xâm thực khu dân cư cho biết : "Trong ngày 9-11, hàng ngàn bao cát đã được bộ đội biên phòng cùng người dân đào đắp, tạo thành bờ kè chắn sóng biển, tuy nhiên để đám bảo an toàn tính mạng con người, hơn 200 hộ gia đình đã sơ tán đến các công sở, trường học ở địa phương để tạm trú tránh bão”.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/thu-phu-tom-hum-o-phu-yen-truoc-gio-don-bao-569299/